Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011: “Giỏi” cũng phải qua “sàng”

07:51, 19/04/2011

Để có "đầu vào" chất lượng cao, các trường ĐH thuộc nhóm có điểm chuẩn cao dành nhiều chỉ tiêu tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi hoặc có thành tích đặc biệt. Tuy nhiên, nhiều trường tỏ ra khắt khe hơn để chính sách ưu tiên này đem lại lợi ích thực tế cho công tác tuyển sinh và đào tạo.

 

Không hạn chế số lượng nhưng chỉ thưởng điểm

 

Học sinh giỏi là tài nguyên quý, Bộ GD-ĐT từ lâu đã có quy định về việc tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển các em vào ĐH, CĐ. Từ 5 năm nay, Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định tuyển thẳng với học sinh giỏi quốc gia để tránh tình trạng thí sinh (TS) học lệch, học tủ và bảo đảm khách quan trong tuyển sinh. Các học sinh này vẫn phải tham gia kỳ thi và phải có kết quả đạt từ điểm sàn trở lên và không có điểm 0. Các trường căn cứ vào quy định này để linh hoạt xét tuyển phù hợp để có được nguồn sinh viên chất lượng cao.

 

Mở rộng cánh cửa đón nhân tài, các trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Sư phạm Hà Nội không hạn chế số lượng tuyển thẳng cũng như ưu tiên xét tuyển các học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, miễn là các em đạt yêu cầu nói trên. Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Thăng Long ưu tiên xét tuyển cả TS đạt giải khuyến khích.

 

Tuy nhiên, để chất lượng đầu vào đồng đều và đáp ứng được yêu cầu đào tạo, nhiều trường còn đặt ra một số điều kiện khác. Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu TS đạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sau khi thi tuyển sinh ĐH theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT phải có kết quả thi cao hơn 3 điểm so với mức điểm sàn do Bộ quy định. Với Trường ĐH Xây dựng, TS muốn được tuyển thẳng vào ngành kiến trúc hoặc ngành quy hoạch vùng và đô thị phải dự thi môn vẽ mỹ thuật trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011 và đạt từ 4,5 điểm trở lên. Đối tượng ưu tiên xét tuyển vào trường theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ không được xét ưu tiên khi phân ngành.

 

Trường có đông TS giỏi nộp đơn là ĐH Kinh tế quốc dân năm nay cũng chỉ cộng điểm thưởng cho TS diện được ưu tiên xét tuyển. Các em này sẽ được cộng thêm điểm thưởng vào điểm thi tuyển sinh năm 2011 theo khối dự thi tương ứng với môn đạt giải. Cụ thể, giải nhất được thưởng 2 điểm; giải nhì thưởng 1,5 điểm; giải ba thưởng 1 điểm và giải khuyến khích thưởng 0,5 điểm.

Cũng là một cách thưởng điểm, Trường ĐH Luật Hà Nội quy định: Sau khi dự kỳ thi tuyển sinh vào trường, các đối tượng được ưu tiên xét tuyển là những TS đoạt giải nhất có tổng điểm các môn thi tuyển sinh thấp hơn 2 điểm so với điểm trúng tuyển của khối thi, theo khu vực và đối tượng. TS đoạt giải nhì: có tổng điểm thấp hơn 1,5 điểm so với điểm trúng tuyển. TS đoạt giải ba: thấp hơn 1 điểm so với điểm trúng tuyển.

 

Trường "top" yêu cầu cao

 

Ngoài ĐH Luật Hà Nội, năm nay có Trường ĐH Ngoại thương cũng buộc TS diện ưu tiên xét tuyển phải dự thi vào trường thay vì chỉ sử dụng kết quả thi trong kỳ thi chung để xét. Các trường ĐH Thăng Long, ĐH Kinh  tế quốc dân, ĐH Nông nghiệp... cũng yêu cầu TS diện này phải có nguyện vọng 1 vào trường mới được xét ưu tiên.

 

Trong khi nhiều trường không hạn chế số lượng tuyển thẳng thì Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh (tuyển sinh toàn quốc) chỉ tuyển thẳng không vượt quá 30% chỉ tiêu từng ngành học. Nếu số lượng đăng ký vượt quá chỉ tiêu, trường sẽ ưu tiên xét tuyển theo thứ tự đoạt giải từ cao xuống. Trường ĐH Y Hà Nội năm nay chưa công bố điều kiện tuyển thẳng và xét tuyển, song năm 2010, điều kiện của trường cũng khá cao: các TS đạt giải nhất, nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2010 các môn toán, hóa, sinh sẽ được trường ưu tiên xét tuyển thẳng nếu tốt nghiệp THPT loại khá trở lên, phải tham dự kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Y Hà Nội với kết quả thi từ điểm sàn ĐH trở lên và không có môn thi nào có điểm dưới 5. Còn TS chỉ đoạt giải ba cũng sẽ được ưu tiên xét tuyển thẳng nhưng với điều kiện phải có kết quả tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên.

 

Năm nay Trường ĐH Luật Hà Nội cũng chỉ dành 36 chỉ tiêu cho tuyển thẳng. Còn Trường ĐH Thương mại, tuy không yêu cầu đối tượng ưu tiên phải thi vào trường song cũng khống chế chỉ tiêu tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển không vượt quá 5% tổng chỉ tiêu tuyển sinh theo từng chuyên ngành đào tạo. Nếu số TS đăng ký tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào chuyên ngành nào đó vượt quá 5% chỉ tiêu của chuyên ngành đó, trường sẽ xét theo thứ tự tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, trong mỗi nhóm ưu tiên từ đạt giải cao đến các giải thấp hơn theo kết quả thi Olympic quốc tế và thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 của TS.

 

Phần lớn các trường dạng "top", có đông TS giỏi dự thi, đều đồng tình với chủ trương bỏ quy định tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, khống chế chỉ tiêu và đặt thêm điều kiện trong xét tuyển ưu tiên. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến muốn khôi phục chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia để không lãng phí nỗ lực của các em. Hơn nữa các học sinh giỏi thường có tư duy tốt, nếu giỏi một môn thường sẽ học tốt các môn cùng khối.



Hướng dẫn đăng ký thi ielts