Mái nhà thứ hai của học sinh người dân tộc thiểu số

10:40, 19/05/2011

“Chúng em cảm thấy rất thoải mái từ điều kiện ăn, ở, học tập, sinh hoạt, giải trí, thầy cô luôn gần gũi, động viên dìu dắt chúng em như người cha, người mẹ. Mái trường này thực sự là ngôi nhà thứ hai của chúng em”. Đó là tâm sự của em Dương Mỹ Tho, lớp 11A2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Thái Nguyên khi tiếp xúc với chúng tôi trong khoảng thời gian giữa hai tiết học.

 

Trường PTDTNT được thành lập từ năm 2008, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất. Hiện, trường có 12 lớp với 341 học sinh đều là con em người dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tuy mới thành lập nhưng Nhà trường đã đạt được những thành tích rất đáng kể: Tỷ lệ học sinh khá, giỏi thường đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ giỏi chiếm từ 7 đến 10%; (năm học 2010-2011, số học sinh giỏi của trường là 34 em, bằng 10%, học lực khá có 238 em, bằng 69,8%, hạnh kiểm khá, tốt chiếm 98%). Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua, Nhà trường có 129 em đoạt giải; Tại Festival các trường dân tộc nội trú toàn quốc tổ chức tại Quảng Ngãi, Đội thi của trường đã mang về 12 giải văn hóa và đứng thứ 10/48 đoàn tham gia…

 

Học sinh ở nội trú 100%, nên đặc thù của trường là có thêm công tác quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp. Để làm tốt công tác này, dù không có biên chế cho chức vụ quản sinh, nhưng Nhà trường cũng đã thành lập Ban đời sống và quản lý học sinh. Ban gồm một phó hiệu trưởng làm Trưởng ban, một giáo viên kiêm nhiệm phụ trách chung, thành viên là tất cả các giáo viên còn lại. Ban phân công người trực 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần, mỗi ca gồm hai giáo viên, bảo vệ và người trực lãnh đạo. Trong ca trực của mình, các giáo viên thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở học sinh trong việc thực hiện nội quy sinh hoạt cũng như việc tự học, chấm điểm nội vụ cho từng phòng ở. Mọi hoạt động của học sinh đều phải tuân theo một thời gian biểu chung được quy định chặt chẽ. Ngoài ra, Đoàn trường cũng thành lập Đội kiểm tra nội vụ, Đội có trách nhiệm kiểm tra và chấm điểm thi đua hàng ngày. Vào mỗi tối thứ 6 hàng tuần, Nhà trường tổ chức những buổi sinh hoạt nội trú nhằm đánh giá những ưu, khuyết điểm trong việc thực hiện nội quy nội trú cả tuần, bàn biện pháp khắc phục những hạn chế.

 

Trong công tác quản lý học sinh nội trú, vai trò của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Các thầy cô không chỉ là người truyền thụ kiến thức cho học sinh trong những buổi lên lớp mà còn đóng vai trò là người anh, người chị, là cha mẹ của các em ngoài thời gian lên lớp. Cô giáo Lê Thị Hoài Hà, giáo viên dạy môn Văn, chủ nhiệm lớp 12A2 tâm sự với chúng tôi: Học sinh ở đây đến từ những vùng xa xôi, khó khăn, thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Khi mới nhập trường, rất nhiều em mang nặng tâm lý tự ti, nhút nhát, ngại giao tiếp. Các em mang xuống trường những phong tục đẹp của địa phương, của dân tộc mình nhưng cũng mang theo không ít những thói quen không tốt. Nhiều em nữ nhớ nhà khóc lóc đòi về. Để các em hòa nhập tốt với môi trường mới, tập trung vào việc học hành, chúng tôi đã dành nhiều thời gian động viên, khuyên nhủ nhẹ nhàng, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình và tính nết của từng em. Điều này rất có ý nghĩa cho việc uốn nắn, điều chỉnh hành vi của các em… Cô kết luận: “Là người giáo viên cần có cái tâm và lòng yêu nghề, mến trẻ, với giáo viên nội trú, điều đó càng cần hơn”.

 

Cùng trong cuộc trao đổi đó, thầy Phạm Thái Hải, phụ trách quản sinh cho chúng tôi biết thêm: Rất nhiều học sinh khi mới nhập trường còn bỡ ngỡ, lạ lẫm với những thiết bị phục vụ sinh hoạt như điện, nước, vệ sinh. Chúng tôi phải hướng dẫn cụ thể đến khi các em biết sử dụng một cách thành thạo. Cũng theo thầy Hải, việc quản lý học sinh nội trú ngoài giờ lên lớp thực sự là một nghệ thuật, người giáo viên cần có kinh nghiệm, lòng say nghề và cả sự kiên nhẫn. Có thầy cô trong ca trực gặp khi học sinh đau ốm đột xuất đã đưa các em đến bệnh viện cấp cứu, làm mọi thủ tục và trông nom chu đáo khi người nhà em đó chưa kịp tới. Việc làm tốt công tác quản lý học sinh nội trú đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của Nhà trường: Trường không có học sinh cá biệt, suốt ba năm nay chỉ có một trường hợp bị đuổi học vì tái phạm. Tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá, tốt ngày càng tăng (với khối 10 năm học này ở kỳ I, hạnh kiểm khá, tốt là 97,6%, hết học kỳ II đạt 98,4%)

 

Ngoài việc được các thầy cô giáo gần gũi, quan tâm sát sao, học sinh Trường PTDTNT tỉnh còn thường xuyên được tham gia các hoạt động ngoại khóa với khẩu hiệu xuyên suốt “Trường là nhà, bạn là anh em!”. Những buổi sinh hoạt nội trú tối thứ 6 hàng tuần, những buổi xem phim tập thể, rồi những buổi ngoại khóa “Chúng tôi là học sinh nội trú”, “Gặp nhau cuối năm” gồm nhiều tiết mục tự biên, tự diễn đặc sắc như: Hát then, múa khèn, múa ô, hài kịch, những trò chơi dân gian sôi nổi đã thực sự cuốn hút toàn thể học sinh. Ngoài ra, các câu lạc bộ (CLB) được thành lập như: CLB Văn học, CLB Toán học, CLB Hội họa, CLB Hài kịch, CLB Thơ, CLB điểm 9, 10 được duy trì sinh hoạt thường xuyên… Những hoạt động này vừa tạo nên sự gần gũi, thân thiện, củng cố tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tạo tinh thần thoải mái giúp các em học tập tốt hơn, vừa luyện tập cho các em kỹ năng sống tập thể, kỹ năng ứng xử, góp phần thực hiện tốt phương châm giáo dục toàn diện trong nhà trường.

 

Trong khi dẫn chúng tôi đi tham quan khu ở nội trú của học sinh, thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường giới thiệu: Trường hiện có hai dãy phòng ở khang trang gồm 48 phòng và một nhà ăn cho học sinh. Nhà trường đã xây dựng tiêu chuẩn “Phòng văn hóa”, danh hiệu này được xét theo từng tuần căn cứ vào điểm thi đua thực hiện nội quy.

 

Những bữa ăn vui vẻ, ấm cúng, những hoạt động ngoại khóa đầy bổ ích cùng những thầy cô tận tụy, yêu thương như cha mẹ sẽ còn mãi trong những trang lưu bút cũng như trong tâm trí của những học trò đã từng học tập dưới mái trường này. Rồi mai đây khi “bay vào cuộc sống”, những học trò đó chắc sẽ còn mãi hình ảnh về một ngôi trường- “ngôi nhà thứ hai” của các em.