Công cụ hữu hiệu hỗ trợ việc đổi mới phương pháp giảng dạy

08:33, 17/12/2010

Đến thăm Trường THPT Bình Yên (Định Hóa) chúng tôi thật ngỡ ngàng bởi một trường ở vùng sâu, vùng xa như vậy mà lại có hệ thống phòng học máy vi tính rất hiện đại, được kết nối Internet để giáo viên, học sinh có thể khai thác thông tin bổ trợ cho quá trình học tập.

Em Lộc Thị Quỳnh Chi, học sinh lớp 7A2 hồn nhiên kể: Không chỉ học giờ Tin học chúng em hứng thú mà nhiều tiết giảng ở các môn Văn, Lịch sử, Sinh học… các thầy cô giáo sử dụng giáo án điện tử, trình chiếu tranh ảnh minh họa khiến giờ học trở nên sôi nổi hơn rất nhiều. Không những thế, nhờ hệ thống phòng máy vi tính được nối mạng Internet, chúng em chỉ cần nháy chuột là biết tất cả thế giới bên ngoài như thế nào. Ngoài việc tìm hiểu các tư liệu để hỗ trợ cho quá trình học tập, chúng em còn khai thác được rất nhiều thông tin để tham gia các cuộc thi như viết thư quốc tế UPU, sưu tầm tranh, ảnh… để làm các bài dự thi khác chất lượng hơn.

Quả đúng như lời Quỳnh Chi nói, qua tìm hiểu chúng tôi được biết trong những năm qua, Trường THPT Bình Yên đặc biệt coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy. Trường đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên về xây dựng giáo án điện tử, khai thác các thông tin trên mạng Internet… để nâng cao chất lượng giảng dạy. Thầy giáo Ma Văn Đổng, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trường có 2 phòng vi tính với trên 70 máy trang bị cho học sinh học tập. Mỗi tổ bộ môn đều được trang bị 1 máy tính nối mạng nội bộ. Nhờ sự hỗ trợ của Tập đoàn Vietel thông qua chương trình “kết nối Internet ngành Giáo dục”, 100% máy tính của Trường đều được nối mạng Internet. Qua đó giúp cán bộ, giáo viên, học sinh khai thác tư liệu để bài giảng, bài học thêm sinh động. Từ khi có mạng Internet đến nay, gần 100% giáo viên của Trường đã bỏ tiền túi ra đầu tư mua máy tính sách tay để soạn giảng, khai thác các thông tin trên mạng phục vụ công tác giảng dạy.
 
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi khó có thể đề cập hết những tiện ích nhờ có Internet mang lại. Song có thể khẳng định việc đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của ngành Giáo dục Thái Nguyên có sự đóng góp không nhỏ của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel thông qua chương trình kết nối Internet trường học. Trò chuyện cùng chúng tôi đồng chí Bùi Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm của Chi nhánh Viettel Thái Nguyên trong việc thực hiện chương trình kết nối Internet trường học. Nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các tiện ích của mạng Internet, các nhà trường đã triển khai hiệu quả vào việc quản lý, chỉ đạo quá trình dạy và học, cũng như trao đổi thông tin thông qua hệ thống hộp thư điện tử. Đặc biệt là giúp ngành triển khai có hiệu quả chương trình giáo án điện tử đối với đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khai thác thông tin, hỗ trợ quá trình học tập.
 
Nhờ có mạng Internet, hiện nay các trường trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy. Có trường còn quy định trong một học kỳ, mỗi một giáo viên phải có ít nhất 1 giờ giảng bằng giáo án điện tử. Những môn học trừu tượng, khó đối với học sinh như: Vật lý, Địa lý, Sinh học… đã trở nên sinh động, hấp dẫn bởi nó được minh họa bằng những hình ảnh được các giáo viên dày công sưu tầm trên mạng Internet. Nhiều trường đã xây dựng được các trang Web riêng, khi truy cập vào, cán bộ, giáo viên nắm được lịch công tác trong tuần, tháng, kế hoạch giảng dạy của tổ bộ môn, cũng như các hoạt động của Nhà trường. Việc quản lý điểm của học sinh cũng được đưa lên trang Web một cách công khai, tránh những biểu hiện tiêu cực như sửa điểm. Việc quản lý của các nhà trường cũng trở nên khoa học, công khai và dân chủ hơn.
 
Chương trình kết nối Internet trường học được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Bộ Giáo dục & Đào tạo triển khai từ tháng 9-2008. Theo đó, Vietel kết nối ADSL và miễn phí thiết bị, lắp đặt và cước sử dụng Internet băng thông rộng đối với các cơ sở giáo dục. Sau 24 tháng triển khai, đã có 485 trường trên địa bàn tỉnh được Vietel trang bị đường truyền Internet băng thông rộng. Chi nhánh Viettel Thái Nguyên cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng viễn thông với 5.312 cột và 1.250km cáp quang để đưa Internet băng thông rộng tới các điểm trường và cơ sở giáo dục của tỉnh Thái Nguyên. Hiện tại, Viettel đã và đang triển khai, cung cấp dịch vụ cho 584/664 đơn vị giáo dục thuộc ngành Giáo dục quản lý, đạt 88%, trong đó có 84% số đơn vị giáo dục được sử dụng Internet băng thông rộng, còn lại đang sử dụng công nghệ EDGE. Với những trường còn lại do đang trong quá trình xây dựng, chưa có điện lưới, chưa có máy tính… Viettel sẽ tiếp tục trang bị mạng Internet ngay sau khi đầy đủ các yếu tố trên.