Một ngày với lưu sinh viên “đất triệu voi”

10:40, 29/11/2010

Cả tháng nay, kí túc xá Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) như sôi động hơn bởi tiếng đàn, hát của lưu sinh viên (SV) “đất triêụ voi”. Thầy Cao Thanh Long, Phó Phòng Quản lý Khoa học - Quan hệ quốc tế của Trường cho biết: SV nước bạn đang tập văn nghệ để chào mừng cho ngày 2-12, Quốc khánh Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

 

Xa gia đình, xa quê hương, sống trong sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ, giảng viên và SV Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, các bạn SV Lào đã chuẩn bị chào đón ngày Quốc khánh của dân tộc mình bằng những tiết mục văn nghệ, qua đó thể hiện lòng yêu Tổ quốc. Đây cũng là dịp để các bạn SV Lào muốn giới thiệu với các thầy, cô giáo, các bạn SV cùng trường về những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình... Gặp tôi, Namsavẳn Khăm Phởi nắm lấy đôi tay, cười hồn nhiên, bảo: Xamakhi - có nghĩa là đoàn kết... SV chúng em đang bận rộn cho việc tập văn nghệ, vì có ít SV Lào, nên chúng em phân công nhau mỗi người một việc.

 

Cha mẹ Khăm Phởi ở Thủ đô Viêng Chăn. Khăm Phởi sang học chuyên ngành Kỹ thuật Xây dựng, Khoa Quản lý Môi trường. Ở Trường, Khăm Phởi cũng như các bạn của mình phải mất 1 năm học tiếng Việt rồi mới chuyển sang học chuyên ngành. Thấy Khăm Phởi có khách, một số SV Lào cũng đến phòng chia vui. Chuyện quê hương, đất nước, chuyện về nền văn hoá Phật giáo Lào cứ rôm rả, dài mãi. ChanThaVong Công Kham, SV Kỹ thuật máy tính, cùng ở Thủ đô Viêng Chăn với Khăm Phởi tự hào: Viêng Chăn, có nghĩa là Vạn Tượng. Duy nhất tại vùng Đông Nam Á, đất nước Lào chúng em là quốc gia không giáp với biển... Công Kham nói tiếng Việt khá thạo, chữ viết đẹp và luôn mang trên môi nụ cười hồn nhiên. Nhà Công Kham có 6 anh chị em, bố mẹ làm nông nghiệp, nhưng cả 6 anh chị em nhà Công Kham đều được bố mẹ cho học hành đến nơi, đến chốn. Mỗi tháng, Công Kham được bố mẹ gửi thêm cho 100 USD tiền ăn học. Các lưu SV Lào cũng vậy, ngoài tiền học bổng,  hằng tháng đều được bố mẹ gửi cho từ 100-200 USD/tháng.

 

Lưu SV Lào học tại Trường không phải nộp học phí, tiền ở kí túc xá và được Nhà trường cấp phát chăn màn. Nên với số tiền được bố mẹ gửi sang, các bạn SV Lào có cuộc sống sung túc hơn so với nhiều SV Việt Nam học cùng Trường. Nhưng không vì thế mà SV Lào sống buông thả. Các bạn đều rất chăm chỉ học hành để sớm hoàn thành chương trình học tập, trở về sum họp với gia đình, có cơ hội mang kiến thức học được về xây dựng quê hương. Kommađăm Síng Thông, nhà ở tỉnh Chămpasak tâm sự: Đất nước em còn nhiều khó khăn, nên thế hệ trẻ chúng em ra nước ngoài du học là để sau này làm cho đất nước được giàu mạnh hơn. Vì thế sang Việt Nam, em cũng như các bạn xác định nhiệm vụ chính của mình là học... Ngồi cạnh Síng Thông, vẫn cầm nguyên trên tay cuốn vở, Thammavon Boun Pheng (Xiêng Khoảng) bấm đốt tay, bảo: Đến năm học này em đã sang Việt Nam lưu học được 2 năm, hằng ngày ngoài giờ lên lớp, em tranh thủ học tiếng Việt do các bạn cùng lớp dạy. Nhiều bạn trong lớp cũng thích em dạy cho tiếng Lào. Em được nhiều SV ở Thái Nguyên đưa về thăm nhà, ăn cơm, nói chuyện với mọi người, vui lắm.... Boun Pheng theo học ngành Kỹ thuật - Môi trường, nhờ hay hát, múa dẻo nên được các lưu SV Lào tín nhiệm phụ trách đội văn nghệ. Boun Pheng cho biết: Từ ngày còn nhỏ em đã tham gia hoạt động văn nghệ, nên em biết được nhiều điệu múa, bài hát của đất nước Lào. Sang Việt Nam du học, em hướng dẫn các bạn mình cùng tham gia tập hát Pheng Xat Lao (Quốc ca Lào), múa Lam saravane (Lăm Vông) và các bài hát về tình hữu nghị Việt Lào...

 

Từ một góc trong của gian phòng kí túc xá, Sisolath Santi phap (Viêng Chăn), SV Kỹ thuật máy tính góp vui: Sang đây chúng em học tập được nhiều ở các bạn SV Việt Nam về cách sống, cách giao tiếp, ứng xử... được các bạn đưa đi thăm khu du lịch hồ Núi Cốc, thăm Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và một số điểm du lịch khác. Đến đâu chúng em cũng thấy thích thú... Khi chúng tôi hỏi: Sang Việt Nam học tập, các bạn có gặp khó khăn gì không? Pathammavong Anousay (Viêng Chăn) SV Kỹ thuật máy tính nói rất thật: Có đấy, chúng em gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ. Nhất là hằng ngày cùng học chung giảng đường với SV Việt Nam, nhiều buổi học phải nhờ các bạn giải thích thêm về từ ngữ, phải mượn vở chép lại bài...

 

Một cô gái Lào duy nhất chúng tôi được tiếp chuyện là Xipaxa Soutida (Viêng Chăn). Soutida cùng 4 người bạn đồng hương Lào vừa sang nhập Trường được nửa tháng nay. Soutida đang học tiếng Việt, nên cô chỉ ngồi nhìn mọi người trò chuyện, thỉnh thoảng lại góp vui với các bạn bằng một nụ cười duyên dáng. Soutida có nguyện vọng sau khoá học tiếng Việt sẽ theo học ngành Công nghệ thông tin. Để cuộc sống mới của Soutida cùng các bạn mới đến bớt khó khăn, các lưu SV Lào đến trước luôn hướng dẫn cho các bạn đến sau về cách giao tiếp, đi lại và học tập. Đơn giản là việc mua giấy, bút, mực và đồ ăn, thức uống hằng ngày.

 

... Kí túc xá lên đèn, các bạn SV Lào lại cùng nhau quây quần để cùng tập hát, múa. Boun pheng, SV phụ trách đội văn nghệ cho biết: Trong Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, sinh viên Lào có 2 tiết mục văn nghệ tham gia phục vụ... Và khi ấy, kề phòng bên có tiếng hát cất lên, giọng ca rạo rực, nồng ấm, lời hát rằng: “Piệp sông nuội ta/Sông khẻn kha khôn pu điều/Lào - Việt Nam phương pheng/Phuôn chặp pưn jưn jù khiêng kăn...”. Dịch là: Cùng chung trận tiền/Những tháng năm khó phai mờ/Lào - Việt Nam đoàn kết/Cùng chiến đấu chung một chiến hào... (bài “Sải chay Lào Việt” dịch là “Tấm lòng Lào - Việt”).

 

Lời bài hát như một sự hối thúc, lôi cuốn mọi người bật dậy cùng vào nhịp Lăm Vông. Tôi thầm nhủ: Đã từ ngàn đời nay, nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào luôn kề vai, sát cánh chiến đấu, lao động. Được biết, từ năm 1968, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã có học sinh Lào. Hiện nay, Trường có 30 SV và 1 học viên cao học Lào đang theo học nhiều chuyên ngành.