Mặc dù Sở GD & ĐT Hà Nội đã có văn bản quy định về việc công khai, minh bạch các khoản thu đầu năm nhưng phụ huynh học sinh vẫn không khỏi phàn nàn về những “danh mục” tiền phải đóng cứ dài dằng dặc với đủ mọi khoản.
Tình trạng lạm thu ở các trường học không còn là chuyện mới, phụ huynh học sinh cũng đã quen dần với thực tế này dù trong lòng chất chứa nhiều câu hỏi.
Ông Phạm Mạnh Tuấn, có con học ở trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) tiết lộ, ngoài các khoản tiền như: xây dựng, học thêm, quỹ, mua hoa, quà tặng giáo viên vào dịp lễ, tết… còn có khoản đóng tiền mua máy tính cho giáo viên. Ông Tuấn bức xúc: “Học tiểu học mà đi đóng tiền mua máy tính cho cô giáo chắc gì họ sử dụng đến mà bản thân giáo viên sử dụng sử dụng máy tính để hướng dẫn gì cho các cháu mới vào lớp 1. Đây là Thủ đô chứ nông thôn thì khéo các cháu bỏ học mất”.
Chị Đinh Thị Minh Nga (ở Hoài Đức, Hà Nội) là giáo viên có con học tại Trường THPT Hoài Đức A cho biết, chị vừa đóng cho con đủ các loại quỹ như: Hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, quỹ đội… Mấy khoản quỹ đó đã lên đến gần 1 triệu đồng đấy là chưa tính tiền đồng phục. Năm ngoái nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng tiền ủng hộ làm lại sân trường. Năm nay, sân vẫn chưa làm xong, lại kêu gọi ủng hộ tiếp.
Với vai trò là giáo viên của Trường Mầm non Hoài Đức, chị Đinh Thị Minh Nga chia sẻ, các khoản đóng thêm mà nhiều người cho là vô lý thực ra là để phục vụ nhu cầu, nguyện vọng của giáo viên khi nguồn kinh phí của Nhà nước cấp cho trường còn hạn hẹp
Theo GS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, thì ngày nay, với chủ trương xã hội hóa giáo dục, phụ huynh cũng nên đóng góp để phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy ở nhà trường. Tuy nhiên, đó phải là những khoản thu hợp lý, chứ không được “lạm thu”.
Trong câu chuyện này có 2 vấn đề: Thứ nhất là một số nhà trường lợi dụng tinh thần “tự nguyện đóng góp” từ phía phụ huynh để đề ra các khoản thu vô lý, không thiết thực. Thứ hai là hầu hết phụ huynh học sinh không “dám” lên tiếng phản đối những khoản thu “tự nguyện” này trước nhà trường. Tâm lý của bậc làm cha làm mẹ là sợ nếu phản đối thì biết đâu con em mình sẽ gặp phải rắc rối trong học tập. Chuyện “cắn răng” đóng những khoản tiền vô lý hết năm này sang năm khác sẽ gây hậu quả là phụ huynh hiểu không tốt về nhà trường.
Trước thềm năm học mới, Sở GD & ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD & ĐT quận, huyện và các trường thực hiện nghiêm túc việc thông báo công khai tất cả các khoản thu bằng văn bản tới từng phụ huynh học sinh, trong đó nêu rõ những khoản thu theo quy định, thoả thuận, tự nguyện.
Những khoản thu sai quy định phải trả lại học sinh. Nói như vậy, nhưng việc kiểm tra, giám sát tình trạng thu tiền tùy tiện ở các trường học lại thực hiện chưa đến nơi đến chốn nên tính công khai thì đã có, nhưng sự minh bạch của các khoản thu vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, nhà trường cứ đặt ra nhiều khoản thu, phụ huynh cứ ngậm ngùi chấp nhận nộp tiền. Tình trạng này tiếp diễn từ năm học này đến năm học khác và không chỉ xảy ra ở một vài địa phương./.