Bội thực vì lồng ghép chương trình giáo dục

13:41, 28/09/2010

Một bất cập đang tồn tại hiện nay là sách giáo khoa được biên soạn xong mới phát sinh nhiều nội dung cần đưa vào, dẫn đến việc phải dạy lồng ghép không hiệu quả.

 

 So với chương trình cũ trước đây, chương trình mới từ cấp tiểu học đến THPT hiện nay, về cơ cấu số tiết, nội dung bài học ở từng môn có phần hợp lý và gọn gàng hơn. Nhưng số lượng các môn học, các hoạt động bắt buộc có xu hướng tăng lên: ngoại khóa, nhạc họa, giáo dục quốc phòng và an ninh, hướng nghiệp dạy nghề, hoạt động ngoài giờ...

 

Nếu như trước đây, mỗi khối bậc THCS và THPT chỉ học một buổi sáng hoặc chiều là đủ, hiện nay, ngoài học một buổi, mỗi tuần các em phải học thêm từ 1 đến 2 buổi nữa. Ngoài áp lực quá tải về chương trình, học sinh còn chịu thêm những sức ép, đòi hỏi khác của nhà trường, của thầy cô giáo chủ nhiệm, bộ môn. Như vậy, học sinh đang phải chịu đến mấy tầng dồn ép, nhồi nhét kiến thức.

 

Là một thầy giáo giảng dạy trực tiếp ở trường phổ thông, tôi có cảm nhận, nhiều vị quản lý và nghiên cứu giáo dục cho rằng chương trình phổ thông giống như cái thùng không đáy, hễ cái gì thiếu, dư luận lên tiếng, xã hội giải quyết không xong, là bắt học trò phổ thông phải học. Do đó, nhiều môn học từ cấp tiểu học đến bậc THPT hiện hành đang loạn về nội dung, vấn đề dạy lồng ghép, tích hợp. Trên ấn xuống, bắt buộc nhà trường, thầy cô giáo phải thực hiện. Muốn triển khai được, mỗi giáo viên phải đầu tư, bổ sung, tìm tòi. Sự thật là, thầy cô giáo đã quá ngao ngán, bất lực với những "món" lồng ghép. Còn học trò thì mệt mỏi, uể oải vì quá tải.

 

Chương trình sách giáo khoa không thể chuyển tải hết được những mong muốn của người lớn, của xã hội. Nhiều giáo viên thừa nhận: "Các vấn đề, nội dung dạy lồng ghép, dạy tích hợp ở hầu hết các bộ môn thường chưa đạt yêu cầu, còn mang nặng tính hình thức. Bởi lẽ, bản thân nội dung, kiến thức đó trong sách giáo khoa, sách giáo viên, thầy cô giáo chưa chuyển tải hết được (do quá dài). Mỗi lần tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề, giáo viên luôn được yêu cầu phải dạy lồng ghép nhưng thầy cô giáo không dạy cũng chẳng sao, do không có qui định ràng buộc nào, trừ khi có người dự giờ, có thái độ đánh giá nghiêm túc".

 

Do chưa có sự chuẩn bị tốt về con người lẫn kinh phí, trang thiết bị, nên một số môn học, hoạt động như hướng nghiệp nghề, hoạt động ngoài giờ lên lớp, chương trình lồng ghép... đã được đưa vào giảng dạy 6 năm nay đang ở trong tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”. Chỉ thị năm học mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo lại mới có yêu cầu đưa thêm hai nội dung: Tiết kiệm năng lượng và giá trị, kỹ năng sống vào chương trình lồng ghép ở một số môn học. Sắp tới, nội dung phòng chống tham nhũng sẽ được đưa tiếp vào chương trình. Không biết, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có sự chuẩn bị đến đâu cho những nội dung, chương trình mới mẻ ấy?

 

Tại Hội thảo rà soát sách giáo khoa tiểu học dưới góc độ giới do Viện Khoa học giáo dục (Bộ Giáo dục - Đào tạo) tổ chức cuối năm 2009, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, cho biết: "Một bất cập đang tồn tại hiện nay là sách giáo khoa được biên soạn xong thì phát sinh nhiều nội dung cần đưa vào trường học, dẫn đến việc phải dạy lồng ghép một cách không hiệu quả".   

 

Không cần thiết, năm nào cũng phải có những cái mới đưa vào chương trình, trong khi những cái đã có, lại làm thiếu hiệu quả, không khả thi, gây lãng phí. Thiết nghĩ, nội dung nào thật sự cần thiết đối với giáo dục con trẻ thì nên cân nhắc, lựa chọn đưa vào và thực hiện cho có hiệu quả. Còn không cần kiên quyết xóa bỏ để học sinh và giáo viên đỡ khổ./.