Chưa đáp ứng yêu cầu

17:45, 11/08/2010

Chất lượng còn rất thấp, đặc biệt hiện nay vẫn còn một số tỉnh chưa xóa được “điểm trắng” về cơ sở giáo dục thường xuyên. Đây là những khó khăn mà hệ thống giáo dục thường xuyên đang phải đối mặt 

  

Chưa xóa được “điểm trắng”

 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) tuy phát triển mạnh nhưng chưa đều khắp ở các địa bàn, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Hiện nay vẫn còn một số tỉnh chưa xóa được “điểm trắng” về cơ sở GDTX như: 5 tỉnh không có trung tâm GDTX cấp tỉnh (Ninh Bình, Thái Bình, Bình Thuận, Trà Vinh, Vĩnh Long); 3 tỉnh chưa có trung tâm GDTX cấp huyện (Tuyên Quang, Kiên Giang, Ninh Thuận); một số tỉnh có tỷ lệ trung tâm GDTX quá thấp: Sóc Trăng (20%); Bắc Kạn (25%)… Việc tuyên truyền vận động người mù chữ ra học còn nhiều hạn chế, tỉ lệ huy động số người trong độ tuổi ra lớp còn thấp, tập trung chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng dân tộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long…

 

Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD-ĐT) thừa nhận, GDTX còn đang phải đối mặt với những khó khăn, bất cập về công tác quản lý, chỉ đạo. Một số sở GD-ĐT, khi cấp phép cho các trung tâm ngoại ngữ còn ghi chung chung dẫn đến thực tế có những trung tâm dạy một lúc nhiều thứ tiếng trong khi không có đội ngũ giáo viên đủ trình độ khiến chất lượng đầu ra thấp; không tạo được uy tín với người học. Phần lớn các trung tâm ngoại ngữ thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đều không thực hiện đúng quy định, cố tình cắt xén chương trình đào tạo, mở các lớp mà không xin phép sở GD-ĐT, chọn giáo viên không đạt chuẩn…

 

Đáng nói là, một số trung tâm còn lúng túng trong triển khai thực hiện các chương trình GDTX, chưa tạo được sự hấp dẫn, thu hút người học; nhiều trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) hoạt động kém hiệu quả; Nội dung, chương trình của trung tâm chưa đa dạng, hình thức tổ chức học tập chưa linh hoạt. Hiện nay còn 71% trung tâm HTCĐ chưa có trụ sở riêng, phải đi thuê địa điểm.

 

Ngày càng thiếu hụt giáo viên

 

Một trong những nguyên nhân kéo chất lượng GDTX xuống là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên cơ hữu cho các cơ sở GDTX. Đội ngũ giáo viên ở một số trung tâm còn thiếu về số lượng, không đồng bộ về cơ cấu chuyên môn, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho giáo viên còn hạn chế. Đáng lo ngại là, đội ngũ cộng tác viên ở các trung tâm HTCĐ giảm mạnh (năm 2009 có hơn 74.000 người, năm học này giảm 28.000 người).

 

Thực trạng trên cũng là nỗi trăn trở của ông Vũ Hiền Lương, Giám đốc Trung tâm GDTX hướng nghiệp và dạy nghề huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông Vũ Hiền Lương cho biết, hiện nay trung tâm mới chỉ có 5 giáo viên thuộc diện biên chế, còn lại chủ yếu phải hợp đồng với các giáo viên ở các trường ngoài và giáo viên nghỉ hưu. Vì vậy, việc bị động về đội ngũ giáo viên trong công tác giảng dạy là không tránh khỏi. Theo ông, ngành cố gắng đầu tư tối thiểu một môn dạy phải có 1 giáo viên. Bà Bích Lưu, Giám đốc Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố đề xuất: “Để những người làm công tác GDTX bớt thiệt thòi, xin kiến nghị các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ 50% đứng bục chứ không phải 30% như hiện nay”.

 

Để nâng cao chất lượng GDTX, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển đưa ra một số giải pháp tập trung triển khai trong năm học mới như: Xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các cơ sở GDTX, cố gắng bố trí đủ lượng giáo viên cơ hữu. Trong thời gian tới cần tiếp tục đa dạng hóa nội dung chương trình học tập sao cho phù hợp với từng địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội… để phát triển quy mô, số lượng người học và huy động các nguồn lực hỗ trợ nâng cao chất lượng GDTX./.