Dục Thanh - Ngôi trường Bác đã dạy

16:59, 21/11/2010

Vào đúng dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 28 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong chuyến công tác chúng tôi may mắn được đến thăm Trường Dục Thanh, T.P Phan Thiết (Bình Thuận) - nơi cách đây 100 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học khi tìm đường cứu nước. Ngôi trường nhỏ nằm ngay sát con sông Cà Ty hiền hòa, thơ mộng.

 

Dục Thanh Học hiệu được thành lập với ý nghĩa của một ngôi trường giáo dục thanh, thiếu niên. Trường Dục Thanh được 6 thành viên là những sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết là: Hồ Bá Tang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất và Ngô Văn Nhượng sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng ở Trung Kỳ. Cấu trúc của Trường gồm 2 nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, 1 ngôi nhà lầu nhỏ (Ngọa Du Sào) - là nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ và nhà Ngư làm nơi ở chung của thầy và trò xa nhà. Dục Thanh Học hiệu mở ra nhằm dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ. Trường do ông Nguyễn Quý Anh làm Giám hiệu.

 

Lúc đầu có 2 giảng viên chính là Nguyễn Hiệt Chi và Trần Đình Phiên. Trường có 4 lớp học, số học sinh cao nhất vào khoảng 100 người, chủ yếu từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Hội An và nhiều nơi khác ở Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ do nhiều bà con các thân sĩ gửi gắm trọ học. Chương trình dạy của Trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội biên khảo, chú giải gửi vào Phan Thiết. Bước vào tuổi 20, Nguyễn Tất Thành quyết định thôi học và ý thức tìm đường ra nước ngoài học hỏi để giúp dân, cứu nước. Trên đường vào Nam, năm 1909, chàng trai trẻ đã tìm đến ông nghè Trương Gia Mô - bạn đồng liêu cũ của cha mình vừa mới được ra khỏi nhà tù thực dân Pháp. Cụ Trương Gia Mô đã giới thiệu Nguyễn Tất Thành với Nguyễn Quý Anh, con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông lúc đó đang làm Hiệu trưởng Trường Dục Thanh để dạy học. Con đường cách mạng trong buổi bình minh của cuộc đời đi trên con đường tìm đường cứu nước đã đưa Người đến với ngôi trường nhỏ này để giờ đây Dục Thanh trở thành một di tích lịch sử mà có lẽ không người Việt Nam nào không biết tới.

 

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dạy học ở đây đến tháng 2-1911 rồi rời Dục Thanh vào Sài Gòn với giấy thông hành mang tên Văn Ba do Trần Lệ Chất và Hồ Bá Tang lo giúp. Ngồi trong phòng học - nơi Người đã từng dạy học giờ được phục dựng lại nguyên vẹn như ngày nào chúng tôi như nghe được giọng nói trầm ấm của Bác khi dạy Quốc văn, Hán văn và sôi nổi khi dạy kiêm nhiệm thêm môn Thể dục. Nhiều học trò cũ sau này trở lại đây vẫn còn lưu bút nhớ lại người thầy giáo trẻ tuổi, giọng nói xứ Nghệ trầm ấm khi dạy Quốc văn, rồi thường đưa học sinh đi tham quan di tích thắng cảnh của vùng biển Bình Thuận để nhắc nhở học trò về sự giàu đẹp của xứ sở, quê hương. Khi dạy tiếng Pháp, Người thường đặt những câu thơ theo thể lục bát, dễ nhớ và đầy ngụ ý kín đáo.

 

Thăm Trường Dục Thanh, chúng tôi cảm nhận nguyên vẹn những kỷ vật cách đây cả thế kỷ, trong đó có nhà Ngự - nơi các thầy giáo và học trò ăn ở nội trú; nhà Ngọa Sào, nơi Bác Hồ đã từng đọc nhiều sách quý, báo chí tiến bộ; cây khế sau vườn xanh tốt nơi chiều chiều Người thường múc từng gầu nước bên chiếc giếng nhỏ tưới tắm cho cây. Trải qua 103 năm, mái Trường Dục Thanh vẫn rêu phong và lặng lẽ như có Người đang giảng bài trong căn phòng nhỏ. Ngày nay, nơi đây đã được tỉnh Bình Thuận đầu tư trở thành một quần thể bao gồm nhà Bảo tàng, di tích Trường Dục Thanh, tạo thành một khu tham quan học tập rộng hơn 7 nghìn m2, lưu giữ gần 900 hiện vật, hình ảnh có giá trị. Đây là nơi để biết bao thế hệ người Việt đến thăm quan, học tập ở vị Cha già của dân tộc tinh thần bất khuất, quật cường, lòng nhân hậu và khát vọng tự do cho Tổ quốc.

 

Lật giở cuốn lưu bút tại Khu di tích Dục Thanh chúng tôi thấy ở đó chất chứa biết bao nghĩa tình của nhân dân cả nước với Người. Hàng vạn người dân đất Việt khi qua mảnh đất này đều đến thăm Ngôi trường và nhớ về hình ảnh người thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Thầy giáo Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Vĩnh Long khi về thăm nơi này đã xúc động viết: “Phong cảnh Dục Thanh ngày càng xinh tươi và đẹp mãi. Chứng tỏ Bác luôn ở trong lòng người dân Phan Thiết. Chúng con như đang nhìn thấy Bác dạy học ở đây. Các nhà giáo chúng con luôn khắc ghi ơn Người và hứa với Người sẽ mãi học tập theo tấm gương của Người”. Dù hiện nay đã làm cán bộ quản lý song chị Ngô Thị Mùi, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận vẫn trực tiếp thuyết minh cho các du khách mỗi khi đến thăm Khu di tích. Tâm sự cùng chúng tôi chị Mùi bùi ngùi xúc động: “Được giới thiệu với du khách những câu chuyện cảm động của Bác gắn với Khu di tích này, tôi càng tự hào vì mình đã góp phần nhỏ bé của mình trong việc giáo dục truyền thống hiếu học cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất này, tôi được chứng kiến biết bao kỷ niệm cảm động, không chỉ người dân Việt Nam, mà rất nhiều du khách nước ngoài khi về thăm Trường Dục Thanh đã xúc động, ngỡ ngàng khi biết vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam đã từng lưu trú ở vùng biển này với nghề dạy học”. Hơn 25 năm đi vào hoạt động, điểm di tích này đã đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan. Có thể nói, đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Bình Thuận, của mỗi người dân Việt Nam, mà đó còn như một cái nôi của giáo dục nước nhà.