Để trở thành cơ sở đào tạo có uy tín

09:29, 22/04/2011

Trong khi đưa chúng tôi đi thăm khu nhà xưởng thực hành dành cho học sinh, sinh viên (HSSV), chị Mạc Thị Mậu, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức cho biết: Nhà trường hiện có mối quan hệ với hơn 80 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong, ngoài tỉnh.

 

Trước đây, khi liên hệ với các doanh nghiệp cho HSSV đến thực tập, Nhà trường phải trả tiền cho họ. Nhưng từ khoảng 3 năm gần đây, các doanh nghiệp này đã có công văn đề nghị Nhà trường cho HSSV đến thực tập tại cơ sở. Kèm theo đó là những khoản ưu đãi về chỗ ở, hỗ trợ ăn ca và trả thêm 1 triệu đồng/tháng/ HSSV. Hiện tại, một số doanh nghiệp còn tổ chức kiểm tra đánh giá, cấp cho HSSV giấy chứng nhận để sau khi tốt nghiệp, HSSV đã đến cơ sở đó thực tập, nếu có nguyện vọng vào làm việc sẽ được chủ doanh nghiệp tuyển dụng ngay mà không phải qua khâu thử việc.

 

Một thuận lợi là Nhà trường đứng chân trên địa bàn T.X Sông Công, đây là một trong những khu công nghiệp của tỉnh và các khu công nghiệp lân cận ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang… Vì thế, Nhà trường được Bộ Công Thương (Ngành chủ quản) giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật bảo đảm uy tín với trình độ, chất lượng cao, đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Hiện Nhà trường đang đào tạo hơn 7.000 HSSV, với hơn 40 ngành, nghề đào tạo khác nhau, trong đó hệ cao đẳng công nghệ kỹ thuật gồm 7 ngành: Cơ khí, điện-điện tử, thông tin, ô tô, kế toán, hàn, cơ điện tử. Hệ trung cấp chuyên nghiệp gồm 7 ngành: Tin học ứng dụng, điện công nghiệp-điện dân dụng, điện tử, sửa chữa-khai thác thiết bị cơ khí, sửa chữa ô tô-xe máy, chế tạo phụ tùng cơ khí, hạch toán kế toán.

 

Cùng với đó, Nhà trường duy trì, phát huy tốt các hệ đào tạo nghề, trong đó cao đẳng có 8 nghề, trung cấp có 18 nghề. Các nghề đào tạo được Nhà trường cân đối chiêu sinh hằng năm, bảo đảm sát thực với nhu cầu thị trường lao động từng năm… Do đó sau tốt nghiệp 1 năm, hầu hết HSSV đã có việc làm, có mức thu nhập ổn định. Thầy Vũ Xuân Vượng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường cho chúng tôi biết thêm: Để xây dựng Nhà trường trở thành cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng cao, trong những năm vừa qua Nhà trường luôn quan tâm, khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, đi học cao học, tiến sĩ… Nếu như năm học 2004 - 2005, Nhà trường có 28 người đi học cao học, thì năm học 2010 - 2011, Nhà trường có 102 cán bộ, giáo viên đã và đang học trên đại học, trong đó có 97 người học cao học và 5 người học tiến sĩ.

 

Nhằm động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, Nhà trường thực hiện hỗ trợ 50 triệu đồng đối với cán bộ, giáo viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài; hỗ trợ từ 8 đến 10 triệu đồng cho cán bộ, giáo viên đi học thạc sĩ. Cùng với đó hằng năm Nhà trường có từ 15 đến 20 lượt cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao về công nghệ mới, cách biên soạn giáo trình, phương pháp giảng dạy mới. Cùng với đó, Ban giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm, đầu tư thích đáng cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi, kết quả hằng năm Nhà trường có từ  4 đến 5 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt trong thời gian 5 năm gần đây, Nhà trường đã có 1 giáo viên đạt giải Nhất, 1 giáo viên đạt giải Nhì các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.

 

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cán bộ, giảng viên, Nhà trường quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo. Thông qua nguồn vốn vay ODA của Cộng hoà Liên bang Đức, 5 năm gần đây, Nhà trường đã tiếp nhận các phương tiện, thiết bị dạy học với giá trị 17 tỉ đồng đầu tư cho các phòng thí nghiệm, thực hành… Chính vì thế chất lượng đào tạo của Nhà trường liên tục được nâng cao. Hằng năm Nhà trường có từ 96 đến 98% HSSV đạt yêu cầu, trong đó có từ 35 đến 40% HSSV đạt khá, giỏi. Kết quả thi tốt nghiệp hằng năm Nhà trường có từ 98 đến 99% HSSV đạt yêu cầu, trong đó có từ 30 đến 35% HSSV đạt khá giỏi. Từ những thành tích đạt được, Nhà trường liên tục được Bộ Công Thương công nhận đạt danh hiệu Đơn vị tiên tiến.