Thứ 2, 20/01/2025, 21:50

Tạo môi trường thân thiện và an toàn cho trẻ

08:02, 21/04/2011

Đến nay, ngành học mầm non tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế, xã hội ở một số địa phương còn chưa phát triển, môi trường học tập cho trẻ còn nhiều bất cập, nhận thức của một bộ phận đồng bào còn chưa coi trọng đúng mức việc chăm sóc và giáo dục trẻ.

 

Thêm vào đó, trình độ của giáo viên một số xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, không có điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, nội dung, hình thức và phương pháp mới, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách tốt nhất cả về thể lực lẫn trí tuệ, được sự tài trợ của Tổ chức phi chính phủ AEA, năm 2009 tỉnh đã triển khai Dự án “Gia đình và nhà trường, môi trường thân thiện và an toàn cho trẻ” và chọn 4 xã: Động Đạt, Phấn Mễ, Phủ Lý và Cổ Lũng (Phú Lương) làm điểm. Đây là những xã còn nhiều khó khăn nhất trong huyện. Trong số 4 trường trên, chỉ có duy nhất 1 trường có điểm trường tập trung, còn lại vẫn có các lớp học lẻ tại các xóm.

 

Nhìn chung, cả 4 trường đều chưa có khu trung tâm theo đúng yêu cầu về cơ sở vật chất theo Điều lệ trường mầm non. Do kinh phí thu xây dựng không có, nguồn nên ngân sách địa phương thì ít ỏi, sự vận động xã hội hóa lại hạn chế, đầu tư xây dựng trường còn nhiều khó khăn. Chế độ đãi ngộ cho giáo viên ngoài công lập phụ thuộc vào sự đóng góp của cha mẹ học sinh nên mức chi trả lương không thống nhất và còn thấp, đạt từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng. Tổng số nhóm lớp của 4 trường mầm non là 42 nhóm lớp, 1.009 trẻ, trong đó tuổi đến nhà trẻ là 97, tuổi đến lớp mẫu giáo là trên 900 trẻ.

 

Với mục tiêu tổng quát là tạo môi trường thân thiện và an toàn cho trẻ, trong vòng 2 năm, Dự án đã tổ chức được 7 lớp tập huấn cho cán bộ, giáo viên 4 xã vùng Dự án, nội dung tập huấn về: Tầm quan trọng công tác chăm sóc dinh dưỡng trẻ thơ; môi trường cho trẻ; phòng tránh tai nạn thương tích; hướng dẫn làm đồ chơi; chương trình giáo dục mầm non mới; môi trường hoạt động trong lớp, chủ đề giáo dục; hướng dẫn tính khẩu phần ăn, chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Bên cạnh đó, các cán bộ, giáo viên còn được tham gia các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc và giáo dục trẻ. Bằng nguồn kinh phí tài trợ của Tổ chức AEA, Dự án đã chỉnh trang được 13 phòng học, xây mới 13 công trình vệ sinh phù hợp theo yêu cầu của Điều lệ trường mầm non, mua sắm đồ dùng đồ chơi cho các cháu với đầy đủ chủng loại, phù hợp với yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra với tổng số kinh phí trên 450 triệu đồng.

 

Đồng chí Nguyễn Tiến Tuệ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Sự đầu tư về tiền của Dự án tuy không nhiều, nhưng quan trọng là đã nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và nhân dân. Qua các hoạt động của Dự án, chính quyền địa phương, các đoàn thể, phụ huynh đã quan tâm hơn đến sự nghiệp giáo dục mầm non. Đến nay, cả 4 trường mầm non đều được chính quyền địa phương quy hoạch, bố trí đất để xây dựng trường tại các khu trung tâm của xã, cha mẹ học sinh và cộng đồng đã đóng góp được 94 triệu đồng để xây dựng bếp ăn bán trú, mua sắm thêm trang thiết bị và tạo khuôn viên nhà trường xanh – sạch -  đẹp – an toàn và thân thiện. Thông qua học tập và học hỏi kinh nghiệm tại các trường chuẩn quốc gia, cán bộ, giáo viên các trường cũng đã triển khai thực hiện theo dõi sức khỏe cho 100% các cháu thông qua sổ sức khỏe, thành lập đội ngũ cộng tác viên để tuyên truyền cho các bậc cha mẹ học sinh về kiến thức nuôi dạy con theo khoa học.

 

Các trường đều đã có sự phối hợp với trạm y tế và cộng tác viên của Dự án tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, tiến hành cân đo và theo dõi sức khỏe trên biểu đồ tăng trưởng, quan tâm đặc biệt đến trẻ suy dinh dưỡng, tổ chức tiêm phòng và tiêm chủng đúng lịch, các trẻ bị bệnh đều được phát hiện và cách ly kịp thời. Ngoài ra, các trường đều đã thỏa thuận với phụ huynh tổ chức cho trẻ ăn bán trú và nâng dần mức đóng góp ăn bán trú, có hợp đồng mua bán thực phẩm, các bếp ăn đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lên thực đơn theo mùa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên chất lượng chăm sóc trẻ ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở 4 trường đã giảm từ 18% (năm 2008) xuống còn 14% (năm 2011).

 

Dẫn chúng tôi đến thăm trường mầm non mới của xã, đồng chí Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng giới thiệu: Trước năm 2009 trường có 2 phòng học và chỉ có khoảng 100 cháu đến lớp thường xuyên. Được sự tài trợ của Dự án, trường đã tu sửa thêm 4 phòng học nữa và xây dựng mới 5 công trình vệ sinh, đồng thời được trang bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi, giáo cụ phục vụ việc nuôi dạy trẻ. Chính quyền địa phương cũng đã đầu tư vốn và vận động nhân dân đóng góp đối ứng làm mới 2 giếng nước, mua 2 téc nước, tu sửa nhà ăn và các công trình phụ trợ khác với tổng trị giá trên 80 triệu đồng. Từ tháng 2-2010, khi UBND xã chuyển về địa điểm mới, nhường lại trụ sở cho Trường sử dụng, các cháu đã có thêm 4 phòng học nữa đảm bảo đủ phòng học và phòng chức năng để hoạt động. Cơ sở vật chất khang trang, điều kiện nuôi dạy tốt, nhân dân đã tăng cường cho trẻ đến trường, năm học này tổng số trẻ ở xã đến trường mầm non là trên 200 trẻ.

 

Các hoạt động của Dự án lại mang một ý nghĩa to lớn, làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của các tầng lớp nhân dân và khẳng định thêm rằng: Trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ không phải của riêng ai, mà toàn xã hội phải cùng chung tay xây dựng môi trường thân thiện và an toàn.