Nơi gửi gắm niềm tin

08:59, 29/11/2010

Những ngày này, đến Trường Giáo dục & Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi của tỉnh, chúng tôi bắt gặp không khí sôi nổi của cán bộ, giáo viên và các em học sinh đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập Trường (29/11/1995-29/11/2010). Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã khẳng định được vị trí, vai trò của một ngôi trường chuyên biệt ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc trong việc chăm sóc, giáo dục và hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi, góp phần cùng với ngành Giáo dục của tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Trung tâm Giáo dục trẻ em thiệt thòi tỉnh được ra đời vào ngày 18-7-1995, lúc đầu là một chi nhánh của Tổ chức Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi Việt Nam. Sau khi đi vào hoạt động được 5 tháng, nhận thấy trên địa bàn tỉnh rất cần những cơ sở giáo dục chuyên biệt để tiếp nhận học sinh khuyết tật, các cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, ngày 29-11-1995, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Trung tâm Giáo dục trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên. Do yêu cầu phát triển, mới đây, Trung tâm đã được đổi thành Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh theo đúng chức năng, nhiệm vụ hiện có. Sự ra đời của Nhà trường đã đáp ứng niềm mong mỏi, khát khao, ước vọng của những người làm cha, làm mẹ có con không may bị tật nguyền được học tập, rèn luyện như những đứa trẻ bình thường khác. Đó là nguyện vọng, mong ước của các em khuyết tật được hòa nhập cùng cộng đồng để sau này có thể tự lập, nuôi sống bản thân mình, giảm bớt những khó khăn cho gia đình và xã hội.

 

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã tiếp nhận hơn 1.000 trẻ em ở các huyện, thành, thị của tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng… bị khuyết tật ở nhiều dạng khác nhau như: khiếm thính (câm điếc), khiếm thị (mù, lòa, nhìn kém), thiểu năng chậm phát triển trí tuệ, bị tật vận động vào để chăm sóc, học văn hóa, học nghề. Khi mới thành lập, Nhà trường gặp không ít khó khăn, do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, phần lớn các gia đình có con em học ở trường điều kiện kinh tế khó khăn, không ít gia đình đã phó mặc con em cho Nhà trường. Bên cạnh đó, 100% cán bộ, giáo viên đều từ các trường phổ thông chuyển về nên kiến thức về chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật còn hạn chế… Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, theo NGUT Phạm Thị Liên, Hiệu trưởng Nhà trường: “Chi bộ đã triển khai xây dựng các nghị quyết để chỉ đạo Ban giám hiệu Nhà trường cụ thể hóa vào quá trình thực hiện. Chúng tôi luôn đề cao tinh thần gương mẫu, nêu gương sáng của người thầy trước học sinh về mọi mặt để học trò khắc phục bệnh tật, vươn lên trong học tập và rèn luyện. Thuận lợi lớn nhất của Nhà trường là luôn nhận được sự chỉ đạo, động viên kịp thời của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành Giáo dục & Đào tạo, các vụ, viện của Bộ GD & ĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân. Song điều quan trọng quyết định đến sự phát triển của Nhà trường chính là đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn đoàn kết, giàu lòng nhân ái, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh”.

 

Được biết, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, Nhà trường đã tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên, nhân viên đi học nâng cao trình độ về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo về ngành tật học. Hiện nay, trong số 53 cán bộ, giáo viên của Trường, có 1 đồng chí có trình độ thạc sĩ; 45 đồng chí có trình độ đại học (81%) và 7 đồng chí có trình độ cao đẳng (17%). Nhà trường đã triển khai hiệu quả các chuyên đề  giảng dạy cho học sinh khuyết tật cũng như đẩy mạnh công tác nghiên cứu các đề tài khoa học, sáng kiến, kinh nghiệm áp dụng vào đổi mới phương pháp giảng dạy cho các em một cách hiệu quả như: chuyên đề về dạy trẻ khiếm thính bằng phương pháp  tổng hợp; chuyên đề về cách sử dụng phát âm đối với trẻ điếc; chuyên đề về sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ điếc; chuyên đề về phương pháp dạy trẻ khuyết tật và chuyên đề hướng dẫn giảng dạy, phục hồi chức năng cho trẻ mù và làm đồ dùng dạy học.

 

Với khu vực hành chính, nuôi dưỡng, quản sinh thực hiện tốt nhiều chuyên đề như: nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh; phương pháp tự quản lý phòng nội trú… Trong đợt thi tự làm đồ dùng dạy học toàn quốc được tổ chức vào các năm 2004, 2005, 2008, Nhà trường đã được Viện Chiến lược và chương trình phát triển giáo dục Việt Nam đánh giá cao và được tặng nhiều cờ, bằng khen. Đến với mái trường này, nhờ những người thầy, người cô, các em học sinh khiếm thị được biết đến chữ nổi, có thể đọc sách, viết thư cho bè bạn bằng ngôn ngữ của chính mình; các em học sinh khiếm thính không thể nghe, không thể nói đã được dùng ngôn ngữ đặc biệt đó là ký hiệu (cách nói và ra ký hiệu bằng tay). Sau khi học văn hóa, các em từ 15 tuổi trở lên còn được học nghề như may đo, thêu ren, làm hoa… để khi ra trường các học được 1 nghề để có thể kiếm sống, giảm bớt những khó khăn cho gia đình và cộng đồng.

 

Bất cứ ai khi đặt chân đến thăm Trường đều ngỡ ngàng trước những nức tranh do chính các em thêu về những cánh đồng lúa chín vàng, những ngôi làng nằm yên bình khi bóng chiều xuống, những vườn hoa tràn ngập sắc hương… mà nhiều người bình thường khó có thể làm được. Ngoài học văn hóa, học nghề, các em còn được tham gia các hoạt động rèn luyện thể thao, văn hóa, văn nghệ, tạo khí thế vui tươi phấn khởi trong học tập. Cùng với việc giảng dạy cho học sinh khuyết tật tại cơ sở, trong những năm qua, Nhà trường đã tham mưu hiệu quả với Sở GD & ĐT trong việc dạy học hòa nhập cho các trẻ khuyết tật ở thể nhẹ hơn ở các cấp học, bậc học, cũng như tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy hòa nhập.

 

Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong 15 năm xây dựng và phát triển, Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi của tỉnh luôn được đánh giá cao, xứng đáng là mô hình giáo dục chuyên biệt của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Nhiều năm liên tục Trường được công nhận là đơn vị tiên tiến, tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh; được Bộ GD & ĐT tặng Bằng khen. Các tổ chức chi bộ, công đoàn, chi đoàn liên tục được công nhận trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt đúng vào dịp kỷ niệm này, Nhà trường đã vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là động lực mới để thầy và trò Nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống, giành nhiều thành tích hơn nữa trong những năm tới, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.