Thành lập năm từ 1957, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (PTVCVB) vinh dự được 3 lần đón Bác Hồ về thăm. Đến nay, trải qua 53 năm phấn đấu và trưởng thành, lời dạy của Bác vẫn mãi vang vọng trong tâm trí cán bộ giáo viên cũng như học sinh nhà trường.
Việc “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đối với Nhà trường chính là thực hiện lời dạy của Bác, thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Mỗi học sinh đều là con ngoan, trò giỏi”…
Trong các năm 1960, 1962 và 1964, Trường PTVCVB đã vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm. Tại đây, Người đã ân cần chỉ dạy và giao trách nhiệm: “Các thầy cô giáo và cán bộ trong trường phải chăm sóc, giáo dục các cháu như người cha, người mẹ… Phải có tình thương yêu, dạy dỗ chu đáo, phải chú ý đến chăm sóc đến đời sống, sức khỏe của các cháu để làm sao cho các mầm non đó phát triển ngày càng xanh tươi, sau này các cháu sẽ trở thành cán bộ tốt của các dân tộc”. Đối với các học sinh, Bác căn dặn: “Các cháu phải ngoan ngoãn nghe lời thầy cô dạy bảo, chịu khó học tập để sau này có khả năng xây dựng bản làng, phục vụ các dân tộc…”.
Nhiệm vụ được giao vô cùng lớn lao nhưng bao thế hệ thầy và trò Nhà trường đều phấn đấu hoàn thành, giữ vững niềm tin với Bác với Đảng và Nhà nước. Đến nay, mặc dù Trường còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong khi phải đảm nhiệm 3 hệ đào tạo: THCS, THPT và Dự bị đại học. Mặt khác, đối tượng tuyển sinh đầu vào là con em các dân tộc thiểu số vùng xa xôi hẻo lánh, không qua thi tuyển, mặt bằng kiến thức thấp, không đồng đều. Ngoài ra, Trường còn các học sinh dân tộc rất ít người như: Ngái, Mảng, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y. Với đặc thù trên nên giữa các học sinh rất dễ xảy ra va chạm vì những khác biệt về phong tục tập quán, lối sống riêng của từng dân tộc. Nhớ lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên Nhà trường luôn tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu. Bên cạnh nhiệm vụ học tập, các thầy cô còn chú trọng giáo dục cho học sinh về sự bình đẳng, lòng tự hào dân tộc. Một trong những bài học về giáo dục, giảng dạy mà Nhà trường đề cao là phải xây dựng tốt mối đoàn kết, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống giữa các dân tộc. Từ khi nhập trường, học sinh được tham quan Nhà truyền thống của Trường và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Văn miếu Quốc Tử Giám, viếng lăng Bác cùng nhiều hoạt động ngoại khóa, văn hoá, văn nghệ… đã giúp các em thêm tự hào và yêu mến bản sắc văn hóa dân tộc mình, tôn trọng những nét đặc trưng văn hóa các dân tộc khác, nhận thức rõ hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Đối với những học sinh nhận thức còn chậm, các thầy cô luôn dành cho những tình cảm hết sức đặc biệt. Các em không những được thầy cô bổ sung những kiến thức còn hổng mà còn được quan tâm, dìu dắt, chỉ dạy từ việc ăn, mặc, cách giao tiếp, ứng xử đến cách sống tự lập, hòa nhập với tập thể. Các thầy cô thường gọi là “lớp học đặc biệt”. Cô Nguyễn Thị Kim Anh, chủ nhiệm một lớp học đặc biệt cho biết: “Lớp tôi có 28 học sinh thì có đến 26 em là người dân tộc Mông ở Lai Châu, nhập trường từ năm lớp 9. Các em rất ngoan nhưng bị hổng kiến thức và nhận thức còn chậm, giao tiếp còn kém. Thế nhưng chỉ sau 2 tháng dìu dắt, các em đã biết sống tự lập, hòa đồng và có ý thức học tập. Năm nay các em đang theo học lớp 10 và đã có 1 em là học sinh giỏi, 11 em học sinh khá”. Thầy Trần Hải, cô Chu Thị Nga, cô Nguyễn Phương Nga, cô Lưu Hồng Dung…là những tấm gương tiêu biểu vừa có kinh nghiệm dìu dắt các các lớp học đặc biệt vừa đào tạo được rất nhiều thế hệ học sinh giỏi các cấp cho Nhà trường. Đến thăm Trường, chúng tôi nhận thấy, giữa thầy và trò luôn có một tình cảm gắn bó thiêng liêng như những người cha, người mẹ. Các thầy cô không chỉ tận tụy với học sinh con em dân tộc mà điểm tự hào nữa là tinh thần ham học hỏi, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Học tập những tấm gương từ thầy cô, các thế hệ học sinh luôn có ý thức vươn lên trong học tập rèn luyện, lần lượt ra trường và trưởng thành. Kết quả thi tốt nghiệp qua các năm của Trường luôn đạt từ 96% đến 98%, tỷ lệ thi đỗ vào đại học, cao đẳng và Dự bị đại học đạt trên 80%. Tính đến nay, Trường đã đào tạo được trên 15.000 học sinh là con em của 32 dân tộc thiểu số thuộc 20 tỉnh thành từ Quảng Bình trở ra. Gần chục nghìn học sinh đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Trong số đó, đã có rất nhiều người đã trở thành các tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên phục vụ đồng bào các dân tộc trong cả nước hoặc giữ những cương vị, trọng trách của Quốc hội, các bộ, sở ngành… Không những vậy, từ năm 2003, Trường lại mở hệ dự bị đại học dân tộc và đã có hàng nghìn học sinh là con em các dân tộc được đào tạo ra trường đủ điều kiện vào các trường đại học. Trong năm học 2010-2011, Nhà trường có 159 học sinh giỏi cấp tỉnh, và có 14 em học sinh giỏi cấp Quốc gia (nâng tổng số HSG quốc gia của trường lên 202 em).
54 năm qua, là một chặng đường dài với nhiều dấu ấn thành tích, Trường PT VCVB luôn làm theo đúng lời Bác đã căn dặn. Đặc biệt, hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Trường không ngừng phấn đấu xây dựng và phát triển, tiếp tục đi lên nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giáo dục dân tộc và miền núi mà Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho trong thời kỳ mới.