Giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên trong trường đại học

08:14, 11/03/2011

Để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện mục tiêu chung của cách mạng là “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Đảng ta luôn coi “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

 

Giáo dục đại học là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Luật Giáo dục đã chỉ rõ mục tiêu của giáo dục đại học là “đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Như vậy, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về giáo dục đào tạo đã chỉ rõ: giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong giáo dục đại học nói chung và trong giáo dục sinh viên nói riêng.

 

Sinh viên là bộ phận ưu tú nhất trong lứa tuổi thanh niên. Phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu trong các nhà trường phổ thông, phải qua một kỳ thi tuyển khó khăn họ mới trở thành sinh viên đại học. So với những bạn cùng lứa thì đây là những người có trình độ học vấn cao, có trí thông minh hơn người, có phẩm chất đạo đức tốt. Ở lứa tuổi từ 18 đến 23 sinh viên đã có sự phát triển tương đối đầy đủ và toàn diện: nhân cách đã định hình tương đối ổn định, trí tuệ đã phát triển, đã hình thành thế giới quan cá nhân với khả năng tự đánh giá, tự thẩm định và điều chỉnh hành vi. Cho nên quan điểm giáo dục đào tạo của Đảng ta là coi sinh viên là “một nhân cách đã trưởng thành”. Tuy nhiên, nhân cách không phải là một cái cho sẵn, cố định, bất biến, hình thành một lần và xong xuôi. Nhân cách là một quá trình, được hình thành và phát triển dần dần trong suốt đời sống của cá nhân. Lứa tuổi thanh niên, sinh viên là một giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, nhưng kinh nghiệm sống của họ còn chưa phong phú, tư tưởng còn chưa được chín chắn. Vì vậy, việc giáo dục chính trị, tư tưởng có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách của sinh viên.

 

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên trong trường đại học cần đạt được những mục tiêu chủ yếu sau:Bồi dưỡng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, thế giới quan cách mạng và nhân sinh quan đúng đắn cho học sinh, sinh viên; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước nhằm rèn luyện và nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí cách mạng của học sinh, sinh viên.Thỏa mãn các nhu cầu tinh thần ngày càng cao nhằm xây dựng một đời sống tinh thần phong phú, đa dạng cho học sinh, sinh viên.

 

Nhận diện và đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc bản chất cách mạng của đường lối đổi mới của Đảng nhằm khẳng định tính cách mạng và khoa học của hệ tư tưởng Mác Lênin. Góp phần đắc lực vào việc xây dựng con người mới XHCN. Mục đích của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên là truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, qua đó làm hình thành thế giới quan cách mạng và phương pháp luận khoa học cho sinh viên, bồi dưỡng nhân sinh quan đúng đắn, lối sống lành mạnh, đào tạo ra những con người “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng CNXH.

 

Để phục vụ cho mục đích trên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên phải thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau:Truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên. Đây là nhiệm vụ trọng tâm vì nó góp phần làm hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học và nhân sinh quan cách mạng cho sinh viên. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của nhà trường nhằm giúp sinh viên nắm bắt được mục tiêu, lý tưởng của Đảng, làm hình thành ý thức trách nhiệm trong sinh viên trước bản thân, nhà trường và xã hội.Giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của cách mạng, góp phần bồi dưỡng những tình cảm đúng đắn của sinh viên đối với quê hương đất nước. Giáo dục đạo đức cách mạng, phẩm chất chính trị đúng đắn nhằm hình thành lối sống lành mạnh cho sinh viên. Đấu tranh chống các tư tưởng phản động xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chống các biểu hiện tiêu cực trong lối sống, lẽ sống của sinh viên.

 

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên, ngoài việc phải phù hợp với mục tiêu đào tạo, còn phải phù hợp với những đặc điểm tâm, sinh lý của lứa tuổi. Lứa tuổi sinh viên (từ 18-23 tuổi) là thời kỳ mà về sinh lý đã trưởng thành và phát triển ổn định. Cơ thể đã hoàn chỉnh, tinh lực dồi dào, tinh thần hăng hái, ý thức giới tính đã nảy nở và phát triển. Sự phát triển về sinh lý là tiền đề cho sự hình thành và phát triển tâm lý. Tâm lý của sinh viên dần dần phát triển, xuất hiện yêu cầu độc lập, tự  chủ nhưng chưa hoàn thiện và chưa thật ổn định. Sự phát triển tâm lý lứa tuổi sinh viên có những đặc điểm là: Sự phát triển của trí năng đã đạt đến đỉnh cao, năng lực nhận thức, năng lực tư duy trừu tượng, năng lực sáng tạo đều phát triển mạnh cho nên sinh viên rất ham hiểu biết, ham khám phá. Tuy nhiên, do tâm lý chưa ổn định, nên khi thất bại rất dễ gây chán nản, bi quan. Tình cảm nảy nở và ngày càng phong phú, phức tạp, thích tham gia vào những quan hệ xã hội mới, tình yêu có thể nảy nở với những người khác giới. Nhưng do tính kiềm chế chưa cao nên dễ xa đà vào những quan hệ không lành mạnh, dễ bị kẻ xấu lôi kéo. Ý thức về bản thân tăng lên, tự tin nhưng thường đánh giá quá cao về mình, nên khi gặp thất bại thì chán nản, tự ty.

 

Giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên là một hoạt động có tính chất thường xuyên, được thực hiện từ khi sinh viên bước chân vào trường cho đến khi sinh viên ra trường. Chủ thể của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng không chỉ là các bộ phận chức năng như khoa Giáo dục chính trị và phòng Công tác học sinh – sinh viên, mà là toàn bộ nhà trường, các phòng, ban, khoa, các giảng viên, công chức và bản thân sinh viên.

 

Hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng bao gồm nhiều loại hình khác nhau như: Giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh hoạt chính trị thường kỳ, hoạt động văn nghệ thể thao theo chủ đề, Olympic Mác - Lênin, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống, tham quan thực tế, theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng...

           

Giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên vừa có mục đích lâu dài, vừa có mục tiêu trước mắt, vì vậy phải kết hợp giữa những hoạt động theo kế hoạch và hoạt động đột xuất, để triển khai những nhiệm vụ cụ thể. Sinh hoạt chính trị là loại hình hoạt động nhằm triển khai những nhiệm vụ trên. Sinh hoạt chính trị định kỳ cần tổ chức theo giai đoạn cho phù hợp với đối tượng là sinh viên năm đầu, năm giữa, năm cuối. Ngoài ra, cần tổ chức những đợt sinh hoạt chính trị đột xuất để triển khai những nội dung mới, quan trọng dưới các hình thức như: nghe nói chuyện thời sự, nghe báo cáo chuyên đề, học tập Nghị quyết.

 

Giáo dục truyền thống cũng là một trong những nội dung không thể thiếu của giáo dục chính trị, tư tưởng. Sinh viên ngay từ khi bước chân vào trường đã phải hiểu về truyền thống của trường, của ngành, của địa phương và của dân tộc nói chung. Việc giáo dục truyền thống có thể thực hiện thông qua những sinh hoạt chuyên đề riêng, nhưng cũng có thể lồng ghép vào các loại hình hoạt động khác như thông qua giảng dạy, học tập các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua sinh hoạt chính trị, thông qua hoạt động văn thể, tham quan thực tế...

           

Công tác giáo dục chính trị, tư  tưởng là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên là một hoạt động tất yếu, phải được thực hiện một cách có kế hoạch, thường xuyên và liên tục. Đây là một bộ phận quan trọng trong hoạt động của Trường đại học nhằm đào tạo ra những chuyên gia vừa “hồng” vừa “chuyên”.