Dạy thêm là tham nhũng “nhỏ” nhưng hậu quả lớn

08:25, 14/10/2010

Tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm học thêm và các khoản phí ngoài quy định – 3 vấn đề lớn nhất về tham nhũng trong giáo dục đã được đề cập thẳng thắn trong hội thảo “Chính sách và thực hành chống tham nhũng trong ngành giáo dục Việt Nam” do tổ chức quốc tế Trung tâm tài nguyên phòng chống tham nhũng và UNICEF tổ chức.

 

Quá nặng bệnh thành tích

 

Theo kết quả khảo sát của Công ty tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức (T&C Consulting) thực hiện dưới sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ tháng 5/2010, có khoảng 20% số học sinh học trái tuyến với nhiều lý do: Chất lượng đào tạo, tuyển thẳng, gần nhà, trường điểm, chi phí phù hợp. 60% phụ huynh cho biết phải nhờ các nguồn trợ giúp khi xin cho con học trái tuyến; 33% giáo viên thừa nhận từng giúp đỡ cho con em người quen vào học trái tuyến.

Khi vào trường, dù là đúng tuyến hay trái tuyến, phụ huynh thường phải chi nhiều khoản khác nhau như: Đóng góp xây dựng trường, mua thiết bị lớp học, các CLB năng khiếu, xin vào lớp chọn, quỹ trường, quỹ lớp, đồng phục..., các khoản phí ngoài quy định được hợp pháp hóa, chủ yếu thông qua "tự nguyện" hoặc quỹ phụ huynh. Có tới 70% số phụ huynh cho rằng bỏ thêm chi phí cho con vào trường tốt là chuyện bình thường - và người quen của họ đều làm như vậy.

 

Về học thêm, 44% do nhà trường tổ chức; 49% do thầy cô dạy thêm riêng… Thu nhập từ dạy thêm đối với giáo viên trung bình 1,9 triệu/tháng. Có đến 85% phụ huynh thừa nhận việc dạy thêm là bình thường.

 

Thanh tra Chính phủ cho rằng, sở dĩ có hiện tượng trên do phụ huynh còn quá nặng về bệnh thành tích, quá chú trọng đến các chỉ số bề nổi của học tập, tin vào trường điểm và việc học thêm sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn… Bên cạnh đó, giáo viên cũng góp một phần không nhỏ vào căn bệnh này vì nhiều lý do như thu nhập thấp, sự chấp nhận của xã hội…

 

Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, các dạng tham nhũng được nghiên cứu trên về cơ bản - là tham nhũng "nhỏ" nhưng có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn - gần như tới mọi gia đình và để lại hậu quả xã hội khá nặng nề.

 

Tăng cường kiểm tra để chống tham nhũng

 

Ông Phạm Văn Tại, Phó chánh thanh tra Bộ GDĐT cho biết, ngoài các giải pháp như tuyên truyền, rà soát văn bản, triển khai các cuộc vận động lớn trong ngành giáo dục, cần phải tăng khung hình phạt tiền để đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Hiện nay, ngành giáo dục đang triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị nhà trường. Đồng thời thực hiện 4 kiểm tra: Kiểm tra mức chi cho giáo dục từ ngân sách địa phương; kiểm tra việc thu và sử dụng học phí; kiểm tra sử dụng ngân sách cho giáo dục; kiểm tra việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp và xây nhà công vụ.

 

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để tập trung khắc phục những biểu hiện tham nhũng đang xảy ra trong dạy thêm, học thêm; tuyển sinh đầu cấp, trái tuyến, lạm thu…