Đầu tháng 1/2011, vào làm việc với Trung tâm học liệu (Đại học Thái Nguyên), chúng tôi may mắn gặp được Giáo sư Terry Plum, giảng viên của Trường Đại học Simmons Hoa Kỳ. Ông vừa đến Đại học Thái Nguyên để thực hiện Chương trình hỗ trợ viết, xuất bản và chia sẻ bài báo khoa học. Chương trình do Quỹ Elsevier của tổ chức phi chính phủ thế giới tài trợ.
Giáo sư Terry Plum cho biết: Đại học Thái Nguyên là một trong 6 tổ chức trên thế giới được nhận tài trợ của Quỹ Elsevier, Quỹ dành cho "Chương trình Thư viện đổi mới sáng tạo". Trong thời gian làm việc tại đây, tôi thấy cán bộ, giảng viên của Đại học Thái Nguyên rất năng động, có ý thức sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học.
Trong thời gian 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 9/2010), Dự án này đã tổ chức được 6 lần hội thảo, mỗi hội thảo được tổ chức từ 1-3 ngày với tổng số hơn 220 học viên tham gia, chủ yếu là cán bộ, giảng viên trẻ đang công tác tại các khoa, trường thuộc Đại học Thái Nguyên. Giám đốc Trung tâm học liệu, Phó Giáo sư Nguyễn Duy Hoan cho biết thêm: Ở bậc đại học, hầu hết cán bộ, giảng viên đều tham gia nghiên cứu khoa học, với những cán bộ, giảng viên có thâm niên chủ yếu thực hiện các công trình nghiên cứu của mình bằng kinh nghiệm. Chính vì thế, Dự án này triển khai được ví như một sự khai mở cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ cách tiếp cận các tài liệu, phương pháp nghiên cứu, cách xử lý thông tin và viết thành công một bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế…
Phó Trưởng Phòng Dự án này, thầy Thiều Trung Hiếu cho biết thêm: Toàn bộ 6 chương trình hội thảo đều do các giáo sư, phó giáo sư đang làm công tác giảng dạy, quản lý tại các trường đại học có uy tín trên thế giới và trong nước tham gia. Các hội thảo được tập trung vào các chủ đề chính là chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tìm kiếm, chia sẻ thông tin và sử dụng công cụ trực tuyến hỗ trợ viết và đăng các bài báo, báo cáo khoa học quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; khoa học ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, công nghệ thông tin; khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, y học; cách nghiên cứu, phối hợp, ứng dụng công nghệ, đánh giá nguồn dịch vụ thư viện và trao đổi thông tin học thuật...
Tham gia Dự án này, cán bộ, giảng viên được trang bị, nâng cao phương pháp tiếp cận các nguồn tài liệu và thực hiện đề tài khoa học của mình đạt hiệu quả cao hơn, nhanh hơn. Vì thế, ngay sau các lớp tập huấn, hầu hết cán bộ, giảng viên đều có bài viết đăng trên các báo, tạp chí khoa học quốc tế và trong nước. Điển hình như Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Điểm, giảng viên Khoa ngoại ngữ đã có bài viết về phương pháp giảng dạy mới đăng trên tạp chí Tesol - tạp chí dành cho giáo viên giảng dạy tiếng Anh của Mỹ. Chị cho biết: Elsevier giúp tôi tự tin hơn khi muốn thực hiện một bài báo khoa học về chuyên ngành của mình. Hiện tôi đang nghiên cứu, ấp ủ đề tài về ngôn ngữ học - đề tài khai thác khối liệu ngôn ngữ trong việc dạy học tiếng Anh.
Với thạc sĩ chuyên ngành Điều khiển tự động, thầy giáo Đỗ Công Thành, Khoa Điện tử, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, sau khi tham gia Dự án cũng đã tích cực cùng các cán bộ, giảng viên trong Khoa nghiên cứu, viết bài đăng trên các báo, tạp chí khoa học. Thầy Thành cho biết: Elsevier trang bị cho tôi cách tìm kiếm thông tin trên mạng; kỹ năng thuyết trình và cách viết thành công một bào báo khoa học… Tôi đang có dự kiến viết bài cho tạp chí Tự động hoá ngày nay; Tạp chí chuyên san điều khiển tự động và tạp chí Khoa học quốc tế IEEE… Thực tế cho thấy, ở Đại học Thái Nguyên cũng như các trường đại học trong cả nước, việc tham gia viết bài báo khoa học luôn là một phong trào lớn của cán bộ, giảng viên. Chỉ trong thời gian 4 năm gần đây, toàn đại học Thái Nguyên đã có 1.048 bài báo của cán bộ, giảng viên được đăng trên các tạp chí khoa học và công nghệ, trong đó có 109 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế.
Trở lại câu chuyện với thầy Thiều Trung Hiếu, chúng tôi còn được biết thêm: Dự án Elsevier giúp Trung tâm học liệu thúc đẩy mạnh mẽ việc xuất bản các bài báo khoa học của Việt Nam và tăng cường trao đổi thông tin khoa học, kỹ thuật và y tế ở khu vực, quốc gia và quốc tế. Các giảng viên, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý của các trường đại học, cán bộ thông tin - thư viện, chuyên viên công nghệ thông tin và sinh viên cao học được nâng cao về kỹ năng viết các bài báo khoa học hiệu quả và sử dụng các công cụ trực tuyến cũng như thư viện số phục vụ xuất bản và chia sẻ các công trình khoa học. Dự án này có thể nhân rộng ở Việt