Vượt khó để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

09:09, 07/12/2010

Con đường đất nhỏ từ trung tâm xã đưa chúng tôi đến cụm số 2, Trường Mầm non Thanh Ninh, xã Thanh Ninh. Đây là 1 trong 4 trường mầm non bán công của huyện Phú Bình. Khi vừa đặt chân đến, chúng tôi đã có thể cảm nhận được những khó khăn của cô và trò ở một mái trường mầm non bán công.

Trong căn phòng rộng khoảng 20m2, lần đầu tiên chúng tôi được ngồi trên những chiếc ghế gỗ “mi-ni” dành cho các cháu lớp mẫu giáo. Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chưa có văn phòng, bàn ghế và phòng làm việc cho giáo viên nên Nhà trường thường xuyên phải “mượn tạm” ghế và phòng học của các cháu để tiếp khách. Trong câu chuyện với chúng tôi, cô Hạnh giới thiệu: Trường được chính thức thành lập năm 1997, với 9 phòng học được chia thành 2 cụm nằm trên địa bàn xóm Đồng Phú và Hòa Bình. Ngoài 7 phòng học mới xây bằng kinh phí trích từ nguồn trái phiếu Chính phủ, đến nay, Nhà trường vẫn có lớp đang phải “học nhờ” tại nhà văn hoá của các xóm nói trên. Ngoài số lượng phòng học chưa đáp ứng yêu cầu, các trang thiết bị thiếu thốn thì diện tích của toàn bộ khuôn viên Nhà trường (gồm phòng học và sân chơi cả 2 cụm) cũng chưa được đảm bảo, chỉ đạt 2.185m2. Trong khi đó yêu cầu diện tích sân chơi cho 235 trẻ của Trường phải đạt từ 2.500m2 trở lên. Diện tích không đủ, số lượng trẻ theo học lại nhiều, có thời điểm một lớp mẫu giáo có gần 50 cháu nhưng chỉ có 1 phòng học, vượt 15 cháu so với quy định.

 

Bên cạnh đó, số bộ đồ chơi, các loại đồ chơi ngoài trời như bập bênh, xích đu, cầu trượt và các trang thiết bị như đàn, tivi, đầu đĩa, máy vi tính của Trường đều chưa đạt so với yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (được quy định cụ thể trong Thông tư số 02 về các danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho Giáo dục mầm non). Cùng với những thiếu thốn về cơ sở vật chất, đời sống của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là 11 giáo viên ngoài biên chế (chiếm 75% tổng số giáo viên của Trường) còn gặp nhiều khó khăn. Mức lương cao nhất mà các cô giáo được hưởng hiện nay là 958 nghìn đồng/tháng, còn lại đều bằng mức lương cơ bản (730 nghìn đồng/tháng).

 

Khó khăn là vậy nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, đội ngũ giáo viên của Trường luôn kiên trì bám trường, bám lớp. Cô Nguyễn Thị Hòa là một ví dụ tiêu biểu. Tuy gia đình còn nhiều khó khăn, chồng thường xuyên đau ốm nhưng cô vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong năm học 2009-2010, cô đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Hiện nay, cô cùng với 7 giáo viên khác Nhà trường đang theo học các lớp đại học, cao đẳng tại chức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

 

Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, Nhà trường còn thường xuyên tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương trong công tác xã hội hóa giáo dục, từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường, cải thiện và nâng cao điều kiện học tập, sinh hoạt cho các cháu bằng những việc làm cụ thể như: Làm đồ chơi tự tạo; lắp đặt hệ thống nước rửa tay bằng các thùng nhựa; trồng rau cải thiện bữa ăn; tích cực sưu tầm các trò chơi dân gian, bài hát dân ca, câu đố, hò vè để đưa vào hoạt động vui chơi của trẻ... Cũng nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục mà trong năm 2010, Nhà trường đã huy động được hàng trăm ngày công của nhân dân và trên 85 triệu đồng để xây dựng một bếp ăn hợp chuẩn, bê tông hóa sân chơi cho cụm số 2 (xóm Hòa Bình), tránh ngập úng vào ngày mưa, mua 3 tivi, 3 đầu video và một số đồ chơi ngoài trời khác phục vụ nuôi dạy trẻ.

 

Trong các bữa ăn bán trú của các cháu tại Trường, cùng với thực hiện cân đối dinh dưỡng, Trường luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cháu. Nhà trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh nuôi dạy con đúng cách, đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Nhờ vậy mà tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của các cháu đã giảm từ 14% (năm 2007) xuống còn 8,4% (năm 2009).

 

Bà Đỗ Thị Hưng, Chuyên viên phụ trách khối mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình đánh giá: Tuy cơ sở vật chất còn thiếu thốn, song đội ngũ giáo viên của Trường Mầm non Thanh Ninh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh việc chú trọng chăm sóc sức khoẻ cho trẻ thì hoạt động giáo dục cũng được Trường quan tâm thực hiện tốt. Với những kết quả đó, trong 3 năm học gần đây, Trường luôn được UBND huyện và ngành Giáo dục huyện Phú Bình khen tặng là tập thể lao động tiên tiến.