Việc đổi mới ra đề nhằm yêu cầu học sinh phải có kỹ năng làm bài tốt hơn, tránh hiện tượng “học tủ, học lệch, học vẹt”.
Đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2011 sẽ được Bộ Giáo dục-Đào tạo ra theo hướng dành 50% điểm số cho yêu cầu thí sinh thông hiểu, vận dụng kiến thức một cách cơ bản trong sách giáo khoa. Trong đề thi, Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ ra theo hướng “mở”, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức một cách tổng quát về các môn học tự nhiên, xã hội.
Việc đổi mới ra đề nhằm đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng làm bài tốt hơn, tránh hiện tượng “học tủ, học lệch, học vẹt” và cũng để sàng lọc, phân biệt chất lượng thí sinh.
Tại cuộc họp báo chiều 7/4 do Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết: Bộ đã đôn đốc các Sở Giáo dục-Đào tạo lên kế hoạch yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh ôn tập tốt cho kỳ thi.
Đối với vấn đề các trường tổ chức thi thử cho học sinh, ông Vũ Đình Chuẩn khẳng định: Bộ Giáo dục-Đào tạo không cấm các trường tổ chức thi thử cho học sinh nhưng việc thi thử phải được chuẩn bị chu đáo từ phía nhà trường, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong phụ huynh, học sinh. Việc tổ chức thi thử chỉ phải mang mục tiêu là đánh giá, kiểm tra kiến thức của học sinh trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Nhà trường không được tổ chức kỳ thi thử như là áp dụng nguyên tắc phổ biến đề thi cho học sinh như là kỳ thi thật.
Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh thanh tra (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Bộ sẽ tiếp tục cử “thanh tra ủy quyền” gồm giảng viên, cán bộ một số trường đại học đến làm giám thị trông, coi thi tại các Hội đồng thi. Đoàn Thanh tra ủy quyền còn cử thanh tra viên giám sát hoạt động của trung tâm in, sao đề thi của các Sở Giáo dục-Đào tạo và giám sát khâu chấm thi sau này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4/6. Theo đó, học sinh các trường THPT sẽ thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học, Địa lý. Trong đó các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học thi trắc nghiệm.
Với môn Ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật. Những thí sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc gặp khó khăn về điều kiện dạy - học thì được thi môn Lịch sử thay thế.
Học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Trong đó, Vật lý, Sinh học thi trắc nghiệm./.