Cần quan tâm đầu tư đến y tế học đường

09:42, 05/05/2011

Y tế trường học là bộ phận không thể thiếu trong nhà trường, có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh ban đầu cho giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy vậy, thực tế nhiều trường học ở Định Hóa, y tế học đường vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được so với yêu cầu đặt ra.

 

Thiếu thiết bị và kinh phí hoạt động

 

Với việc các trường mầm non và tiểu học đang thực hiện hình thức bán trú thì hầu hết thời gian ban ngày của các em là ở trong trường, vì thế việc có một cán bộ y tế chuyên môn là rất cần thiết. Ngoài nhiệm vụ sơ, cấp cứu ban đầu cho học sinh, họ còn chịu trách nhiệm về việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn, cấp phát thuốc… Cô giáo Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Kim Sơn tâm sự: Tuy Nhà trường chỉ có 133 học sinh nhưng hầu như ngày nào cũng có học sinh có nhu cầu dùng thuốc cho các loại bệnh thông thường. Ngoài ra, các hoạt động vui chơi, thể dục… đôi lúc cũng khiến các em bị trầy xước cần được sơ cứu. Tuy nhiên, do cán bộ y tế phải đồng thời phụ trách cả 2 trường tiểu học và THCS của xã, số lượng và chủng loại thuốc của Phòng Y tế Nhà trường ít nên việc khám và cấp phát thuốc cho học sinh còn hạn chế.

 

Toàn huyện Định Hóa hiện có 71 trường mầm non, tiểu học và THCS, nhưng mới chỉ tuyển dụng được là 66 cán bộ y tế học đường, có 2 xã là Định Biên và Kim Sơn, một cán bộ y tế phải phụ trách cả 2 trường là tiểu học và THCS, 3 trường còn lại cán bộ y tế học đường là giáo viên bộ môn kiêm nhiệm.

 

Chưa kể, kinh phí dành cho hoạt động của bộ phận y tế học đường còn quá thấp. Với 17/24 xã, thị trấn nằm trong khu vực được hưởng Chương trình 135 (học sinh không phải đóng góp tiền bảo hiểm y tế) thì kinh phí hoạt động của y tế học đường được Phòng GD - ĐT huyện quy định thu mỗi học sinh là 3.000 đồng/ năm. Cô giáo Đào Thị Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Hội cho biết: Với 300 học sinh, tổng kinh phí cho hoạt động y tế học đường một năm của Nhà trường là 900 nghìn đồng. Số tiền này chỉ đủ để mua một số thuốc thông thường, các phương tiện sơ cấp cứu ban đầy như băng, gạc, cồn... và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Nhiều trang thiết bị cần thiết có trong quy định nhưng Nhà trường chưa có điều kiện mua mới như: dụng cụ đo huyết áp, thiết bị đo và khám thị lực, sửa chữa tủ đựng thuốc...

 

Hiện nay, hầu hết các trường tiểu học và THCS ở Định Hóa chỉ có quy mô từ 150 đến 250 học sinh. Như vậy, số tiền thu từ học sinh để phục vụ cho hoạt động của y tế học đường chỉ khoảng 500 đến 700 nghìn đồng. Chị Mai Thu Huyền, cán bộ y tế học đường phụ trách 2 trường tiểu học và THCS Kim Sơn chia sẻ: “Với nguồn kinh phí thấp như vậy, việc tổ chức các hoạt động liên quan đến y tế trong nhà trường đều bị vướng mắc. Chúng tôi chỉ triển khai các chương trình cơ bản theo quy định như: súc miệng bằng nước Flo cho học sinh một tuần/ lần; vệ sinh y tế học đường; khám sức khỏe hàng năm; cấp phát một số loại thuốc thông thường cho học sinh khi có nhu cầu như: cảm cúm, nhức đầu, viên họng và sơ cứu ban đầu. Những trường hợp nặng hơn thì y tế trường học phải nhờ đến sự "giúp đỡ" của trạm y tế xã”. Hiện nay, hơn 30% số trường học của huyện có bộ phận y tế học đường phải chung phòng với các bộ phận khác như: Đoàn Thanh niên, Phòng Công đoàn...

 

Chính sách đãi ngộ chưa hợp lý

 

Một thiệt thòi nữa với cán bộ y tế học đường là họ không được hưởng chế độ phụ cấp của ngành Y tế (giống như những người hoạt động trong lĩnh vực y tế) và phụ cấp khu vực nên thu nhập chỉ có lương chính thức theo hệ số quy định của Nhà nước. Trong khi đó cán bộ hợp đồng với nhà trường chỉ được nhận mức lương 1 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Quy, cán bộ hợp đồng y tế học đường của Trường Mầm non Phú Tiến chia sẻ: “Yêu cầu công việc phải trực cả ngày ở Trường mà mỗi tháng chỉ được nhận mức lương 1 triệu đồng là quá thấp, nhưng vì yêu trẻ nên tôi vẫn gắn bó với nghề". Trong số 66 cán bộ y tế học đường ở Định Hóa, có 62 người có trình độ trung cấp, 4 cán bộ có trình độ cao đẳng; hiện vẫn còn 15 người phải ký hợp đồng với nhà trường (do chưa có chỉ tiêu biên chế hoặc chuyên môn đào tạo không phù hợp). Theo khảo sát của chúng tôi, do thiếu cán bộ nên hầu hết nhân viên y tế học đường ở Định Hóa đều phải làm thêm các công việc kiêm nhiệm như: thủ quỹ, công đoàn, đoàn thanh niên, đánh máy...

 

Bà Nguyễn Thị Liệu, chuyên viên phụ trách mầm non, kiêm y tế học đường của Phòng GD - ĐT huyện cho biết: Bắt đầu từ năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì y tế học đường trở thành một trong những tiêu chí quan trọng của phong trào xây dựng trường học và được kiểm tra, đánh giá, xếp loại hằng năm. Để công tác y tế học đường phát huy vai trò và hiệu quả hơn nữa thì cần hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho các nhà trường như: huy động xã hội hóa lĩnh vực y tế học đường hoặc tăng mức thu từ học sinh lên 10 nghìn đồng/năm... Đồng thời, cần có cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút và khuyến khích cán bộ y tế học đường tích cực với hơn công việc chuyên môn.



các chủ đề speaking ielts thường gặp