Đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng

10:39, 16/11/2010

“…Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ, thường xuyên thì việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới đạt hiệu quả cao vì người lao động học nghề xong rất dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định…”. Đây là kiến của đồng chí  Nguyễn Đại Minh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên khi trao đổi với chúng tôi về công tác chuyên môn của đơn vị.

 

Chúng tôi có mặt tại Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên đúng thời điểm 2 doanh nghiệp đến phối hợp với nhà trường phỏng vấn, thử tay nghề học sinh năm cuối để tuyển lao động. Chị Phùng Thị Mười, cán bộ Công ty may xuất khẩu VIT – GARMENT (Hà Nội) cho biết: “Mấy năm gần đây, chúng tôi liên kết với Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên tổ chức ký kết đào tạo một số nghề mà đơn vị đang cần nên đã tuyển dụng được hàng trăm công nhân may có tay nghề. Đợt này, chúng tôi đã tuyển dụng được gần 20 học viên vừa tốt nghiệp lớp may công nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp…”. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn huyện Phổ Yên như: Hợp tác xã May công nghiệp Tân Bình Minh, Công ty Cơ khí Phổ Yên và một số doanh nghiệp khác đã đề nghị Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên đào tạo công nhân có tay nghề. Đối với học sinh trước khi vào học tại Trường còn được cán bộ tuyển sinh của đơn vị tư vấn miễn phí về tính ưu việt của từng nghề, nhu cầu của thị trường… để từ đó các em lựa chọn nghề học phù hợp.

 

Em Lê Thị Trang, xã Vạn Phái (Phổ Yên) cho biết: “Được các thầy tư vấn nên em đã chuyển từ ngành học công nghệ thông tin sang lớp may công nghiệp nên vừa học xong em đã tìm được việc làm với mức lương khởi điểm từ 1,7-1,8 triệu đồng/tháng”. Tiền thân Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên là Trung tâm đào tạo nghề của huyện Phổ Yên nên giờ đơn vị này vẫn được huyện Phổ Yên giao đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách như: Học viên thuộc diện hộ nghèo; con em các gia đình bị thu hồi đất.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên khẳng định: “Sau vài năm huyện giao cho Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức đào nghề cho các đối tượng chính sách, nhất là con em của các hộ bị thu hồi đất, Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên đã làm rất tốt, góp phần cũng huyện giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thu hồi đất để phát triển công nghiệp”.

 

Với trên 10 nghề đào tạo ngắn hạn, đơn vị này đã phân chia thành các nhóm đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, của người dân các địa phương và của các tổ chức kinh tế trên địa bàn. Do đó, tỷ lệ học sinh bỏ việc do không đáp ứng được yêu cầu hoặc vì không yêu nghề rất ít và có đến 90% học sinh sau khi ra trường đã tìm được việc làm. Đặc biệt 2 năm trở lại đây, Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên còn tuyển dụng đào nghề mây tre đan xuất khẩu, nghề mộc dân dụng, nghề quản lý điện nông thôn, sửa chữa điện lạnh, điện tử để tạo nguồn lao động có chất lượng phục vụ phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu tại xã Tiên Phòng, nghề mộc ở Cẩm Trà, xã Trung Thành và các HTX dịch vụ điện trên địa bàn. Học các nghề gắn với nhu cầu của thị trường nên ngoài việc các học sinh của Trường sau khi tốt nghiệp xin việc tại các doanh nghiệp thì một số em đã vay vốn, phối hợp với các thành viên trong gia đình tự mở cơ sở sản xuất tại gia đình.

 

Có kinh nghiệm trong vấn đề đào nghề nên Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh chính thức chọn là đơn vị điểm của tỉnh để triển khai Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.