Nếu quả thực CNGD có tiến bộ thì cần phải tổng kết và đánh giá trên quy mô lớn hơn, bài bản hơn và phải được áp dụng trong quá trình xây dựng chương trình và biên soạn SGK những năm tới
Công nghệ giáo dục (CNGD) là đề tài được nhiều người quan tâm. Số phận hẩm hiu của CNGD vẫn còn những khoảng mờ chưa được làm sáng tỏ. Người ta chưa kịp đánh giá hiệu quả của CNGD thì nó đã trở thành quá khứ với quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa (SGK). Và hôm nay, cái “quá khứ” đó lại quay trở lại một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên chưa có lời lý giải chính thức nào cho sự kiện này.
Sự có mặt của lãnh đạo Bộ có lẽ cũng làm cho GS. Hồ Ngọc Đại, người được xem như cha đẻ của CNGD rất xúc động và vui mừng. Ông Đại chỉ lên hàng chữ “Bộ GD-ĐT” trên tấm phông ở Hội trường nói: “Các bạn hãy yên tâm”. Có lẽ ông mong đợi một Hội nghị như thế này đã lâu. Hội nghị về CNGD - một sản phẩm của ông và đồng nghiệp đã được Bộ GD-ĐT chính thức tổ chức, Thứ trưởng chủ trì.
Có lẽ ông và cán bộ, giáo viên các tỉnh thí điểm TV1- CNGD càng vui hơn khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển có những nhận xét tích cực cho chương trình thí điểm. Ông Hiển nói: “CNGD tự ta làm ra, bằng nguồn lực của chính mình nên nó bền vững. Nó khác hẳn với nhiều dự án giáo dục do quốc tế hỗ trợ. Hết dự án là kết thúc hoạt động.” Thứ trưởng gọi quãng thời gian mà CNGD bị xoá sổ là “thời gian bị sao nhãng đi và bây giờ làm lại” và “ông mừng khi có những tỉnh quay trở lại với CNGD”.
GS. Hồ Ngọc Đại khẳng định: TV1 - CNGD là ví dụ để minh chứng “có một nghiệp vụ sư phạm mới”. CNGD là kết quả của một thế kỷ nghiên cứu tâm lý giáo dục. Cái khó trong triển khai TV1 - CNGD hiện nay là nghiệp vụ sư phạm và chính sách của Nhà nước. GS. Đại cũng không quên cảm ơn Thứ trưởng đã quan tâm tới CNGD. Ông nhận xét: “Anh Hiển nhận thức được vấn đề và thật bụng với giáo dục, anh dám chịu trách nhiệm”.
Căn cứ vào những ý kiến phát biểu tại Hội nghị đánh giá dạy học thí điểm tài liệu TV1 - CNGD thì chương trình này có nhiều ưu điểm. Các tỉnh không chỉ dạy ở những trường vùng khó mà còn dạy cả ở những địa bàn thuận lợi. Kết quả rất khả quan.
Song, vấn đề đúng như GS. Đại nói, đó là chính sách. Người ta gọi là tài liệu chứ không phải SGK, thí điểm chứ không phải chính thức dạy theo chương trình CNGD. Bởi nếu gọi đúng tên gọi của nó thì vướng quy định “Một chương trình, một bộ SGK.”
Tham dự Hội nghị đánh giá nói trên có ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Viện trưởng Viện KHGD. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng bộ chương trình SGK mới, dự kiến triển khai vào năm 2015. Những thành tựu của CNGD chắc sẽ được Viện KHGD xem xét kế thừa và phát huy cho bộ chương trình và SGK sắp xây dựng, nhất là khi Trung tâm CNGD này đã dưới quyền quản lý của Viện.
Dẫu sao thì dư luận vẫn nhìn nhận sự trở lại của CNGD như là nỗ lực của một nhóm những người tâm huyết với giáo dục, đặc biệt là CNGD. Bên cạnh đó là sự nhiệt tình hưởng ứng của địa phương khi nhận ra những ưu thế của CNGD. Nếu quả thực CNGD có tiến bộ thì cần phải tổng kết và đánh giá trên quy mô lớn hơn, bài bản hơn và phải được áp dụng trong quá trình xây dựng chương trình và biên soạn SGK những năm tới. Còn như hiện nay, người ta có cảm tưởng CNGD như một ví dụ đưa ra để minh chứng cho sự tồn tại của chân lý khoa học không thể chết yểu một cách dễ dàng như đã xảy ra với nó vào đầu những năm 2000./.