Quan tâm tới nơi ở cho sinh viên

09:04, 12/04/2011

Những ngày này, đến các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là những khu nhà cao tầng còn tươi mới màu sơn. Anh Trần Đình Hoán, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà ở SV cho biết: Đó là các công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà ở SV, Dự án do ĐHTN làm chủ đầu tư.

 

Tổng Dự án gồm 22 nhà 5 tầng và 1 nhà 6 tầng, có tổng số 1.284 phòng ở trên tổng diện tích sàn 67.643 m2, bằng tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 364 tỷ đồng. Trong đó các trường: Đại học Sư phạm 4 nhà, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp 6 nhà, Đại học Nông lâm 8 nhà, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật 4 nhà được thiết kế xây dựng 5 tầng, riêng Trường Đại học Y Dược xây dựng 1 nhà 6 tầng. Hiện 22 công trình đã được xây dựng hoàn thiện giao lại cho các trường quản lý, sử dụng. Riêng Trường Đại học Nông lâm hiện còn 1 công trình đơn vị thi công đang tiếp tục xây dựng hoàn thiện. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành các hạng mục xây dựng và đón tiếp sinh viên vào ở trong dịp đầu năm học mới 2011 - 2012.

 

Cũng theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án: Hầu hết các đơn vị sau khi nhận bàn giao công trình đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Tuy nhiên số công trình này mới đáp ứng được khoảng 10.000 chỗ ở cho SV. Cùng với số nhà ký túc xã được xây dựng trước đây, gồm hơn 900 phòng ở, các trường thuộc ĐHTN đã có tổng số 2.189 phòng ở dành cho SV, đáp ứng được khoảng 30% về chỗ ở cho SV các tỉnh đến Thái Nguyên học tập. Như vậy, ĐHTN còn rất nhiều SV phải ra ngoài thuê nhà ở. Song đây cũng là một sự nỗ lực lớn của Đại học cũng như của tỉnh Thái Nguyên về việc giải quyết nơi ở cho SV. Bởi trong 5 năm gần đây, ĐHTN đã phát triển nhanh chóng về quy mô đào tạo, như việc thành lập mới 9 đơn vị trực thuộc, nâng cấp 1 đơn vị cấp khoa thành trường, hoàn chỉnh đề án thành lập Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Theo đó quy mô đào tạo SV hệ chính quy, vừa làm vừa học, liên kết, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, chuyên tu, hoàn chỉnh kiến thức hằng năm tại các đơn vị trực thuộc Đại học tăng nhanh. Điển hình như Khoa Công nghệ Thông tin, từ năm 2006 đến hết năm 2010 đã mở thêm 2 ngành đào tạo và 21 chuyên ngành đào tạo mới, số SV theo học tại Khoa từ hơn 2.000 SV năm học 2005-2006 lên hơn 7.300 SV năm học 2009-2010. Trung bình mỗi năm Khoa tăng thêm 1.000 SV.

 

Cùng thời gian này, Trường Đại học Nông lâm cũng đã mở mới được 6 ngành đào tạo đại học, 2 ngành đào tạo thạc sĩ, 4 ngành đào tạo tiến sĩ và 10 ngành đào tạo liên thông. Tuyển sinh hằng năm của Trường vượt 10%, nâng tổng số SV các hệ và bậc đào tạo lên gần 12.000 SV. Trường Đại học Y Dược từ năm học 2006-2007 đến nay cũng đã mở mới được 4 mã chuyên khoa II, 1 mã chuyên khoa I, 2 mã Bác sĩ nội trú, số lượng SV, học viên theo học tăng hằng năm từ 400 đến hơn 500 SV... Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng ĐHTN: 100% các trường thành viên của Đại học đã liên tục mở rộng ngành nghề đào tạo, mở rộng liên kết đào tạo và vì thế quy mô tuyển sinh tại các đơn vị này cũng tăng nhanh, góp phần trực tiếp đưa “sĩ số” SV, học viên trong toàn Đại học lên gần 80.000 người hiện nay, tăng hơn 30.000 SV, học viên so với năm 2005.

 

Chỗ ở dành cho SV, học viên dang theo học tại ĐHTN vẫn luôn là một yêu cầu cấp thiết. Song do điều kiện các đơn vị thành viên của Đại học đang trong giai đoạn vừa mở rộng quy mô đào tạo, vừa kiến thiết xây dựng phòng học, phòng thí nghiệm thực hành nên không tránh khỏi những hạn chế về nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng nhà ký túc xá. Trong khi đó SV, học viên được vào ở trong ký túc xá chỉ phải nộp một khoản lệ phí không đáng kể, anh Nguyễn Văn Tuyên, Phó phòng Công tác học sinh, SV Trường Đại học Sư phạm cho biết: Vào ở trong ký túc xá, mỗi SV phải nộp 80.000 đồng/tháng. Còn anh Nguyễn Văn Quang, Ban Quản lý ký túc xá Trường Đại học Nông lâm cho biết thêm: Ký túc xá của Trường chỉ thu của mỗi SV 60.000 đồng/tháng, trong số tiền lệ phí này, các SV còn được Ban Quản lý Ký túc xá cấp cho 1 bình nước sạch để uống... Hầu hết ký túc xá của các trường thành viên thuộc ĐHTN được sử dụng mang tính chất an sinh xã hội cao, qua đó nhiều SV nghèo có cơ hội tốt hơn về nơi ăn, chốn ở ổn định để học tập.

 

…Trở lại Văn phòng làm việc của Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình nhà ở SV, trao đổi thêm với anh Trần Đình Hoán, chúng tôi được biết: 100% nhà ở dành cho SV xây dựng trong giai đoạn 2009-2011 đều được xây dựng móng bê tông cốt thép chịu lực, nhà có kết cấu khung bê tông cốt thép, phòng ở hình chữ nhật, lòng nhà rộng 8,5 m2, trong đó diện tích phòng ở rộng 6 m2, phòng vệ sinh rộng 2,5 m2, trước phòng có hành lang. Mỗi nhà đều được xây dựng 2 cầu thang bộ... Qua kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng, 100% công trình đều bảo đảm chất lượng, an toàn cho SV, học viên vào ở và học tập.