Băng qua “bão” bệnh, đỗ thủ khoa

10:34, 22/08/2010

Với 27,5 điểm (Văn: 8,5; Sử: 9,75; Địa: 9,25), em Vũ Thu Thảo ở thôn Nam Bi, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư (Thái Bình) không những đỗ thủ khoa trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mà còn là người dẫn đầu khối C trong cả nước. Điều đáng nói hơn là cô nữ sinh vùng thôn quê này mới vượt qua căn bệnh u não.

 

Những ngày chiến đấu với bệnh tật

 

Giục con đi uống thuốc xong, chị Nguyễn Thị Đào mẹ em Thảo quay sang chúng tôi mừng mừng, tủi tủi kể: Đầu năm 2009, ông nội Thảo mất, nỗi đau của gia đình chưa nguôi ngoai thì chỉ ít ngày sau chị bị gãy chân. Thế là bao công việc đồng áng nặng nhọc đều đổ dồn lên đầu hai bố con. 1,3 mẫu ruộng và công việc gia đình, hai bố con Thảo phải thay nhau cáng đáng. Thương bố, Thảo tranh thủ thời gian, sáng đi học, chiều phụ bố nhổ mạ cấy lúa, rồi về nhà đỡ đần cơm nước cho mẹ, chăm em.

 

 Những tưởng vận hạn của gia đình đến đó là chấm dứt, ai ngờ cuối tháng 4/2009, Thảo bị trận ốm “thập tử nhất sinh”. Theo kết luận của Bệnh viện Việt Đức, Thảo bị u não hố sau. Nhớ lại những ngày tháng cùng chồng con hành trình qua hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, chị Đào ngẹn ngào: “Chúng tôi là nông dân có hiểu gì được nhiều đâu, cứ nghe đến bệnh u là người như tan ra từng mảnh. Nhìn cháu đau, tôi chỉ biết khấn vái đất trời cho đứa con gái đang nằm trên giường bệnh kia mau khỏi bệnh...”.

 

Ngày Thảo nhập viện, mọi thứ trong gia đình từ thóc lúa, lợn, gà, có gì bán được là bán hết. Hai vợ chồng chị Đào phải chạy ngược xuôi vay tiền chữa trị cho con. Một tháng nằm viện, vì nhà nghèo không có tiền thuê nhà trọ trông con, may nhờ trọ được một người họ xa, hàng ngày anh Thơi (bố Thảo) phải đạp xe chục cây số đi lại cơm nước cho hai mẹ con.

 

Mổ xong chưa được một tuần, thì Thảo cứ nằng nặc đòi bố mẹ cho về nhà để đi học, anh Thơi thổ lộ: “Lúc đó, tôi chỉ mong sao cháu tai qua nạn khỏi, còn chuyện học, thú thật không dám nghĩ tới nữa!”.

 

Theo khuyến cáo của bác sĩ, Thảo nên nghỉ một năm, rồi hãy đi học tiếp. Thảo tiết lộ: “Những ngày nằm trên giường bệnh, em cảm nhận được rất nhiều điều bổ ích từ cuộc sống này, em thấy cuộc đời ý nghĩa nhiều hơn. Em thầm nhủ mình phải cố gắng chiến thắng bệnh tật, vượt qua mọi hoàn cảnh để làm cho cuộc sống này càng ý nghĩa hơn, em cần phải đến trường ngay để thực hiện được mơ ước đó...”.

 

Chị Đào tâm sự: “Thấy con mình hiếu học, mọi người cứ động viên nên vợ chồng tôi cũng phần nào nguôi ngoai đi, song vẫn lo lắng khi chiều lòng cháu để nó được đến trường”.

 

Ôn thi trong bếp… vẫn xếp thủ khoa

 

12 năm liền là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, tuy học lớp chuyên Sử của Trường THPT chuyên Thái Bình, nhưng bảng điểm các môn của Thảo lúc nào cũng đạt loại giỏi. Mặc dù, năm học 2009 - 2010 đang trong giai đoạn điều trị bệnh, nhưng Thảo vẫn “ẵm” 3 giải lớn: Giải Nhì quốc gia môn Sử; giải Nhất môn Sử toàn tỉnh Thái Bình; giải Nhất Olympic lớp 12.

 

 

Kỳ thi Đại học vừa rồi, Thảo đạt 10 điểm Sử (9,75 điểm được làm tròn). Nhìn bảng thành tích dày đặc với gần chục giải thưởng cấp huyện, tỉnh, khu vực rồi quốc gia, mới thấy khâm phục kết quả học tập của Thảo. Thành tích ấy, càng đáng nể hơn khi “lò luyện thi” của em chủ yếu là ở... bếp. Anh Thơi cho hay: nhà neo người, hoàn cảnh lại khó khăn quá, nên Thảo toàn tự học ở nhà. Ngày nào em cũng vừa nấu cơm, vừa ôn bài, lúc nào cũng có quyển sách, quyển vở bên người, cứ ngơi việc nhà ra là em lại mở sách đọc. “Thi tốt nghiệp xong, các bạn đôn đáo đi tìm lò nọ, lò kia để luyện thi, còn em hàng ngày toàn xuống “lò bếp” anh ạ!” - Thảo tủm tỉm.

 

Thảo cho hay, học lịch sử không khó lắm, quan trọng là mình phải có niềm đam mê. Em cho biết: học lịch sử giúp mình rút ra được nhiều bài học quí giá cho bản thân. Cách học của Thảo là những cái nào cần nhớ kỹ, thì phải dành thời gian suy nghĩ sâu về nó. Còn để có kỳ thi tốt, thì mình phải có sự chuẩn bị chu đáo, luôn tự tin nhưng không được chủ quan trong quá trình làm bài.

 

Thầy giáo Trần Đăng Khoa, giáo viên chủ nhiệm của em Thảo bộc bạch: “Em Thảo là một học sinh rất chăm chỉ có phương pháp nghiên cứu bài bản và nghiêm túc trong quá trình học tập. Nhìn vào tinh thần tự giác học tập của em mà ý thức vươn lên của các bạn khác cùng lớp cũng phần nào được trỗi dậy!”.

 

Thảo chọn thi ngành sư phạm với ước mơ làm cô giáo để mai sau “truyền lửa” cho các em về những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha đã làm nên từ ngàn đời nay. Em còn mong muốn được trở thành người nghiên cứu lịch sử để giúp mọi người thay đổi nhận thức về môn Sử và nhận thấy ý nghĩa của sử học với cuộc sống. Thảo bật mí: “Sau này có điều kiện em sẽ viết sách Sử để truyền bá lịch sử Việt Nam ra thế giới, cho bạn bè biết đến Việt Nam nhiều hơn nữa...”

 

“Lúc con gọi điện báo cháu đỗ đại học, tôi đang mải làm nốt những công việc nhà nông chỉ muốn về nhà ngay ôm con vào lòng nói: Bố rất tự hào về con gái của bố” - anh Thơi tâm sự. Còn chị Đào, mấy ngày qua vừa mừng, lại vừa lo. Mừng vì con đỗ đạt, song lo vì gánh nặng nhà nông phải nuôi con 4 năm Đại học. Ngoài 1,3 mẫu ruộng và nghề cày ruộng thuê theo thời vụ của anh Thơi, gia đình không có gì thu nhập thêm. Chị Đào tiết lộ: “Hồi chữa bệnh cho cháu gia đình tôi phải vay hơn 40 triệu, đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Cháu đỗ đại học là mừng rồi, nhưng cũng lo lắm các anh ạ!”./.