Chủ động phát triển các chương trình đào tạo

08:08, 20/12/2010

Trong những ngày cuối năm 2010, Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT), Đại học Thái Nguyên đang hướng tới ngày Khoa đón nhận Quyết định trở thành Trường đại học vào dịp đầu năm 2011. Trong niềm vui chào đón cơ hội mới, cũng là dịp thầy, trò trong Khoa nhìn lại một chặng đường đã qua, để tiếp tục có những hoạch định mới cho phát triển của những năm tiếp theo.

Mới đó đã 9 năm (2002-2010) thành lập, tuy thời gian chưa nhiều, nhưng Khoa CNTT đã có nhiều nỗ lực để vượt qua những thử thách, cụ thể là việc tăng cường khai thác các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm mở rộng quy mô cũng như bảo đảm chất lượng đào tạo. Đến nay, Khoa đã xây dựng và đưa vào sử dụng khu nhà làm việc 5 tầng, với tổng diện tích 5.100 m2; 1 nhà làm việc 3 tầng, với tổng diện tích 2.390 m2. Các khu giảng đường được Khoa đầu tư các trang thiết bị, bàn ghế đúng quy chuẩn, trang bị máy chiếu, máy vi tính phục vụ công tác giảng dạy, học tập cho thầy và trò, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tài liệu phục vụ nghiên cứu, học tập, thực hành và thực tập cho sinh viên. Đến nay, Khoa đã xây dựng được 1 thư viện có diện tích 450 m2, với hơn 9.000 đầu sách; 15 phòng thực hành thí nghiệm, trong đó có 7 phòng máy vi tính. Các phòng thí nghiệm điện tử, viễn thông; phòng thí nghiệm chuyên ngành Công nghệ điều khiển tự động tạo điều kiện cho sinh viên được thực hành, thực nghiệm chuyên sâu, triển khai các hoạt động nghiên cứu phục vụ cho đào tạo, khoa học và ứng dụng.

Cùng với tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, Khoa luôn quan tâm tới nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, như việc cử đi học tập, nghiên cứu sinh tại Pháp, Brunei, Thái Lan và các trường đại học có uy tín tại nhiều nước trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, Khoa còn thực hiện mô hình phối hợp với Viện CNTT trong công tác quản lý và đào tạo để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao… Khoa cũng đã mời được 6 giảng viên nước ngoài, trong đó có 2 giảng viên của Mỹ, 2 giảng viên của Canađa, 1 giảng viên của Pháp, 1 giảng viên của Đức đến tham gia giảng dạy. Cùng thời gian này, Khoa còn triển khai được 147 đề tài nghiên cứu khoa học; biên soạn được 142 sách, giáo trình, tài liệu tham khảo và tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học cấp cơ sở, quốc gia và quốc tế. Đặc biệt đến nay, Khoa đã thiết lập quan hệ quốc tế với các trường đại học và tổ chức của 11 nước như : Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Hoa Kỳ… Khoa cũng đã nhận 7 sinh viên người Thái Lan, Thuỵ Sĩ, Slovania, Phần Lan, Đức đến thực tập.
 
Khi mới thành lập, đội ngũ giảng viên của Khoa chỉ có 10 người, trong đó có 6 thạc sỹ, số lượng sinh viên theo học rất khiêm tốn (hơn 200 sinh viên). Nhưng đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa đã phát triển lên 167 người, trong đó có 3 tiến sỹ, 67 thạc sỹ, 31 người đang làm nghiên cứu sinh, 68 người đang học cao học. Cùng với đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ năng động, nhiệt tình, Khoa còn có đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có trình độ cao của Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện KH&CN Việt Nam tham gia vào các hoạt động quản lý và đào tạo. Khoa thực hiện tuyển sinh hằng năm đạt trung bình 1.000 sinh viên/năm, tổng quy mô đào tạo của Khoa hiện nay là hơn 6.500 sinh viên theo học ở 4 ngành đào tạo: CNTT; Công nghệ điện tử Viễn thông; Công nghệ điều khiển tự động và Hệ thống thông tin kinh tế, với 21 chuyên ngành như: Khoa học máy tính, Công nghệ Điện tử, Điện tử ứng dụng… Đến nay Khoa đã có 150 học viên cao học, 700 sinh viên đại học chính quy và gần 2.000 sinh viên hệ khác tốt nghiệp ra trường, trong đó hằng năm có từ 36,5 đến 40% sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi.