Ở ngôi Trường mang tên Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

08:01, 20/09/2010

  Nổi bật giữa màu xanh ngút của núi rừng xóm Lân Tây, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) là ngôi trường THPT mang tên Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vừa được tỉnh đầu tư xây dựng bề thế theo hướng chuẩn hoá.

 

Đến trường vào những ngày này, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các em học sinh đang náo nức tới lớp. Đi bộ từ cổng trường vào khu lớp học tôi làm quen với em Vi Thị Lệ Thuỷ, dân tộc Nùng, lớp 10A1. Được biết nhà em ở xóm Làng Mới, xã Tân Long. Vừa đi Thuỷ vừa hồn nhiên nói: "Em rất vui vì được học trong một ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp và gần nhà. Nếu năm nay mà chưa có ngôi trường này, phải về tận trung tâm huyện học cấp III có lẽ em không có điều kiện theo, vì phải trọ học, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, nhà em thuộc diện hộ nghèo. Nhà có 5 anh chị em thì 3 chị gái em đều chỉ được học hết lớp 9 rồi ở nhà lấy chồng". Những lời nói mộc mạc của Thuỷ cũng là tâm tư nguyện vọng của phần lớn phụ huynh, học sinh ở các xã thuộc khu vực này.

 

Thuỷ cũng là học sinh khoá đầu tiên mà Trường THPT Trần Quốc Tuấn tuyển sinh sau 3 năm thành lập. Trường THPT Trần Quốc Tuấn được UBND tỉnh quyết định thành lập từ cuối năm 2007. Ngoài giảm tải cho 2 trường THPT trên địa bàn là THPT Đồng Hỷ và Trại Cau thì mục tiêu lớn nhất là tạo điều kiện cho con em các xã phía Bắc của huyện có điều kiện học tập thuận lợi hơn, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực cho các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. 6 xã phía Bắc và một số địa bàn lân cận mà Trường được giao tuyển sinh hầu hết là những xã khó khăn, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người như: Quang Sơn, Tân Long, Văn Lăng, Hoà Bình, Hoá Trung, thị trấn Sông Cầu và một phần của các xã Khe Mo, Văn Hán, Minh Lập (Đồng Hỷ) và một số xóm của xã La Hiên (Võ Nhai). Tỷ lệ học sinh học hết THPT của các xã này là tương đối thấp. Ngoài nguyên nhân là điều kiện kinh tế gia đình khó khăn thì khoảng cách tới trường THPT của các em đều trên 10km. Vì thế, tỷ lệ học sinh học hết THCS không học tiếp THPT của huyện Đồng Hỷ chủ yếu nằm ở một số xã này, nhất là 2 xã Văn Lăng, Tân Long.

 

Chủ trương thành lập một ngôi trường THPT nằm ở phía Bắc của huyện Đồng Hỷ là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân. Trò chuyện cùng chúng tôi thầy giáo Phạm Mạnh Thuỷ, Hiệu trưởng Nhà trường nhớ lại những ngày đầu gian khó: "Sau khi có quyết định thành lập, Trường được phân địa điểm xây dựng tại xóm Lân Tây. Lúc bấy giờ toàn bộ khu đất này là đồi núi rậm rạp, chỉ có một số ít hộ dân ở. Tháng 1-2008, tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng (thầy Thuỷ trước là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Hỷ). Đến tháng 4-2008, anh Nguyễn Tuấn Anh, Tổ trưởng Tổ toán của Trường THPT Đồng Hỷ được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Bộ máy Nhà trường lúc này chỉ có 2 cán bộ quản lý.

 

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà trường, tôi cùng Ban quản lý Dự án là Sở Giáo dục & Đào tạo tích cực đến các hộ có đất trong khu vực xây dựng để vận động họ nhận tiền đền bù, phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Nhận thức rõ việc đầu tư xây dựng một ngôi trường phổ thông ở khu vực này chính là nhằm nâng cao dân trí cho nhân dân các xã phía Bắc của huyện nên bà con cũng rất ủng hộ. Vì thế, trong một thời gian ngắn, mặt bằng gần 25 nghìn m2 đã được giải phóng xong. Sau khi san ủi, một ngôi nhà 3 tầng với 12 phòng học, đầy đủ phòng chờ giáo viên, khu vệ sinh khép kín được xây dựng. Tiếp đó là hệ thống nhà để xe, tường rào được đầu tư. Mới đây là khu nhà hiệu bộ 2 tầng đang gấp rút hoàn thành để kịp đưa vào phục vụ năm học mới này. Tổng mức đầu tư của giai đoạn I cho Nhà trường gần 26 tỷ đồng. Như vậy, vấn đề về cơ sở vật chất trường, lớp đã tạm ổn.

 

Về đội ngũ,  ngoài 2 đồng chí trong Ban Giám hiệu thì Sở Giáo dục & Đào tạo điều động 6 giáo viên cốt cán các bộ môn từ Trường THPT Đồng Hỷ về công tác. Đồng thời điều chuyển 4 giáo viên ở các trường khác (đều là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh) về. Mới đây, trong đợt 1 tuyển viên chức của ngành Giáo dục, Trường đã tuyển được thêm 3 giáo viên mới. Như vậy đến thời điểm này, Trường có 16 cán bộ, giáo viên, trong đó có 3 thạc sĩ, 5 người đang đi học thạc sĩ… cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học của trường. Còn 4 biên chế là nhân viên y tế, thư viện, thủ quỹ, thiết bị thí nghiệm, Trường sẽ tuyển trong đợt tới. Cơ sở vật chất, đội ngũ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu dạy và học, song lo lắng lớn nhất với Nhà trường trong năm học đầu tiên lại là công tác tuyển sinh. Ban Giám hiệu cùng cán bộ, giáo viên Nhà trường xuống làm việc với các xã trong vùng tuyển sinh, rồi xuống tận xóm, bản để thông tin về Nhà trường để cho các gia đình nắm được cho con đi học. Và kết quả là năm học này có hơn 300 học sinh đăng ký thi vào Trường. Trường cũng đã tuyển sinh khoá đầu tiên được 6 lớp 10 với 262 học sinh.

 

Đi thăm một vòng quanh Trường, chúng tôi nhận thấy xen lẫn niềm vui khi ngôi trường mới đi vào hoạt động, song thầy Phạm Mạnh Thuỷ vẫn còn đôi chút băn khoăn đó là hiện nay là các trang thiết bị phục vụ cho quá trình dạy học và tổ chức các hoạt động của Trường và các phòng học bộ môn vẫn còn thiếu. Mặt khác phần lớn học sinh của Trường đều nằm ở các xã vùng sâu, vùng xa, khoảng cách từ nhà tới trường hơn 10km nên nhu cầu ở nội trú của các em là rất lớn, trong khi Nhà trường chưa có nhà nội trú. Trước mắt, Trường đã vận động 2 bác bảo vệ nhà ở gần Trường cho một số học sinh nhà ở tận Văn Lăng, Tân Long ở trọ học. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì thế, nếu như tiến độ xây dựng nhà nội trú của Trường trong giai đoạn II mà triển khai chậm thì nguy cơ học sinh các xã vùng sâu, xa bỏ học sẽ xảy ra, càng khó khăn cho công tác phổ cập giáo dục bậc trung học sau này. Những băn khoăn, trăn trở của thầy Thuỷ cũng là tâm tư nguyện vọng chính đáng của các bậc phụ huynh, học sinh. Mong rằng, Sở Giáo dục & Đào tạo tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ đầu tư giai đoạn II để Trường đáp ứng tốt mục tiêu đề ra là nâng cao dân trí cho con em các xã phía Bắc của huyện, góp phần vào mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học của tỉnh vào năm 2015.



các chủ đề speaking ielts thường gặp