Ươm những mầm non

16:22, 10/01/2011

Vừa tới cổng của điểm trường chính của Trường Mầm non xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), chúng tôi bắt gặp không khí lao động nhộn nhịp, vui vẻ của các cô giáo và phụ huynh học sinh. Tìm hiểu mới biết, Trường mới được đầu tư xây dựng nhà hiệu bộ, nhưng do kinh phí hạn hẹp không đủ để thuê san lấp được mặt bằng sân phía trước nên Nhà trường đã vận động các bậc phụ huynh chung tay giúp đỡ.

  

Buông tay cuốc, cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Nhà trường dẫn chúng tôi đi một vòng thăm các phòng học. Gọi là phòng học, nhưng đây chỉ là một khu nhà cấp 4 được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 từ năm 2004. Điểm trường chính này thiếu lớp học, nên Nhà trường đã phải ngăn 2 gian nhà ra làm 3 phòng mới đủ cho 3 độ tuổi là: nhà trẻ 24-36 tháng tuổi, mẫu giáo 3-4 tuổi và mẫu giáo ghép 5-6 tuổi học. Vì thế, có phòng học chỉ rộng khoảng 12m2. Đồ chơi ngoài trời của học sinh cũng được trang bị từ nguồn Quỹ bảo trợ trẻ em của huyện từ khá lâu, thời gian nắng mưa nên cũng đã xuống cấp nhiều. Do thiếu cơ sở vật chất nên Nhà trường phải mượn 1 phòng của Trường Tiểu học số 1 để ban giám hiệu và các thầy cô sinh hoạt chuyên môn chung. Mới đây, UBND huyện Đồng Hỷ đã đầu tư cho Nhà trường được 1 nhà hiệu bộ cấp 4 gồm 1 phòng hội đồng, 2 phòng cho cán bộ quản lý, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 1 này.

 

Ngoài điểm trường trung tâm ở xóm Tân Lập được đầu tư xây dựng 2 khu nhà cấp 4 thì vẫn còn tới 7 điểm trường lẻ nằm ở các xóm Khe Quân, Tân Sơn, Dạt, Vân Khánh, Văn Lăng, Liên Phương, Bản Tèn phải học nhờ nhà văn hóa nên điều kiện nuôi dạy của cô và trò vô cùng khó khăn. Như để minh chứng cho lời nói của mình, cô Thủy lấy xe máy đưa chúng tôi đến điểm trường bản Tân Sơn. Vượt qua những con dốc dựng đứng, trơn chuội sau những cơn mưa xuân, đi dọc con sông Cầu, chúng tôi đến bản Tân Sơn. Ở bản này, gần 100% đồng bào người Dao sinh sống. Lớp học mầm non được học nhờ nhà văn hóa của xóm. Gọi là nhà văn hóa nhưng đó cũng chỉ là một ngôi nhà tranh, vách đất được dựng tạm bợ ở khu trung tâm bản. Để có chỗ cho các em ngồi học, cô giáo phải kê gọn bàn học của khối 1 (học buổi chiều) lại rồi trải chiếu trên nền đất để vừa trông, vừa dạy dỗ 12 cháu trong độ tuổi từ nhà trẻ đến mẫu giáo. Cũng vì thiếu phòng học nên lớp phải học ghép các cháu ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nhìn những đứa trẻ mải mê xếp hình từ những vỏ con ngao, tôi không khỏi chạnh lòng khi tưởng tượng tới phòng học của các cháu mầm non ở thành phố.

 

Cô giáo Mã Thị Tình phụ trách lớp nói: Những chiếc vỏ ngao này là tôi đi xin về dùng xà phòng rửa sạch mang tới cho các cháu chơi. Trong 12 cháu học tại lớp này thì 8 cháu thuộc diện hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70 nghìn tiền ăn/tháng. Các cô giáo cũng muốn dạy 2 buổi cho các cháu nhưng vì không có phòng học, gia đình các cháu cũng khó khăn nên không thể tổ chức ăn bán trú buổi trưa. Vì thế, chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Những cháu 5-6 tuổi cần làm quen với chữ viết trước khi vào tiểu học thì cô giáo dạy như thế nào? Tôi hỏi. Cô Tình chỉ cười xòa: Em phải bố trí cho các cháu nhỏ hơn chơi ở một góc lớp, còn tách những cháu mẫu giáo lớn ra hướng dẫn riêng.

 

Quả thực, ở điều kiện nào, các cô phải vận dụng cho phù hợp với điều kiên ấy để đảm bảo dạy đúng, đủ theo chương trình. Nếu như không có hệ thống các lớp mầm non ở các xóm như thế này có lẽ, khi bước vào lớp 1 sẽ là gánh nặng lớn cho các cô giáo bậc tiểu học. Có những bản như bản Tèn, Liên Phương 100% là đồng bào Mông, nhiều trẻ ra lớp mẫu giáo không biết tiếng phổ thông. Tan buổi học, chỉ thấy 3-4 phụ huynh đến đón con (những cháu còn nhỏ), còn phần lớn các em từ 4 đến 6 tuổi đều theo các anh chị ở bậc tiểu học về nhà. Dọc đường từ Tân Sơn về trung tâm xã, tôi cứ nghĩ tới câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Sông Cầu đi tăng cường lên đây kể: Được tăng cường lên Trường Mầm non Văn Lăng 3 năm, Nhà trường phân công tôi đi bản Tèn dạy học. Nếu ở thị trấn Sông Cầu điều kiện dạy học được 10 thì ở đây chỉ là 1-2. Không có chỗ ở nên các cô giáo mầm non phải ở chung với các thầy, cô dạy ở bậc tiểu học. Đầu tuần thì các cô gùi lương thực, thực phẩm lên để ăn cho cả tuần. Nước ăn vào mùa khô vô cùng thiếu thốn, không đủ sinh hoạt. Vì thế, các thầy giáo phải hạn chế tắm giặt để nhường từng gáo nước cho các cô giáo. Sau Tết mưa nhiều, các cô mỗi lần lên điểm trường phải mang gần chục bộ quần áo đi để dự phòng. Vì mùa này mây mù bao phủ cả núi rừng, mưa phùn giá rét, quần áo mặc trên người sờ còn thấy ẩm nên dù có giặt đồ phơi cũng không thể khô được. Vất vả là vậy, song các cô vẫn gắn bó với mảnh đất này. Ngoài giờ dạy, các cô rủ nhau lên rừng tìm rau rừng, nhặt củi nấu cơm. Dù hiện giờ được xuống điểm trường trung tâm xã dạy nhưng đôi lúc nhớ học trò, nhớ phân trường các cô lại rủ nhau đi bộ hàng giờ đến thăm các em.

 

Mặc dù điều kiện dạy học khó khăn là vậy, song tỷ lệ các cháu suy dinh dưỡng đã giảm xuống còn 10% (ở đầu năm học và 14-15%). Nhiều năm liên tục Nhà trường được UBND huyện khen thưởng, công nhận là trường tiên tiến xuất sắc cấp huyện, cơ quan văn hoá. Đây là động lực để các cô tiếp tục phấn đấu vì những mầm xanh tương lai.