Đến trưòng nhờ “3 đủ”

10:50, 23/12/2010

Chiếc xe Drem II của cô giáo Dương Thị Oanh, Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Hợp Tiến (Đồng Hỷ) chốc chốc lại gằn lên mỗi khi gặp phải những con dốc cao trên con đường vào Phân trường Đèo Bụt. Ngồi sau xe, tôi thầm cảm phục những tấm lòng của các cô giáo khi mang tri thức đến truyền thụ cho những học trò vùng sâu, vùng xa này. Cô bảo, hôm nay trời nắng đường thế này là dễ đi, chứ vào ngày mưa, muốn vào Phân trường an toàn chỉ có cách duy nhất là “cuốc bộ”.

Hơn nửa giờ đồng hồ từ trung tâm xã Hợp Tiến vượt qua gần chục con dốc với chiều dài khoảng 8 km trong đó qua một phần đất của xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang chúng tôi mới tới được Phân trường xóm Đèo Bụt.

 

Đứng bên cửa sổ nhìn vào lớp học, tôi không khỏi chạnh lòng bởi thời tiết khá lạnh 16-17độ, trời lại lất phất mưa mà nhiều em nhỏ ở đây trên người chi có manh áo mỏng. Phân trường này có 5 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5), lớp ít nhất có 8 học sinh, nhiều nhất có 11 học sinh. Thấy tôi cứ băn khoăn hỏi sao trời lạnh thế mà các bậc phụ huynh không mặc ấm cho các em, cô giáo Lương Thị Chiên bảo: Nhiều học sinh đang học bỗng dưng lả đi vì đói, chúng em chạy đi mua bánh về cho ăn mới tỉnh. Thương học trò nghèo, nhiều thầy, cô giáo đã quyên góp quần áo của gia đình mình, hàng xóm mang đến cho các em mặc. Bản thân em đã từng dạy học ở Thần Sa (Võ Nhai) 8 năm, về đây được gần 4 năm những tưởng bên này học trò đỡ khổ hơn nhưng... Ở xóm này, gần 100% đồng bào Dao, chủ yếu là hộ nghèo nên đời sống rất khó khăn, việc cho con em tới trường là cả sự cố gắng lớn với họ, rất may được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, cho mượn sách đi học, chứ không tỷ lệ bỏ học còn cao hơn nhiều.

 

Được biết cả xã Hợp Tiến chỉ có xóm Đèo Bụt là được hưởng Chương trình 135 giai đoạn II. Theo đó, những học sinh thuộc diện hộ nghèo ở đây được hỗ trợ tiền ăn đi học theo chủ trương của Chính phủ là 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở). Các cháu mầm non được hỗ trợ 70 nghìn đồng/tháng, tiểu học là 140 nghìn đồng/tháng.

 

Chúng tôi tìm đến nhà em Dương Thị Son, lớp 3D thì gặp chị Bàn Thị Lan mẹ của Son. Ddo vất vả, lam lũ nên trông chị già hơn so với tuổi 26 của mình. Năm 18 tuổi chị đã xây dựng gia đình. Nói về việc cho con đi học của con, chị Lan thật thà kể: Nhà có 4 miệng ăn chỉ trông vào 5 sào ruộng nên rất khó khăn. Chỉ đủ gạo ăn 9 tháng/năm thôi. May mà các cháu đi học không phải nộp học phí lại được tiền ăn trả theo tháng. Nhưng cả 2 đứa đều là con gái nên còn phải đẻ nữa để kiếm thằng cu”. Với tư tưởng muốn có nếp, có tẻ của chị Lan, có lẽ cái đói, cái nghèo sẽ còn đeo đẳng gia đình chị trong nhiều năm nữa.

 

Cũng vì quá khó khăn trong cuộc sống, những năm trước, khi chưa có chính sách hỗ trợ tiền cho học sinh vùng 135, một số học sinh ở Đèo Bụt chỉ học hết tiểu học rồi ở nhà lên rừng đốn củi bán hoặc đi làm vàng. Trò chuyện cùng em Triệu Sinh Toàn và em Dương Thị Sinh ở lớp 5D chúng tôi được biết cả 2 em đều có anh trai bỏ học. Anh trai của Sinh thì ở nhà đi chăn trâu, đốn củi, còn anh trai của Toàn thì theo người lớn đi làm vàng. Xóm Đèo Bụt phần lớn là hộ nghèo, năm học 2009-2010, toàn Phân trường tiểu học có 46/48 em được hưởng tiền hỗ trợ đi học là 140 nghìn đồng/tháng/9 tháng của năm học. Năm học này, Trường lập danh sách đề nghị hỗ trợ 36 em trên tổng số 45 học sinh.

 

Rời Phân trường tiểu học chúng tôi sang thăm lớp mầm non của xóm nằm kế cận. Cô giáo Lê Thị Dung nhà ở tổ 23, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên đảm nhiệm lớp học ở đây. Hằng ngày, cô phải vượt gần 30km từ nhà để tới lớp dạy dỗ các em. Cô Dung cho biết: Các em học sinh được hỗ trợ tiền ăn là 70 nghìn đồng/tháng. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước mà 100% các cháu 5 tuổi đều ra lớp. Đây là điều kiện tốt để các cháu bước vào lớp 1 thuận lợi hơn. Bởi phần lớn các cháu là con em đồng bào dân tộc Dao, nếu không đi học mầm non khi vào lớp 1 các cô giáo sẽ rất vất vả vì nhiều cháu không biết tiếng phổ thông. Cũng do khó khăn, lại không được quan tâm, chú trọng đúng mức nên tỷ lệ học sinh giỏi ở đây rất ít, nhưng ngược lại các em rất chăm ngoan, đi học đều. Ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ, các em còn được mượn sách giáo khoa. Vì thế đã huy động được 100% các em trong độ tuổi tới trường.

 

Tuy điểm trường thuộc xóm được hưởng chương trình 135, nhưng các thầy cô đến đây giảng dạy không có thêm khoản phụ cấp nào so với dạy ở khu vực trung tâm xã. Vì thế, để tạo sự công bằng, các trường đã luân phiên cử giáo viên đi dạy ở những vùng khó khăn từ 2-3 năm rồi lại trở ra điểm trường chính. Vất vả là thế, song đã đến mảnh đất này, các thầy cô đều đem nhiệt huyết truyền thụ những kiến thức để đưa các học trò đến bến bờ tri thức. Đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về sự học của con em mình đối với cuộc sống sau này của các em.

 

Rời Đèo Bụt khi buổi học kết thúc, từng nhóm học sinh ùa ra khoảng sân nhỏ chuyện trò ríu rít làm rộn rã cả núi rừng…