Được xây dựng cơ bản từ năm 1954, đi lên từ con số 0, đến nay, Toán học nước ta đã được xếp vào loại khá trong các nước đang phát triển.
GS-TSKH Đỗ Đức Thái (ĐH Sư phạm HN) cho biết, với tuổi đời 40 năm, Việt Nam đã tạo ra được một đội ngũ các nhà toán học mang trong mình dòng máu Việt, dù công tác ở trong nước hay ở nước ngoài, nhiều người đạt đến đẳng cấp quốc tế, và nhiều người trong số đó là những ngôi sao sáng trên bầu trời Toán học thế giới. GS Ngô Bảo Châu là ví dụ điển hình; GS Vũ Hà Văn (ĐH Rutgers, Mỹ) là chuyên gia hàng đầu về lý thuyết tổ hợp; GS Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Paul Sabatier, Toulouse, Pháp) là chuyên gia hàng đầu về Hình học của các hệ khả tích; GS Đinh Tiến Cường (ĐH Paris 6, Pháp) là chuyên gia hàng đầu thế giới về hệ động lực nhiều biến; GS Phạm Hữu Tiệp (ĐH Arizona, Mỹ) là chuyên gia hàng đầu về đại số và lý thuyết biểu diễn; GS Lê Tự Quốc Thắng (Học viện Kỹ thuật Georgia, Mỹ) là chuyên gia hàng đầu về tôpô chiều thấp...
Tuy nhiên, với đội ngũ gần 100 nhà toán học và đã gặt hái được một số kết quả, song Toán học Việt Nam vẫn đứng ở vị trí khiêm tốn - khoảng thứ 50-60 trên thế giới.
Hiện đội ngũ cán bộ giảng dạy ở 15 trường ĐH đào tạo chuyên ngành toán hàng đầu của cả nước còn quá yếu với hơn 600 người. Trong số đó, chỉ có 3 đơn vị có số giảng viên là tiến sĩ chiếm gần 50%, số là giáo sư, phó giáo sư lại càng ít. Chất lượng và số lượng đầu vào của sinh viên, cử nhân toán còn yếu... Thực tế đó cho thấy, Toán học Việt Nam chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu hiện tại của đất nước trong đào tạo cũng như phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế; chưa khẳng định được vai trò như một con đường cao tốc trong hệ thống đường cao tốc phát triển khoa học và công nghệ nước nhà. Ngay Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận, nếu không có chuyển biến lớn về chính sách phát triển toán học, thì ngành khoa học cơ bản nhất trong các ngành khoa học khó có sự phát triển bền vững.
Sự kiện GS.Ngô Bảo Châu đạt giải thưởng Fields giống như một cú huých, làm bừng tỉnh ý thức xã hội về vai trò đặc biệt quan trọng của Toán học trong sự phát triển bền vững.
Chính trong hoàn cảnh đó, ngày 17/8/2010, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt có một ý nghĩa thực sự đặc biệt. Chương trình này được xây dựng với sự tham gia của các nhà khoa học Toán trong nước và tham khảo ý kiến của các nhà Toán học quốc tế.
Với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng, mục tiêu của Chương trình là đến năm 2020 có đủ đội ngũ giảng viên Toán có trình độ ở các trường đại học, cao đẳng, trong đó trên 70% giảng viên ở các trường đại học lớn có bằng tiến sĩ. Đồng thời, nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo học sinh giỏi Toán ở các cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là ở các trường chuyên. Có hình thức thích hợp đào tạo tiếp học sinh giỏi Toán ở trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Đến năm 2020 tăng gấp đôi số lượng công trình công bố quốc tế so với năm 2010...
Cùng với các giải pháp như: đẩy mạnh hoàn thiện lại hệ thống các lớp chuyên Toán theo chủ trương mới của Bộ GD&ĐT; thi học sinh giỏi; cấp học bổng; ưu tiên tuyển chọn vào đại học, đào tạo giáo viên; khuyến khích giảng viên Toán ở các trường đại học đẩy mạnh công tác nghiên cứu; xây dựng Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán và xây dựng Viện Toán học, khoa Toán ở các trường đại học lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán của khu vực.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi nói về chương trình phát triển toán học đã cho rằng, để phát triển Toán học sắp tới, không thể tiếp tục cách làm như vừa qua. Chiến lược quốc gia về Toán học sẽ phải bao gồm phát triển tài năng Toán học bậc phổ thông, đồng thời nâng cao chiều rộng Toán học ở các trường ĐH, CĐ, khuyến khích nghiên cứu khoa học kết hợp với giảng dạy Toán học và có cơ hội để bồi dưỡng và hình thành các nhà Toán học trình độ quốc tế. Nếu đi con đường này thì qua mô hình Ngô Bảo Châu, học sinh giỏi Toán trường chuyên của VN được đào tạo Toán ở các cơ sở tốt nhất ở nước ngoài đạt trình độ quốc tế về cùng phối hợp trong nước, tiếp tục phát triển đội ngũ trong nước.
Một trong những nội dung quan trọng của chương trình này là xây dựng Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán. Viện này được xây dựng không làm theo cách truyền thống mà là mời các nhà Toán học hàng đầu của quốc tế hoặc của VN mà có trình độ quốc tế về làm người đứng đầu. Từ đó, tập hợp các nhà khoa học ở nước ngoài giúp các nhà Toán học trong nước có điều kiện giao lưu nâng cao trình độ. Đúng thời điểm khi GS Ngô Bảo Châu đạt được giải Fields trình độ hàng đầu thế giới và Viện này đã giải quyết được một trong những bài toán khó khăn tìm người đứng đầu xứng đáng.
Để chuẩn bị cho việc thành lập Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán, GS.Ngô Bảo Châu và Bộ GD&ĐT đã có nhiều buổi làm việc thực sự nghiêm túc. Tại đây, GS.Ngô Bảo Châu đã nhấn mạnh: “Động lực chính để phát triển Toán học cũng như các ngành khoa học khác là tạo ra sự kết hợp giữa các nhà khoa học với nhau. Vì thế tư tưởng then chốt của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán là tạo ra sân chơi để các nhà Toán học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có thể làm việc với nhau”.
Và, đáng ứng sự trông đợi, cuối tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trực thuộc Bộ GD&ĐT. Mục tiêu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, có môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển về Toán, để trao đổi học thuật nhằm nâng cao năng lực khoa học của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học Việt Nam. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ do nhà nước giao và đề xuất, Viện có nhiệm vụ tạo điều kiện làm việc thuận lợi để nâng cao trình độ các nhà toán học trẻ trong nước; tạo điều kiện để các nhà toán học Việt Nam có năng lực trở thành chuyên gia quốc tế; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; thu hút các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài và nhà toán học quốc tế tới tham gia nghiên cứu, đào tạo...
Khoảng 2,5 năm nữa Việt