Niềm vui trong lớp học mới

15:29, 17/10/2010

Có lẽ, chưa bao giờ xóm Hòa Lâm, xã Tân Thành (Phú Bình) lại đông vui, nhộn nhịp như ngày 16-10, ngày khánh thành Cụm trường mầm non Hòa Lâm - Suối Lửa - Hà Châu. Ngay từ sớm, nhiều người dân của cả 3 xóm đã có mặt tại khu trung tâm xóm Hòa Lâm để được tham gia buổi lễ. Vui hơn cả là các bậc phụ huynh và các cháu thiếu nhi. Càng vui hơn khi bà con nơi đây được tiếp đón đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh về dự.

 

Cô giáo Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Thành Ngô Thị Hòa không giấu được niềm xúc động khi cho biết: 17 năm qua, kể từ ngày thành lập cụm trường mầm non Hòa Lâm - Suối Lửa - Hà Châu, Nhà trường và người dân nơi đây luôn mong mỏi có được 1 lớp học theo đúng nghĩa của nó. 13 năm đầu, cô và trò phải đi học nhờ tại nhà văn hóa xóm. Khi nhà văn hóa không đảm bảo cho việc dạy và học, cô và trò phải dắt tay nhau đến học nhờ nhà dân. Giờ thì, với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và Công ty CP Đầu tư châu á - Thái Bình Dương (APEC), đơn vị làm chủ đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Điềm Thụy, cô và trò phân trường nơi đây đã có được lớp học khang trang, sạch đẹp rộng 54m2, cùng khu nhà bếp rộng 24m2 và một số công trình phụ trợ khác... Bố mẹ các cháu giờ sẽ thấy yên tâm hơn khi con cháu mình được học tập trong một môi trường an toàn, đủ điều kiện.

 

Hòa Lâm, Suối Lửa và Hà Châu là những xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Thành, phần lớn là người dân tộc Nùng. Các điều kiện về điện - đường - trường - trạm đều trong tình trạng thiếu thốn. Đường vào các xóm vẫn là những con đường đất, ghập ghềnh, lầy lội. Riêng xóm Hòa Lâm hiện vẫn còn gần 40 hộ dân chưa được dùng điện lưới Quốc gia và trên 30 hộ khác tuy có điện nhưng trong tình trạng “có cũng như không”... bởi thế, đời sống của người dân không chỉ gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, mà còn hạn chế rất nhiều trong việc giao lưu mọi mặt với xã hội bên ngoài. Vất vả nhất phải kể đến các cháu học sinh. Do gia đình không có điều kiện đưa, đón nên hầu hết các cháu dù mới lên 7, lên 8 tuổi đã phải tự mình đạp xe 4-6 km để đến trường.

 

Chị Hoàng Thị Sen, xóm Hòa Lâm bày tỏ niềm vui khi đứng ngắm nhìn lớp học mà tới đây, cậu con trai của chị sẽ được vào học. Trước đây, vì không có lớp học nên con gái của chị và các trẻ em khác phải học nhờ trong nhà văn hóa xóm đã xuống cấp trầm trọng. Nhà bếp không có, Nhà trường cũng không có cán bộ, giáo viên làm công tác hậu cần nên phụ huynh phải thay nhau đi chợ, nấu cơm tại nhà mình rồi gánh đến cho các cháu. Có lần, do đường đất ghập ghềnh, đồ đạc lại lỉnh kỉnh, phụ huynh gánh cơm ra lớp bị ngã, khiến cả nồi cơm bị đổ, phải nấu lại. Việc đi vệ sinh của các cháu cũng rất vất vả. Giờ có lớp học khang trang, lại có sân chơi, khu vực nhà bếp và khu vệ sinh sạch sẽ, chúng tôi phấn khởi lắm. Tuy nhiên, chị Sen cũng vẫn có những lo lắng, chị bảo: Cậu con trai của chị chẳng mấy nữa là được 2 tuổi. Nhưng Cụm trường mầm non Hòa Lâm chỉ nhận trông các cháu từ 3-4 tuổi. Chị mong muốn Cụm trường Hòa Lâm sẽ được tăng cường thêm giáo viên để có thể chăm sóc, dạy dỗ cho các cháu từ 2-5 tuổi.

 

Cũng trong ngày khánh thành công trình Cụm trường mầm non này, anh Nguyễn Duy Khanh, Tổng Giám đốc Công ty APEC - đơn vị xây tặng công trình cho các xóm bày tỏ suy nghĩ: Công ty đã  dành 200 triệu đồng để xây tặng lớp học cho bà con nơi đây thể hiện tình cảm, là trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Công ty. Công trình càng có ý nghĩa hơn khi được hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng vào dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Với mục tiêu không chỉ có kinh doanh tốt, Công ty mong muốn được tiếp tục được chung tay cùng cộng đồng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào còn gặp nhiều khó khăn.

 

Chưa phải đã hết những thôn, xóm còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH, đặc biệt là với những địa phương vùng sâu, vùng xa. Niềm vui của người dân Hòa Lâm - Suối Lửa - Hà Châu hôm nay còn là niềm mong mỏi của không ít người dân các địa phương khác. Và ngay trên chính mảnh đất Tân Thành, hiện vẫn còn có 3 lớp học mẫu giáo phải đi học nhờ tại nhà văn hóa xóm. Bởi thế, chúng ta cần lắm những tấm lòng sẻ chia khó khăn của các đơn vị, tổ chức, cá nhân…