Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là một mô hình giáo dục có hình thức học tập đa dạng, được đặt tại từng xã, phường, thị trấn, có khả năng tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các trung tâm này ở Võ Nhai còn nhiều bất cập...
Các TTHTCĐ có chức năng tạo điều kiện cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; được phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng; là nơi thực hiện phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Đội ngũ giáo viên của các TTHTCĐ là những giáo viên được phòng giáo dục và đào tạo biệt phái để dạy chương trình xóa mù chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục; là báo cáo viên dạy các chuyên đề, các cộng tác viên, hướng dẫn viên và cả những người tình nguyện tham gia hướng dẫn học tập tại trung tâm.
Hiện nay, 15/15 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai đều đã thành lập được TTHTCĐ. Mỗi trung tâm đều có một Ban Quản lý (BQL) có trên 10 thành viên, gồm 1 giám đốc, 2 phó giám đốc, 1 kế toán, 1 thư ký và các thành viên khác thuộc các tổ chức, đoàn thể ở địa phương. Trong đó, giám đốc trung tâm thường do đồng chí Phó chủ tịch UBND xã, thị trấn kiêm nhiệm, 1 phó giám đốc thường là đồng chí Hiệu trưởng trường tiểu học hoặc THCS kiêm nhiệm. Hiện nay, các TTHTCĐ ở Võ Nhai đã tổ chức được trung bình 10 lớp bồi dưỡng, tập huấn/năm cho trên 500 lượt người những kiến thức về chuyển giao KHKT trong sản xuất nông lâm nghiệp, về vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước...
Tuy nhiên, một thực tế ở Võ Nhai hiện nay là năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành các trung còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu bộ máy quản lý các trung tâm không ổn định, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phân công nhiệm vụ giữa các thành viên, dẫn đến hoạt động bị gián đoạn. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hầu hết BQL của các TTHTCĐ đều mới được kiện toàn lại trong năm 2010. Đội ngũ cán bộ quản lý của các trung tâm mới được kiện toàn đều chưa được học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nên còn nhiều lúng túng trong việc tổ chức, điều hành các hoạt động của trung tâm.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ trong BQL TTHTCĐ đều là những cán bộ kiêm nhiệm. Nhiều người cho rằng, các nhiệm vụ của họ đảm nhận ở vị trí chuyên trách đã quá nhiều nên thời gian cũng như tâm huyết dành vào việc thực hiện các nhiệm vụ của TTHTCĐ mà mình được phân công còn ít. Một số cán bộ quản lý TTHTCĐ còn chưa thật sự tích cực, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động của trung tâm như: Xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động từng tháng, từng quý; chưa có sự phối hợp với các ban, ngành đoàn thể địa phương trong việc thăm dò nhu cầu học tập của từng cá nhân, từng tập thể để xây dựng chương trình kế hoạch học tập cụ thể.
Bên cạnh những hạn chế về năng lực tổ chức, điều hành, quản lý của đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy học của các TTHTCĐ cũng còn nhiều thiếu thốn. Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các TTHTCĐ vẫn chưa có cơ sở vật chất riêng, chủ yếu vẫn tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của địa phương như hội trường cũ của UBND, nhà văn hóa xóm, phòng học cũ của các trường học đóng trên địa bàn. Các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các trung tâm còn thiếu. Mỗi trung tâm thường chỉ có một nhà lớp học đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng 30 - 40 người, có tủ sách, giá sách, bảng, mic và một số trang thiết bị dạy học khác. Ý kiến của nhiều đồng chí trong BQL của các trung tâm cho rằng hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn chưa thể đủ đảm bảo phục vụ cho nhu cầu học tập ngày càng lớn của mọi tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung học tập cũng là một vấn đề đáng phải quan tâm. Theo ông Hoàng Văn Chấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện Võ Nhai thì: Hiện nay, cấp trên chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn xây dựng một khung chương trình học tập cứng nên Phòng cũng chỉ tham mưu chung chung, các TTHTCĐ vẫn chưa xây dựng được khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cứng bên cạnh các nội dung đào tạo, bồi dưỡng xuất phát từ nhu cầu thực tế ở cơ sở. Các ban, ngành, đoàn thể còn chưa thật sự vào cuộc trong việc xây dựng và phát triển các TTHTCĐ dẫn đến việc biên soạn giáo án, tài liệu tham khảo thuộc các chuyên ngành vẫn còn rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập, nghiên cứu của nhân dân. Do vậy, các ngành, các cấp phải nhận thức rõ được trách nhiệm của mình trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ. Đặc biệt, BQL các trung tâm phải thường xuyên làm phiếu thăm dò nhu cầu học tập của từng cá nhân, từng tập thể trong cộng đồng để chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động.
Thiết nghĩ, Hoạt động của các TTHTCĐ là nhằm mục đích đem lại quyền lợi và cơ hội học tập, học tập suốt đời cho mọi người thuộc mọi lứa tuổi. Do đó, việc phát triển mô hình giáo dục này là cần thiết và là một xu thế tất yếu để phát triển cộng đồng. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp huyện Võ Nhai cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ...