Chuẩn bị gì khi con bước vào năm học mới?

09:46, 17/08/2010

Chắc nhiều người sẽ trả lời: Tiền! Đúng, để chi cho các nhu cầu của con khi năm học mới bắt đầu cần chuẩn bị một món tiền, đôi khi không nhỏ và điều đó từng làm nhiều cha mẹ phải suy tính để “cân đối ngân sách” gia đình.

 

Nhưng nếu trả lời như vậy thì thật là chưa đủ và e rằng còn thiếu quá nhiều nếu chúng ta thực sự là những người luôn quan tâm đến việc học hành của con cái và quan trọng hơn là luôn dành trọn cho con những tình cảm yêu thương. Vậy cha mẹ cần chuẩn bị gì?

 

Hiểu nhà trường và học…với con

 

Liên tục nhiều năm qua, học sinh Phần Lan đã dành chiến thắng trong Chương trình khảo sát và đánh giá học sinh quốc tế - PISA (Programme for International Student Assessment), nhờ vậy giáo dục Phần Lan đã vượt qua các cường quốc về giáo dục như Canađa, Anh, Mỹ…để đứng đầu trong xếp loại của OECD - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development) dành cho các nước công nghiệp phát triển. Trong năm 2009 có hơn một trăm phái đoàn ngoại quốc và chính phủ đã đến thăm Helsinki – Thủ đô Phần Lan với hy vọng tìm hiểu tại sao các trường học ở đó lại quá thành công đến như vậy. Nhiều “bí mật” đã được khám phá, trong đó có hai “triết lý” rất sâu sắc. Thứ nhất là: "Mọi trẻ em đều có một cái gì đó để cống hiến và không nên bỏ lại đằng sau em nào đó kém ở một vài bộ môn". Thứ hai là: “Cha mẹ cùng đọc sách với các con tại nhà và gia đình thường xuyên tiếp xúc với các thầy cô giáo”. Trong một Thông điệp Liên bang khi còn đương nhiệm, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã nói: “Các bậc cha mẹ có thể tạo ra những sự thay đổi to lớn nếu họ biết rõ giáo viên của con, giúp con học ở nhà và dạy con những điều đúng từ chính những sai sót của con”.

 

Còn cha mẹ của chúng ta thì sao? Từ hơn nửa thế kỷ nay, trong nguyên lý giáo dục của ta luôn nhấn mạnh: kết hợp giữa giáo dục của nhà trường với gia đình và xã hội. Nhưng dường như điều đó mới chỉ ở trên khẩu hiệu mà chưa đi vào cuộc sống hàng ngày. Công bằng mà nói lỗi này đến từ cả hai phía: nhà trường và gia đình. Nhưng “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, các bậc cha mẹ nên nghĩ xem mình đã làm gì, đã chủ động trong việc phối hợp với nhà trường và các thầy cô giáo trong việc dạy dỗ con cái mình chưa.

 

Trong một năm học, hầu hết phụ huynh thường chỉ gặp giáo viên (mà cũng chỉ là giáo viên chủ nhiệm) ở ba cuộc họp phụ huynh diễn ra vào đầu năm học, kết thúc học kỳ I và cuối năm học. Có người vì nhiều lý do còn không dự được buổi nào, hoặc phải nhờ ông bà hay anh chị em đi họp thay. Thật đáng tiếc! Trong các buổi họp đó giáo viên thường trình bày nhiều nội dung, cung cấp nhiều thông tin nhưng có phụ huynh lại chỉ chú ý xem phải đóng bao nhiêu tiền, nhanh nhanh rồi về. Không mấy cha mẹ nhân dịp đó tìm hiểu kỹ về nhà trường, xem con mình học ở phòng nào, con ngồi chỗ nào, cạnh bạn nào; chuyện trò một chút với giáo viên để biết thêm về chương trình học tập, phương pháp học tập năm nay có gì đặc biệt, có gì khó khăn, hỏi giáo viên xem gia đình có thể phối hợp thế nào để giúp các con trong học tập, rèn luyện. Bên cạnh đó, ngoài các buổi họp phụ huynh, cha mẹ còn có thể liên hệ với giáo viên qua điện thoại hoặc thư điện tử để trao đổi khi cần thiết hoặc tìm mọi cách nắm bắt kịp thời những thông tin về kết quả học tập, về hành vi đạo đức, về ý thức tổ chức kỷ luật của con mình ở trường. Ngắn gọn thôi để đừng đến mức “quấy rầy” thầy cô giáo. Nếu trong tháng một hai lần và khéo léo trong giao tiếp thì chắc giáo viên không nỡ từ chối. Tất cả những việc đó cha mẹ phải chủ động vì lớp học thường đông, giáo viên chỉ liên hệ với gia đình khi có những sự cố bất thường. Cần luôn nhớ rằng giáo viên phụ trách tới 40-50 “học trò” (đối tượng đứng thứ ba chỉ sau “quỷ” và “ma”) trong khi mình “quản lý” có mỗi một hoặc hai “hoàng tử, công chúa”!

 

Từng ngày, từng giờ thế giới mà chúng ta đang sống thay đổi với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là sau sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Nhà trường hôm nay đã khác nhiều so với mười năm, hai mươi năm trước. Nội dung, phương pháp, phương tiện học tập đổi mới rất nhanh. Chính những điều đó đã “vô hiệu hóa” khả năng giúp đỡ con cái trong học tập của nhiều cha mẹ. Những gì cha mẹ đã học, đã biết khi ngồi trên ghế nhà trường thì nay nhiều cái trở nên lạc hậu. Không phải là tất cả, nhưng nếu cha mẹ không chủ động tích cực tìm hiểu thì không thể biết những cái mới trong nhà trường vì thế không thể giúp gì được cho con mình.

 

Hơn thế nữa, ngày nay muốn giúp con học thì cha mẹ cũng phải… học. Hãy cho các con thấy rằng bố mẹ cũng rất thích học, và quan trọng hơn là bố mẹ không… giấu dốt, bố mẹ sẵn sàng học tập những gì cần thiết mà chưa biết. Chắc chắn bạn từng biết có gia đình mà ở đấy con cái đã giúp bố mẹ học sử dụng máy vi tính, giúp bố mẹ dịch mấy câu tiếng Anh... Nhiều gia đình còn luôn có sẵn cuốn Bách khoa tri thức hoặc Bách khoa toàn thư để cả nhà dùng chung, cả nhà cùng tra khi muốn biết về một điều gì đấy.

 

Điều quan trọng là cha mẹ cần xác định lúc này học gì, học như thế nào. Chắc nhiều người sẽ phản đối ngay: lấy đâu ra thời gian để học. Hãy nghĩ lại, có việc chỉ tốn 15 phút mỗi ngày như tập thể dục buổi sáng, nhưng nếu không quyết tâm, không cố gắng chắc sẽ không làm được. Và nếu khéo thu xếp hoàn toàn chúng ta có thể dành ra mỗi ngày chừng 20-30 phút để học tập. Hãy học những gì giúp cho công việc và cuộc sống hàng ngày của mình: học sử dụng máy vi tính, học ngoại ngữ, học nấu ăn, học phương pháp nuôi dạy con và học cả những kiến thức…con mình đang học. Không phải tất cả các môn, tất cả các bài nhưng cố tìm ra được những chỗ để học cùng với con. Hãy chia sẻ với con những gì mình thấy mới, thấy thích khi học được cái gì đó. Thực tế cho thấy có những cha mẹ đã và đang học cùng với con, vì chúng ta ít nhiều cũng có kinh nghiệm trong học tập nếu không phải là tất cả kiến thức thì cũng có thể chia sẻ với con về phương pháp học tập hoặc cách học một môn một bài cụ thể. Nếu quả thật bạn chưa làm như vậy bao giờ hãy cố thử một lần!

 

Không thể xây dựng một xã hội học tập nếu không có những gia đình học tập. Trong gia đình cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái. Không gì thuyết phục trẻ em mạnh hơn bằng việc cha mẹ cũng “học tập suốt đời”.

 

Lắng nghe…con mình

 

Một ngày có 24 giờ, học sinh thường ở trường khoảng 4-5 giờ, nhiều nhất cũng chỉ 7-8 giờ, một phần ba thời gian của một ngày. Vậy mà phụ huynh hay nói “trăm sự nhờ thầy cô giáo”, hoặc trút toàn bộ trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường thì thật không đúng. Nếu tính theo thời gian, nhà trường chỉ có một phần ba là cùng. Hai phần ba còn lại là trách nhiệm của gia đình và xã hội.

 

Tiếc thay khi thời gian “sum họp” trong các gia đình ngày càng trở nên ít ỏi. Chỉ mỗi việc cả nhà cùng ngồi ăn bữa tối với nhau mà sao nhiều lúc khó thế. Trong khi bữa ăn tối có thể là thời gian quý nhất trong mỗi ngày để cha mẹ con cái được gần nhau, được chuyện trò. Đấy cũng là lúc dễ nhất để mọi người nói chuyện về đủ mọi thứ và cha mẹ có thể hỏi con: Hôm nay ở lớp có gì vui không? Hôm nay con học những gì? Có gì hay không? Cố gắng lắng nghe để biết càng nhiều càng tốt về nhà trường và về kết quả cũng như những khó khăn của con ở lớp. Sẵn sàng giúp khi con có những vướng mắc trong học tập hoặc trong quan hệ với thầy với bạn. Chẳng may có gì không vừa ý xảy ra, cố giữ bình tĩnh, đừng mắng con trong bữa ăn, các cụ đã dạy “giời đánh còn tránh miếng ăn” mà. Nếu có ước muốn gì cho các gia đình có lẽ xin mong mọi gia đình luôn có được những bữa ăn tối đầm ấm, nơi cha mẹ cùng con cái được vui vẻ chia sẻ những chuyện trong ngày và có cả những chuyện về học hành!

 

Như ai đã từng nói rất hay rằng: “Trẻ em không chỉ cần sữa mẹ để lớn, chúng còn cần cả tình thương”. Trong học tập cũng vậy, con chúng ta không chỉ cần sách vở, đồ dùng học tập, các bài giảng của thầy cô ở trường mà còn cần cả sự yêu thương săn sóc, quan tâm đúng mức đúng cách của cha mẹ.

 

Một năm học mới sắp bắt đầu, nhiều cái vui cái mới đang chờ đón các con ở nhà trường. Và mong rằng các con cũng sẽ nhận được những sự đổi mới của chính bố mẹ mình trong gia đình!