Nơi đào tạo cán bộ văn hóa, nghệ thuật cho các tỉnh miền núi phía Bắc

08:59, 26/05/2011

Những ngày cuối tháng Năm, đến Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc, chúng tôi như được hoà mình vào không khí học tập sôi nổi, nghiêm túc của thầy và trò dưới mái trường nghệ thuật.

 

Khu giảng đường, trong phòng tập múa, các em học sinh đang say sưa với từng vũ điệu cổ điển; lớp mỹ thuật, học trò suy ngẫm tìm một góc nhìn nghệ thuật từ một bức tượng bán thân. Cũng trên giảng đường, thầy trò lớp âm nhạc đang cùng nắn, nhả từng nốt nhạc... Chứng kiến sự chỉ bảo tận tình của đội ngũ giảng viên dành cho học trò, tôi hiểu từ mái trường nghệ thuật này, đã có rất nhiều thế hệ học trò tốt nghiệp, ra trường và trở thành những nghệ sĩ, cán bộ văn hoá của các tỉnh miền núi phía Bắc.

 

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Ngô Đình Thành, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trên cơ sở Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc, ngày 25-7-2005, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có Quyết định số 3955/QĐ-BGD & ĐT thành lập Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc. Trường có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn trong lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, múa, sân khấu, sư phạm nhạc hoạ, văn hoá quần chúng... Để đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, Nhà trường đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Vì thế chất lượng đào tạo của Nhà trường luôn đáp ứng được yêu cầu thực tế xã hội... Cũng theo thầy Thành: Công tác đào tạo bậc cao đẳng tuy mới, nhưng đến nay, Nhà trường đã mở mới được 8 mã ngành đào tạo bậc cao đẳng chính quy, 5 mã ngành đào tạo cao đẳng tại chức.

 

“Lên cao đẳng”, đồng nghĩa với việc Nhà trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, giáo trình giảng dạy của giáo viên cũng đổi mới, nhất là phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng phải được nâng cao. Để đáp ứng yêu cầu mới, hằng năm, Nhà trường tổ chức cho giáo viên được tham gia các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức, đồng thời vận động giáo viên tham gia viết giáo trình, biên soạn giáo án phục vụ cho bài giảng điện tử, khuyến khích giáo viên nghiên cứu bổ sung thêm các tư liệu mới phục vụ công tác giảng dạy của bộ môn. Chỉ riêng trong năm học 2009 - 2010, giáo viên của Trường đã có gần 30 đề tài khoa học về đổi mới phương pháp dạy học, điển hình như đề tài: “Đổi mới phương pháp giảng dạy Mỹ thuật đào tạo” của thầy Nguyễn Thế Hoà; “Đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh Khoa Âm nhạc” của cô giáo Trương Thị Bình; “Áp dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm trong việc giảng dạy môn tiếng Anh” của thạc sĩ Đinh Thị Hương...

Hầu hết các đề tài khoa học của cán bộ, giáo viên được vận dụng vào công tác giảng dạy tại trường và thu được kết quả cao. Theo cô giáo Nguyễn Thị Đông, Hiệu phó Nhà trường: “Lên cao đẳng”, đồng nghĩa mỗi giáo viên phải tự học, tự nâng cao trình độ, và nhất thiết phải tham gia học tập ở hệ cao hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định.

 

Tôi hiểu, ở một trường cao đẳng thì không thể duy trì mãi phương pháp dạy học như như ở hệ trung cấp trước đó, Ban giám hiệu Nhà trường đã có nhiều giải pháp khuyến khích đối với giáo viên, như động viên, tạo điều kiện cho giáo viên đi học cao học, nghiên cứu sinh. Trong quá trình giáo viên đi học, Nhà trường thực hiện miễn giảm 100% định mức giờ giảng, cùng đó là thanh toán thêm tiền làm việc ngoài giờ cho giáo viên có tinh thần tự nguyện đăng ký dạy thêm, đồng thời hỗ trợ cho mỗi giáo viên đi học thạc sĩ 8 triệu đồng, vì thế trong những năm gần đây số lượng giáo viên của Nhà trường có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tăng nhanh. Hiện Nhà trường có 22 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ, tăng hơn 17 thạc sĩ so với năm 2005. Và tại thời điểm tháng 5 năm 2011, Nhà trường đang có 15 người đi học sau đại học, trong đó có 3 nghiên cứu sinh và 12 thạc sĩ. Theo đó, quy mô đào tạo của Nhà trường cũng tăng từ 752 học sinh năm 2005 lên gần 1.000 học sinh đang theo học tại Trường hiện nay.

 

Cùng thời gian, dưới mái trường nghệ thuật Việt Bắc đã có hàng trăm nghìn học trò tốt nghiệp, ra trường, trở về địa phương để làm công tác nghệ thuật. Và hôm nay, khi cùng cô Hiệu phó Nguyễn Thị Đông đi qua sân trường, chúng tôi thấy tiếng trống, nhạc thúc lên  nên tò mò bước đến. Mới biết tiếng trống ấy được gióng lên từ phòng tập múa của Trường. Thầy giáo Hoàng Thiện Thực dừng tay trống, chạy lại trước nhóm học trò, làm lại một động tác múa cơ bản để các em làm theo...

 

Chúng tôi biết, thầy Thực không chỉ là một giáo viên giỏi của Khoa Múa, mà còn là một biên đạo múa có hồn, có sắc thái riêng và là Trưởng Ban Biểu diễn của Nhà trường. Trong các hội diễn văn hoá, văn nghệ toàn quốc và khu vực, thầy Thực đã mang về cho cá nhân và tập thể nhiều huy chương, nhiều giải thành tích cao. Thầy bảo: Vào các ngày hội văn hoá do tỉnh tổ chức, thầy trò Nhà trường đều có tiết mục tham gia biểu diễn. Qua đó học trò của Trường được thử thách, được nâng cao khả năng biểu diễn nghệ thuật của mình trước khi tốt nghiệp, trở về địa phương làm công tác văn hoá, nghệ thuật.