Theo chân cô giáo mầm non

15:42, 29/12/2010

Lớp học được dựng cheo leo trên sườn núi. Ngồi trong lớp mà chúng tôi vẫn cảm nhận được cái lạnh của những cơn gió mùa đông Bắc lùa qua khe liếp khiến cả cô giáo và đám học trò đều run rẩy.

 

Những vật dụng tối thiểu nhất của lớp mầm non (MN) ở đây đều thiếu: Đồ chơi, tranh vẽ, nhà vệ sinh... tất cả đều trở nên xa lạ và xa xỉ trong ngôi nhà xiêu vẹo. Cả cô và trò đều ngồi trên nền đất được đặt mấy bìa gỗ cho đỡ bẩn. Đồ chơi của học sinh chỉ có một nhúm phần lớn do cô giáo tận dụng những đồ vật, giấy hộp cát tông làm nên. Tôi chợt chạnh lòng khi nhìn thấy mấy thứ đồ chơi của cả lớp học MN này không bằng của một gia đình có điều kiện kinh tế bình thường ở thành phố mua cho con. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng những việc mà các cô giáo MN đang bám trụ tại các bản làng xa xôi để mang kiến thức về cách nuôi, dạy trẻ, trang bị những yếu tố cần phải có của bậc học đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người thật đáng khâm phục.

 

Đó là lớp học MN phân trường xóm Hạ Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai) do cô giáo Linh Thị Thuý đảm nhiệm. Cả lớp chỉ có 11 học sinh. Cô Thuý lấy chồng quê tận Tân Yên (Bắc Giang), hiện chồng cô đang công tác ở Bắc Kạn. Phải mấy tháng vợ chồng cô mới có điều kiện gặp nhau. Bởi các lớp MN phải học cả ngày, được nghỉ 2 ngày cuối tuần muốn lên thăm chồng cũng khó bởi đường đi không thuận tiện. Ngày nắng xe còn vào được phân trường, mưa phải bách bộ đi ra. Vào mùa mưa nếu không tích trữ lương thực trong vài tuần thì có khi các cô cũng phải nhịn đói hoặc ăn sắn, ngô trừ bữa. Nhiều đêm nằm trong căn nhà gỗ do đồng bào của xóm dựng cho các cô giáo cắm bản, cô Thuý chỉ biết khóc vì tủi thân. Nhưng mỗi sáng gặp những cặp mắt ngây thơ nhìn mình, rồi ngọng nghịu tập hát, cô lại quên hết âu lo của cuộc sống, mang hết những kiến thức đã được học ở mái trường sư phạm, nhiệt huyết của tuổi trẻ truyền cho đám học trò. Thấy tôi thắc mắc vì sao lớp học chỉ có ít học sinh như vậy, cô Thuý chỉ cười buồn: “Hạ Kim có 30 hộ, chủ yếu là đồng bào người Dao chị ạ. Trước đây bà con sống su canh du cư, làm gì biết đến việc đưa con đến lớp. Đi làm nương, một là để các cháu ở nhà, hai là địu mang theo. Khi vào đây dạy, em phải đến từng nhà vận động các gia đình cho cháu ra lớp thì mới được từng này đứa chị ạ. Nhiều hôm, bố mẹ đưa con đến lớp mà không rửa mặt cho cháu. Có đứa đang học kêu đau bụng, hỏi ra thì chưa được ăn gì. Em phải lấy nước rửa mặt, rồi cô có cái gì thì nấu cho cháu ăn cái đó. Khi tiếp cận với các bậc phụ huynh em tranh thủ tuyên truyền họ hiểu cách chăm sóc, nuôi dạy, giữ vệ sinh cho các cháu. Dần già, cũng có chuyển biến. Học sinh đến lớp đầu tóc, quần áo gọn gàng. Các gia đình đã biết cho con mình ăn uống cẩn thận. Biết giữ ấm cho trẻ khi mùa đông lạnh về”. Khi hỏi tới các cô giáo MN cắm bản, bác Triệu Văn Quý xóm Hạ Kim cứ gật gù khen mãi: “Các cô giáo tốt lắm. Nếu không có các cô làm gì bọn trẻ bản tôi được biết cái chữ. Biết các cô lên đây dạy học là khổ rồi, nên dân bản bảo nhau dựng cái nhà cho các cô ở. Nhưng bản nghèo quá, vì thế các cô càng khổ hơn”.

 

Rời Hạ Kim, chúng tôi đến Trường MN xã Nghinh Tường (Võ Nhai). Điều kiện dạy và học ở đây cũng rất khó khăn. Ngoài điểm trường chính được xây dựng năm 2005 với 3 phòng học cấp 4. 6 điểm lẻ nằm ở các xóm: Nà Giàng, Thượng Lương, Bản Rãi, Bản Nưa, Na Hấu, Bản Nhàn đều phải học nhờ nhà văn hoá xóm. Nói là nhà văn hoá, nhưng đều là nhà tạm nền đất lợp poroximang. Điều kiện dạy và học rất khó khăn. Thời điểm chúng tôi đến vẫn còn 5 cô giáo là Lâm Thị Hồng, Đặng Thị Dung, Hà Thị Kim Dung, Hứa Hồng Quyên, Hoàng Thị Thương đi dạy học suốt từ tháng 9 đến giờ chưa có lương. Thế nhưng, các cô vẫn khắc phục khó khăn gắn bó với nghề mà mình đã yêu và nguyện gắn bó.

 

Theo cô giáo Chu Thị Định, Phó Hiệu trưởng Nhà trường: “Sở dĩ các cô chưa có lương là vì ký hợp đồng với Trường. Trường mới được chuyển từ dân lập sang công lập. Trường công lập thì không được thu học phí của học sinh. Trong lúc chưa có biên chế nếu không hợp đồng thì không có giáo viên đứng lớp, vì thế, Nhà trường sẽ xin ý kiến của Phòng Giáo dục & Đào tạo để giải quyết chế độ cho các cô giáo đỡ thiệt thòi”. Khi được hỏi đi làm không có lương em có thấy chán nghề này không? cô giáo Hứa Hồng Quyên, nhà tận La Hiên vào đây dạy học rất vui vẻ: "Em tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm năm tháng 3/2008. Đầu tiên em xin trông trẻ ở Hà Nội, nhưng cũng không ổn định. Sau mấy tháng làm, em quyết định về quê để gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ. Trước những khó khăn của nhà trường, các bậc phụ huynh không quan tâm đến con em mình, nhưng em nghĩ mình còn trẻ cứ cấu hiến đã, rồi sẽ được ghi nhận. Bố mẹ em cũng đồng quan điểm, vì thế con gái về nhà xin gạo, xin tiền ăn ông bà cũng không than vãn một lời”.

           

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 203 trường mầm non, trong đó có 58 trường công lập thuộc các xã vùng đặc biệt khó khăn, ngoài ra là trường ngoài công lập. Tuy đời sống của các cô giáo MN đã được nâng lên hơn so với trước. Từ năm 2008, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, các cô giáo mầm non ngoài công lập được trợ cấp ở 3 mức: 300, 400, 500 nghìn đồng/tháng tuỳ theo vùng, miền. Không còn tình trạng giáo viên đi dạy học được trả lương bằng sắn, khoai, thóc. Tuy nhiên, mặt bằng chung đời sống, điều kiện công tác của một bộ phận không nhỏ giáo viên MN ở khu vực miền núi, nông thôn vẫn còn gặp rất khó khăn, nhất là giáo viên hợp đồng ở các trường ngoài công lập. Thế nhưng, vì lòng yêu nghề, mến trẻ, các cô vẫn bám trụ để vun đắp cho cái gốc của sự học. Một nhạc sỹ đã từng ví nghề dạy học như người lái đò. Con đò ấy đã trở biết bao thế hệ "sang sông" để tìm đến những chân trời tri thức. Để rồi khi thế hệ này nối tiếp thế hệ kia trưởng thành thì những con đò vẫn lặng lẽ đi cùng tháng năm.