Không trang bị đồ chơi cho những nơi không đủ điều kiện bảo quản

08:42, 17/04/2011

Thông tư quy định về trang bị, quản lý, sử dụng đồ chơi trẻ em trong nhà trường nêu rõ, không trang bị đồ chơi cho những phòng học, khu vực sân chơi không đảm bảo điều kiện khai thác, sử dụng và bảo quản đồ chơi.  

 

Thông tư trên được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 13/4 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6 tới.

 

Thông tư quy định đối với đồ chơi cho trẻ em và học sinh dưới 16 tuổi sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thuộc các loại hình trong hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức và cá nhân có liên quan.

 

Theo đó, danh mục đồ chơi được trang bị trong nhà trường phải thực hiện theo các quy định của Bộ. Việc trang bị, tự làm đồ chơi trong nhà trường phải đảm bảo số lượng, chất lượng, an toàn, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, dễ khai thác sử dụng, tránh lãng phí. Không trang bị đồ chơi cho những phòng học, khu vực sân chơi không đảm bảo điều kiện khai thác, sử dụng và bảo quản đồ chơi.

 

Với các đồ chơi sản xuất trong nước, trên sản phẩm phải có nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa như tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; thành phần; thông số kỹ thuật; thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng; hạn sử dụng; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

 

Các đồ chơi nhập khẩu mà nhãn hàng hóa trên sản phẩm chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung trên thì phải có thêm nhãn phụ thể hiện đầy đủ những nội dung còn thiếu đó.

 

Cũng theo Thông tư, đồ chơi được trang bị, sử dụng trong nhà trường phải giúp trẻ phát triển khả năng vận động, ngôn ngữ, cảm xúc, thẩm mỹ và quan hệ xã hội; phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam; không mang tư tưởng bạo lực; phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi và phát triển trí tuệ của trẻ em.

 

Các đồ chơi bị cấm lưu thông trên thị trường theo quy định tại các văn bản hiện hành của nhà nước thì không được trang bị, sử dụng trong nhà trường.

 

Các đồ chơi dùng trong lớp học và các đồ chơi phục vụ dạy học cần có tủ hoặc giá đựng đồ chơi đảm bảo ngăn nắp, gọn gàng và hợp vệ sinh.

 

Trong quá trình sử dụng, nhà trường phải có kế hoạch kiểm tra định kỳ, bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra theo hướng dẫn của nhà sản xuất; thay thế những đồ chơi không đảm bảo an toàn cho trẻ em. 

 

Trong quá trình sử dụng hàng ngày, giáo viên và nhân viên chuyên trách có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra chất lượng đồ chơi, kịp thời phát hiện và không sử dụng những đồ chơi quá cũ, hỏng, không đảm bảo tính thẩm mỹ, có nguy cơ dễ gây tai nạn, thương tích, ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn cho trẻ em. Đồng thời có biện pháp khắc phục, thay thế các đồ chơi này.

 

Đối với hiệu trưởng các nhà trường, trong quá trình mua sắm, trang bị, tiếp nhận đồ chơi, hiệu trưởng các nhà trường phải chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng và an toàn đồ chơi theo đúng các quy định của Thông tư này; đảm bảo hiệu quả sử dụng đồ chơi tại đơn vị.

Theo định kỳ, hiệu trưởng các trường học có trách nhiệm tổ chức kiểm tra chất lượng đồ chơi được sử dụng trong nhà trường. Nếu phát hiện thấy đồ chơi quá cũ, hỏng, không đảm bảo tính thẩm mỹ, có nguy cơ dễ gây tại nạn, thương tích, ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn cho trẻ em phải dừng ngay việc sử dụng và có biện pháp khắc phục, thay thế.