Cô bé và bức thư số một thế giới

16:39, 13/09/2010

Lần đầu tiên sau 21 lần Việt Nam tham gia, bức thư của một nữ sinh lớp 7 ở Đà Nẵng đã vượt qua hàng triệu lá thư của trẻ em hàng trăm nước, giành giải nhất cuộc thi viết thư UPU (Liên minh Bưu chính thế giới) lần thứ 39.  

  

Thư gửi đạo diễn danh tiếng

Ngay khi nhận được chủ đề của cuộc thi là căn bệnh thế kỷ AIDS, Hồ Thị Hiếu Hiền liền nghĩ ngay đến người đạo diễn tài ba của Trung Quốc là Trương Nghệ Mưu. "Rất nhiều người mà trong đó đa số là giới trẻ khi xem phim (như phim của Hàn Quốc, Trung Quốc…) thường hay làm theo diễn viên trong phim. Từ đó có thể thấy tác dụng của phim ảnh rất lớn. Vì vậy, em muốn viết bức thư gửi bác Trương Nghệ Mưu và mong muốn bác sẽ làm một bộ phim về căn bệnh thế kỷ AIDS" - Hiền chia sẻ ý tưởng của mình. Sở dĩ Hiền chọn đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng bởi cô bé là người rất thích xem những bộ phim mà ông làm như Thập diện mai phục, Hoàng kim giáp…

 

Để viết thư, Hiền làm những cuộc điều tra nhỏ đối với cha, mẹ, bà, em, bác công nhân… để xem hiểu biết của họ đối với căn bệnh thế kỷ. Đồng thời, Hiền tham khảo thêm trên thư viện về các tư liệu liên quan đến AIDS. Từ đó, Hiền viết thư và mong muốn đạo diễn Trương Nghệ Mưu hãy giúp cô bé cũng như những người bị AIDS có được một bộ phim xóa bỏ hết những đau thương, bạc bẽo mà lại truyền đạt được những kiến thức về AIDS. "Và đặc biệt là xã hội sẽ xóa bỏ khoảng cách với người có AIDS, không có phân biệt đối xử, mà chung sống hạnh phúc với nhau" - Hiền hy vọng.

 

Bài văn điểm 10 tặng mẹ

 

Đó là bài văn mà Hiền đã đạt điểm 10 dành tặng mẹ và chỉ có cô bé mới hiểu hết những vất vả của mẹ. Chúng tôi xin trích đăng:

 

"Mẹ sẽ là nhành hoa

Cho con cài lên ngực"

 

… Đã hơn mười năm trôi qua kể từ khi con mới u ơ cất tiếng chào đời, con luôn được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. Rồi con dần lớn khôn lên và mẹ cũng ngày càng già đi. Con rất thích ngắm bức hình của mẹ trong bộ đồng phục nữ sinh ngày ấy: một cô gái có thân hình cân đối, đôi mắt nâu to tròn, cái mũi dọc dừa và mái tóc đổ dài như suối. Thế mà giờ đây, mới chưa đầy bốn mươi tuổi, khuôn mặt trái xoan của mẹ đã xuất hiện những nếp nhăn... Con căm hận ông lão Thời gian đã đánh cắp đi vẻ thanh xuân và in hằn dấu ấn thời gian lên vóc dáng hao gầy của mẹ. Con hiểu, những nếp nhăn trên trán mẹ là dấu vết của bao tháng ngày tần tảo, phải thức khuya, dậy sớm để lo miếng cơm manh áo cho con. 

 

Bố con đi bộ đội ở tận biên giới xa xôi, rất ít khi có mặt ở nhà nên mọi việc trong gia đình đều đổ dồn lên đôi vai gầy gầy của mẹ. Có những đêm mẹ thức rất khuya. Con hiểu, mẹ thao thức vì có học trò chưa giỏi, chưa ngoan, vì lo cho con ăn học, vì mái nhà mình dột nát và còn vì bố con đi biền biệt ít về… Đêm đêm nhìn bóng mẹ in trên vách, con lại cứ ngỡ như bóng dáng nàng Vọng Phu trong huyền thoại ngàn đời. Chao ơi, con muốn lớn thật nhanh để làm được việc gì đó đỡ đần cho mẹ…

 

Nghĩ về mẹ, con xúc động nhất là lòng nhân ái bao la mà mẹ dành cho con. Con chưa ốm, mẹ đã lo đến mất ăn mất ngủ. Con ăn no rồi, mẹ bắt phải ăn thêm. Con đi học về trễ một lát mà mẹ đã cuống quýt cả lên. Và khi con đạt giải nhất cấp quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39 thì mẹ vui không thể nào tả xiết. Niềm vui cứ lấp lánh trên khóe mắt, rạng ngời trên khuôn mặt khi mẹ trông thấy hình con gái mẹ trên các trang web. Suốt mấy đêm ròng, nằm ôm con mà mẹ không sao ngủ được…

 

Có lẽ, đối với mọi người, mẹ của con chỉ là một người bình thường nhưng với con, mẹ bao giờ cũng là người đẹp nhất, một vẻ đẹp của sự lam lũ, trong sáng đến tinh khiết như một bông hoa cúc trắng kín đáo tỏa mùi hương dìu dịu - loài hoa mà mẹ yêu thích nhất”.

 

Ngôi trường của những giải thưởng UPU

 

Tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU, Trường THCS Tây Sơn có đến 5 giải thưởng. Riêng lớp của Hiền là lớp chọn được dạy song ngữ là tiếng Nhật và tiếng Anh, vì thế học sinh của lớp đều có học lực khá, giỏi. Cô Hồ Thị Bích Trâm - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn cho biết trường được ngành giáo dục Đà Nẵng chọn làm địa điểm tập huấn cho các trường THCS về cuộc thi viết thư quốc tế UPU nên học sinh, giáo viên có điều kiện tiếp cận tốt hơn. Trong khi đó, theo Sở Giáo dục - Đào tạo TP Đà Nẵng, Trường THCS Tây Sơn là một trong hai trường trung học được chọn thí điểm để dạy môn tiếng Nhật, vì thế tiêu chuẩn đầu vào của trường khá cao. Nhiều năm liền Trường THCS Tây Sơn được chọn là trường văn hóa tiêu biểu của thành phố.