Tiếp tục khơi dậy và phát triển mạnh mẽ phong trào khuyến học

08:32, 01/10/2010

Khuyến học là nét văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc ta. Truyền thống khuyến học đã như một dòng chảy liên tục từ đời này qua đời khác, góp phần giữ vững sự trường tồn và phát triển của đất nước.

 

Ngày nay và cho đến mãi về sau, sự nghiệp cách mạng luôn gắn với sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Quan điểm này là hệ quả tất yếu của tư tưởng giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

 

Thực hiện đường lối giáo dục nhân dân của Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị quan trọng về khơi dậy truyền thống hiếu học của dân tộc, vận động mọi người dân tham gia học tập, tạo ra phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học tập với động cơ trong sáng. Qua đó góp phần xây dựng cả nước thành một xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Để tiếp tục khơi dậy và phát triển mạnh mẽ truyền thống khuyến học, hiếu học của dân tộc, tạo sự chuyển biến sâu rộng hơn nữa trong toàn Đảng, toàn dân về nhận thức và quyết tâm tổ chức thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập, ngày 16-9-2008 Thủ tướng Chính phủ đã ra Ưuyết định số 1271/QĐ-TTg về việc chọn ngày 2-10 hàng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam” để động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thê, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài. Ngày 2-10 đã trở thành mốc thời gian quan trọng hàng năm để động viên, tôn vinh các giá trị văn hoá trong xã hội học tập của dân tộc ta.

 

Ngày 2-10 năm nay, Thái Nguyên tổ chức kỷ niệm lần thứ ba “Ngày Khuyến học Việt Nam” trong niềm tin vào sư phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của phong trào khuyến học. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3.733 chi hội khuyến học ở các xóm, bản, tổ dân cư đến các chi hội khuyến học trong dòng họ, trong hội cựu chiến binh, hội đồng hương, hội quy phật, trong xứ đạo, trong các cơ quan, đơn vị vũ trang, trường học, doanh nghiệp... Tổ chức hội không chỉ phát triển ở các vùng đồng bằng, đô thị mà cả ở các xóm, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc... phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học trên toàn tỉnh có sự khởi sắc rõ rệt, đang ngày càng  nhân rộng và được lồng ghép với phong trào xây dựng gia đình văn hoá, tổ dân cư văn hoá do Mặt trận Tổ quốc phát động. Phong trào đã vận động được 56.743 gia đình đăng ký phấn đấu trở thành gia đình hiếu học, 596 dòng họ phấn đấu trở thành dòng họ khuyến học.

 

Phong trào xây dựng Quỹ Khuyến học được đẩy mạnh theo hướng xã hội hoá, đa dạng hoá. Năm 2009, chỉ tính riêng các tổ chức Hội trong toàn tỉnh đã vận động xây dựng Quỹ Khuyến học tăng gấp 7 lần so với năm 2003 và được sử dụng công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Hệ thống cán bộ khuyến học các cấp đều là những người rất tâm huyết, nhiệt tình chăm lo cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài ở địa phương mình.

 

Để đưa phong trào khuyến học của tỉnh có bước tiến mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa, trong bài phát biểu tại Hội nghị thi đua khuyến học tỉnh Thái Nguyên lần thứ nhất ngày 19/9/2009, đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh 5 nội dung cần thực hiện: Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác khuyến học nói riêng trong tình hình mới. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác của Hội khuyến học, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động đạt hiệu quả thiết thực. Hai là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW; Chỉ thị số11-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 29-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; làm tốt vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ba là, các cấp Hội khuyến học tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học... Gắn các phong trào thi đua khuyến học với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn như: “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Bốn là, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, phát triển nhiều loại hình học tập đa dạng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân từng địa phương, đơn vị. Năm là, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa, kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ để phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh ngày càng “nở hoa kết trái.”…

 

Chúng ta chào đón “Ngày Khuyến học Việt Nam 2-10-2010” trong niềm vui phấn khởi trước sự khởi sắc của phong trào khuyến học và trong niềm tin việc xây dựng xã hội học tập ở tỉnh ta đang trở thành sự nghiệp của toàn Đảng toàn dân.