Bắt đầu từ năm 2011, UBND TP Hà Nội đã quyết định tăng định mức ngân sách cho mỗi học sinh mầm non lên gần gấp đôi. TP cũng đã thông qua cơ chế để hơn 26.000 giáo viên (GV) mầm non đang làm hợp đồng được hưởng các chế độ, chính sách như viên chức nhà nước từ năm 2011…
Những tín hiệu vui ấy liệu có tăng sức hút đối với giáo viên mầm non khi mà làm cô nuôi dạy trẻ lương thấp, áp lực cao? Có lẽ, vì còn những băn khoăn, lo lắng nên đề tài về GV mầm non đã trở nên "nóng" tại hội nghị giao ban GD-ĐT các quận, huyện, thị xã do UBND TP Hà Nội vừa tổ chức.
Vì sao giáo viên không mặn mà với trường công lập?
Thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, đội ngũ GV mầm non TP còn thiếu gần 3.200 người. Điều đáng nói, các quận nội thành lại là nơi thiếu trầm trọng. Đơn cử như ở quận Hoàng Mai. Đơn vị tuyển dụng đã đăng 10 số báo thông báo tuyển giáo viên vẫn không nhận được hồ sơ dự tuyển. Khi được hỏi có phải vì trường thiếu GV là trường ở nơi xa, chất lượng thấp, GV không muốn về làm việc hay không, ông Đàm Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết đây là trường đã đạt chuẩn quốc gia, một trong những trường mầm non chất lượng cao của quận. Ông Đàm Quốc Khánh cho rằng, hiện nay việc tuyển GV vào các trường mầm non công lập, kể cả những trường chất lượng cao, ngày càng khó. Nhiều GV chỉ làm một thời gian rồi xin chuyển công tác vì lương thấp.
Cùng nỗi trăn trở về tình trạng thiếu GV mầm non, Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Cao Bích Lan phản ánh một thực tế khác. Trong năm qua, bản thân bà đã buộc lòng phải ký không dưới 10 quyết định cho GV mầm non đang công tác ở trường công lập chuyển sang trường tư thục. Đây là một thực tế đáng buồn, vì rõ ràng, môi trường giáo dục ở các trường công lập hiện nay rất tốt, tuy nhiên lại thiếu sức hút từ chế độ, chính sách cho GV. Trong khi đó, không khó để tìm được một công việc tại các trường mầm non tư nhân hiện nay trên địa bàn TP. Mục việc tìm người trên mạng internet không ít thông tin tuyển GV mầm non, với mức lương khởi điểm từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng kèm theo nhiều chế độ thuận lợi như ăn trưa miễn phí, được đóng bảo hiểm, được tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao trình độ. Còn giáo viên công lập phải vài lần lên lương mới có được mức thu nhập này. Điều ấy lý giải tại sao GV mầm non không mấy mặn mà với trường công lập.
Chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" ấy lại một lần nữa được đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã của Hà Nội nhắc tới với không ít trăn trở. Ông Đàm Quốc Khánh đề nghị cần sớm có phương án giải quyết tình trạng thiếu GV mầm non hiện nay ở nhiều trường. Còn bà Cao Bích Lan thì "nhắc nhở" các ngành chức năng, việc tuyển dụng viên chức GV mầm non đã bị đình trệ từ năm 2008 tới nay, nên sớm được triển khai ngay, đồng thời giải quyết những vướng mắc về chế độ chính sách cho GV, nếu không các trường mầm non công lập nội thành sẽ tiếp tục lâm vào tình trạng thiếu giáo viên.
Lý giải về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) phân tích: Sở dĩ các trường thiếu nguồn tuyển mới vì học sinh khu vực nội thành học xong THPT không mặn mà với việc làm cô giáo mầm non, lương thấp, thời gian dành cho gia đình ít mà áp lực xã hội lại lớn. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, trong khi chờ những thay đổi mang tính vĩ mô về chế độ, vướng mắc này có thể giải quyết bằng kinh nghiệm của một huyện: vận động học sinh tốt nghiệp THPT học ngành học mầm non, tổ chức lớp học tại địa phương và bố trí các em làm việc ngay sau khi ra trường.
"Chất keo" mới có đủ sức kết dính?
Tại hội nghị giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, TP đã thông qua cơ chế cho hơn 26.000 GV mầm non đang làm hợp đồng được hưởng các chế độ chính sách như viên chức nhà nước từ năm 2011. Đây là số giáo viên đã làm hợp đồng nhiều năm tại các trường công lập hoặc ở các trường mầm non nông thôn trước là mô hình bán công nay được chuyển đổi thành trường công lập. Ngoài ra, TP cũng đã quyết định tuyển dụng vào biên chế nhà nước hơn 4.900 GV nhằm triển khai hiệu quả Đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Việc tuyển dụng có thể được thực hiện bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển, tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương. Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, số lượng tuyển dụng vào biên chế nhà nước được tính toán dựa trên nhu cầu thực tế của các trường, vì vậy, các trường không lo thiếu GV. Theo lộ trình, từ năm 2011 đến năm 2015, Hà Nội sẽ giải quyết vào biên chế cho tất cả số GV đang làm hợp đồng ở các nhà trường, lần lượt từ số GV dạy trẻ 5 tuổi (năm 2011), đến giáo viên dạy trẻ 4 tuổi, 3 tuổi…
Tuy nhiên, chưa cần phải chờ để được vào biên chế, GV mầm non Hà Nội đang làm hợp đồng từ nay sẽ được hưởng lương theo năm công tác thực tế, các chế độ phụ cấp, thưởng, được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Điều này sẽ làm giảm đáng kể sự chênh lệch về thu nhập giữa GV biên chế và GV làm hợp đồng ở cùng một trường. Với hiệu trưởng các nhà trường, đây được coi là "chất keo" mới, không chỉ gắn giáo viên với nhà trường thành một khối đoàn kết, hết lòng vì mục tiêu chăm sóc, giáo dục trẻ, mà còn là động lực để các GV đang làm hợp đồng bớt "nhấp nhổm"…
Bên cạnh đó, quyết định tăng định mức ngân sách từ 2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng/trẻ/năm cũng được coi là một cú hích cho hệ thống giáo dục mầm non Hà Nội. Tỷ lệ 30% trong tổng ngân sách dành để chi cho các hoạt động khác (thay vì tỷ lệ 20% như trước đây) sẽ tạo thuận lợi cho các trường trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Sự quan tâm của thành phố đối với ngành học mầm non như là một sự ghi nhận vai trò quan trọng của ngành học này, tạo động lực để giáo viên mầm non chuyên tâm với nghề đã chọn.