Mái nhà thứ hai của học sinh người dân tộc thiểu số

08:52, 19/05/2011

Chúng em cảm thấy rất thoải mái từ điều kiện ăn, ở, học tập, sinh hoạt, giải trí, thầy cô luôn gần gũi, động viên dìu dắt chúng em như người cha, người mẹ, mái trường này thực sự là mái nhà thứ hai của chúng em. Đó là tâm sự của em Lê Thị Huyền, quê ở xã Bộc Nhiêu (Định Hóa), đang học lớp 12 A2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) Thái Nguyên khi tiếp xúc với chúng tôi.

 

Trường PT DTNT có quyết định thành lập từ năm 2008, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở vất chất. Hiện, trường có 12 lớp với 348 học sinh đều là con em người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tuy mới thành lập nhưng Nhà trường đã có thành tích rất đáng kể: Tỷ lệ học sinh khá giỏi thường đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ giỏi chiếm từ 7 đến 10%; trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua, Nhà trường có 129 em đoạt giải; Tại Festival các trường dân tộc nội trú toàn quốc tổ chức tại Quảng Ngãi, Đội thi của trường đã mang về 12 giải văn hóa và đứng thứ 10/48 đoàn tham gia; Đoạt giải Nhất toàn đoàn khối THPT trong cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng”…

 

Đóng góp vào thành tích chung đó, công tác quản lý học sinh nội trú có vai trò rất lớn. Vì là loại hình giáo dục chuyên biệt, học sinh ở nội trú 100% nên các thầy cô giáo không chỉ là những người truyền thụ kiến thức cho học mà còn đóng vai trò là người anh, người chị, là cha mẹ của các. Cô giáo Lê Thị Hoài Hà, giáo viên dạy môn Văn, hiện đang chủ nhiệm lớp 12 A2 tâm sự với chúng tôi: Học sinh ở đây đa số đến từ những vùng xa xôi, khó khăn, các em thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Khi mới nhập trường, rất nhiều em mang nặng tâm lý tự ti, nhút nhát, ngại giao tiếp. Các em mang xuống trường những phong tục đẹp của địa phương, của dân tộc mình nhưng cũng không ít những thói quen không tốt. Nhiều em nữ nhớ nhà khóc lóc đòi về. Để các em hòa nhập với môi trường mới, tập trung vào việc học hành, chúng tôi phải mất nhiều thời gian động viên, khuyên nhủ nhẹ nhàng, rất hạn chế mắng hay phạt các em, nếu không tác dụng sẽ ngược lại. Bản thân tôi thường dành nhiều thời gian trò chuyện, hỏi han học trò, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình và tính nết của từng em. Tôi thấy, điều này rất có ý nghĩa cho việc uốn nắn, điều chỉnh hành vi của các em… Cô kết luận: “Là người giáo viên cần có cái tâm và lòng yêu nghề, mến trẻ, với giáo viên nội trú, điều đó càng cần hơn”.

 

Cùng trong cuộc trao đổi đó, thầy giáo Phạm Thái Hải cho chúng tôi biết thêm: Rất nhiều học sinh khi mới nhập trường còn bỡ ngỡ, lạ lẫm với những thiết bị phục vụ sinh hoạt như điện, nước, vệ sinh. Chúng tôi lại là những người “thầy” hướng dẫn cụ thể đến khi các em biết sử dụng một cách thành thạo. Cũng theo thầy Hải, việc quản lý học sinh nội trú ngoài giờ lên lớp thực sự là một nghệ thuật, người giáo viên cần có kinh nghiệm, lòng say nghề và cả sự kiên nhẫn. Công việc vất vả nhưng cũng không thiếu niềm vui. Được biết, mỗi tuần, mỗi giáo viên phải tham gia trực nội trú ít nhất một ngày, một đêm. Nhiều thầy cô giáo trong ca trực gặp khi học sinh đau ốm đột xuất đã đưa các em đến bệnh viện cấp cứu, làm mọi thủ tục và trông nom chu đáo khi người nhà em đó chưa kịp tới. Các thầy cô giáo trong Trường PT DTNT tỉnh đều phấn đấu thực hiện tốt khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu”.

Ngoài việc được các thầy cô giáo gần gũi, quan tâm sát sao, học sinh Trường PT DTNT tỉnh còn thường xuyên được tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Những buổi giao lưu được tổ chức đều đặn vào mỗi tối thứ 6 hàng tuần, rồi những buổi ngoại khóa “Chúng tôi là học sinh nội trú”, “Gặp nhau cuối năm” gồm nhiều tiết mục tự biên, tự diễn đặc sắc như: Hát then, múa khèn, múa ô, diễn hài kịch, những trò chơi dân gian sôi nổi đã thực sự cuốn hút toàn thể học sinh. Ngoài ra, nhiều câu lạc bộ (CLB) được thành lập như: CLB văn học, CLB toán học, CLB hội họa, CLB hài kịch, CLB thơ, CLB điểm 9, 10 được duy trì sinh hoạt thường xuyên đã tạo nên sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh. Các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên cũng như các giải thể thao do Nhà trường tổ chức cũng thu hút đông đảo học sinh. Học sinh Nhà trường cũng tích cực tham gia các hoạt động như chăm sóc cây cảnh, trồng rau, cây ăn quả để cải thiện. Những hoạt động này vừa tạo sự gần gũi, thân thiện, hòa đồng, tạo tinh thần thoải mái giúp các em học tập tốt hơn, vừa luyện tập cho các em kỹ năng sống tập thể, kỹ năng ứng xử, góp phần thực hiện tốt phương châm “giáo dục toàn diện” trong nhà trường.

 

Trong khi dẫn chúng tôi đi tham quan khu ở nội trú của học sinh, thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường giới thiệu: Trường hiện có hai dãy phòng ở và một nhà ăn cho học sinh. Mỗi phòng ở gồm 8 em cùng lớp. Nhà trường đã xây dựng tiêu chuẩn “phòng văn hóa” và phát động phong trào thi đua giữa các phòng. Tham quan nhà ăn của học sinh đúng bữa ăn trưa của các em, chúng tôi nhận thấy một không khí rất ấm cúng như trong gia đình. Mỗi bàn ăn được đánh số trùng với số phòng ở của các em. Ăn xong, không ai bảo ai, các em đều tự giác mang bát đũa đi rửa và để vào khu vực quy định, xếp ghế, lau bàn ăn sạch sẽ…

 

Những bữa ăn vui vẻ, ấm cúng, những hoạt động ngoại khóa đầy bổ ích cùng những thầy cô tận tụy, yêu thương như cha mẹ sẽ còn mãi trong những trang lưu bút cũng như trong tâm trí của những học trò đã từng học tập dưới mái trường này. Rồi mai đây khi “bay vào cuộc sống”, những học trò đó chắc sẽ còn mãi hình ảnh về một ngôi trường- “mái nhà thứ hai” của các em.