Cách đây hơn 2 năm, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành Quyết định số 80/2008/BGDĐT ngày 30-12-2008 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường THPT. Mục tiêu của việc ban hành quyết định này là để các nhà trường tự đánh giá chất lượng giáo dục, thông báo công khai với các cơ quan chức năng và xã hội, từ đó các cơ quan chức năng đánh giá và công nhận trường đạt tiêu chuẩn hay không theo từng cấp độ.
Việc kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn trên sẽ giúp các trường THPT biết mình đang đứng ở đâu để có kế hoạch, giải pháp khắc phục những hạn chế, đưa nhà trường ngày càng phát triển. Công tác kiểm định chất lượng được ngành Giáo dục Thái Nguyên triển khai từ năm 2009. Đến thời điểm này, đã có nhiều trường hoàn thành quá trình tự đánh giá và một số trường đã được đánh giá ngoài các nhà trường. Tuy nhiên, đây là công việc mới triển khai nên cũng gặp không ít khó khăn.
Có 7 tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng giáo dục các trường THPT là: Chiến lược phát triển của trường; tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; thực hiện chương trình giáo dục và các hoạt động giáo dục; tài chính và cơ sở vật chất; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; kết quả rèn luyện và học tập của học sinh. 7 tiêu chuẩn trên được cụ thể hoá bằng 46 tiêu chí.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục & Đào tạo): Năm 2008, sau khi Bộ ban hành quy định về các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo Sở tổ chức Hội nghị triển khai đến các nhà trường về phương pháp tự đánh giá (đánh giá trong). Đồng thời tổ chức tập huấn cho trên 100 cán bộ, giáo viên về cách thức tổ chức đánh giá ngoài. Đội ngũ này đã được cấp chứng chỉ đủ điều kiện khi Sở trưng tập tham gia các đoàn đánh giá ngoài các nhà trường. Việc thực hiện đánh giá trong (các trường tự đánh giá) đã góp phần thay đổi tư duy về công tác quản lý, tổ chức giảng dạy trong mỗi nhà trường. Nếu như trước đây việc đánh giá các mặt hoạt động của nhà trường có thể chung chung, thì hiện nay đã được lượng hoá cụ thể bằng 46 tiêu chí trong 7 tiêu chuẩn. Để khẳng định được nhà trường đã đạt được 1 tiêu chí nào đó thì phải có minh chứng để chứng minh cho tiêu chí đó. Như vậy, với việc tự đánh giá, các nhà trường sẽ biết mình đang đứng ở vị trí nào so với bộ tiêu chí. Song trong quá trình thực hiện các trường gặp không ít khó khăn, nhất là việc thu thập minh chứng.
Làm việc với cô giáo Nguyễn Thị Quốc Hoà, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An - Trường THPT duy nhất của tỉnh đến thời điểm này được công nhận đạt cấp độ 3, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, chúng tôi được biết việc tự đánh giá của trường gặp không ít khó khăn. Theo cô Hoà thì trong quá trình tự đánh giá khâu quan trọng nhất là thu thập minh chứng và viết báo cáo. Nhà trường đã tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ, giáo viên về quy trình đánh giá trong. Quá trình tự đánh giá đựơc thực hiện từ đầu hè của năm học 2009-2010. Nhà trường đã thành lập Hội đồng tự đánh giá gồm trên 10 người. Căn cứ vào 46 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn, Nhà trường đã phân công từng thành viên trong Hội đồng thu thập các minh chứng. Đơn cử như tiêu chuẩn về chiến lược phát triển của trường THPT thì minh chứng phải chứng minh được chiến lược phát triển của nhà trường có phù hợp với mục tiêu giáo dục được quy định tại Luật giáo dục và được công bố công khai chưa. Chiến lược đó có phù hợp với các nguồn lực của nhà trường, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, định kỳ được rà soát, bổ sung, điều chỉnh không? Qua thu thập các minh chứng, Trường THPT Chu Văn An tự đánh giá đạt 39/46 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường THPT. Quá trình đánh giá trong của Hội đồng tự đánh giá Trường THPT
Còn đối với Trường THPT Dương Tự Minh khi bước vào thực hiện đánh giá trong nhà trường cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hợp, Hiệu trưởng Nhà trường: Chúng tôi nhận thấy công tác lưu trữ của nhà trường rất kém. Nhiều tiêu chí mình đã làm được nhưng khi tìm minh chứng (báo cáo, giấy khen….) thì không tìm thấy. Song điều quan trọng nhất là để đạt được cấp độ 3 thì khó khăn lớn nhất của Nhà trường là làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chí đề ra trong khi chất lượng đầu vào của trường thấp. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã cho kiểm tra, khảo sát chất lượng học sinh ngay từ lớp 10. Từ đó có nhiều biện pháp trong việc giảng dạy, bồi dưỡng thêm cho học sinh yếu, cũng như học sinh giỏi không thu tiền. Nhờ vậy, kết quả đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như học kỳ I năm học 2009-2010 tỷ lệ học sinh giỏi toàn trường chỉ chiếm 0,89%, khá 20,71%, yếu 19,49%, kém 1% thì học kỳ I năm học 2010-2011 đã được nâng lên, tỷ lệ học sinh giỏi chiếm 2,65%, khá 23,92%, yếu 22,75%, kém còn 0,42%. Theo kết quả tự đánh giá thì Trường đã đạt được 39/46 tiêu chí. Nhà trường đang nỗ lực phấn đấu để đề nghị Sở Giáo dục & Đào tạo kiểm tra đánh giá ngoài đạt cấp độ 3 vào cuối năm học 2011-2012.
Hiện nay, trong tổng số trên 30 trường THPT của toàn tỉnh (trừ những trường THPT 2 cấp chưa có bộ kiểm định) thì các trường đều đã thực hiện công tác tự đánh giá. Được biết, trừ Trường THPT Chu Văn An đã được đánh giá ngoài và được UBND tỉnh công nhận đạt cấp độ 3 thì Sở Giáo dục & Đào tạo cũng vừa tổ chức đánh giá ngoài đối với 2 trường là THPT Gang Thép và THPT Sông Công. Theo đánh giá thì cả 2 trường trên đều đạt cấp độ 3. Hiện Sở đang làm hồ sơ trình UBND tỉnh để công nhận. Số trường còn lại đã hoàn thành việc đánh giá trong, song chủ yếu đều tự nhận đạt cấp độ 2.
Năm học 2011-2012 này, Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục tiếp tục tổ chức đánh giá ngoài các nhà trường để "kiểm định" lại kết quả tự đánh giá của các trường. Đây sẽ là cơ sở để các nhà trường nhận rõ mình đang đứng ở vị trí nào để tiếp tục có những giải pháp phấn đấu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thực hiện nghiêm túc, khách quan quá trình đánh giá trong cũng như đánh giá ngoài, công khai trước các cơ quan chức năng và toàn xã hội là một trong những giải pháp để mỗi nhà trường tự khẳng định mình.