Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ bằng trò chơi dân gian

08:44, 13/05/2011

Khi những trò chơi bạo lực trên mạng Internet phát triển ngày càng mạnh mẽ thì việc đưa trò chơi dân gian (TCGD) vào trường học là rất cần thiết, đặc biệt là đối với cấp học mầm non. Điều đó giúp các em hiểu về những giá trị độc đáo trong văn hóa cổ truyền dân tộc, tạo cho các em có được không gian vui chơi bổ ích, lành mạnh.

 

Chúng tôi đến thăm Trường Mầm non Chùa Hang (Đồng Hỷ) vào một sáng tháng 5, đây là một trong những trường đầu tiên của ngành học mầm non trong tỉnh ta đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2; năm học 2010, Trường vinh dự được nhận Cúp vàng về “Giáo dục bảo vệ môi trường trong trường mầm non” do Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng. Thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ GD&ĐT, giờ học và giờ chơi có các TCDG của trẻ những năm gần đây đã được Trường Mầm non Chùa Hang đặc biệt chú trọng và có thời lượng giáo dục cụ thể, nhiều hơn so với những năm trước. Ở mỗi lớp, các cháu được tổ chức chơi những TCDG phù hợp với lứa tuổi của mình, do đó phần lớn các cháu đều tỏ ra rất hào hứng khi tham gia chơi. Đối với những cháu từ 2-3 tuổi, thì  sẽ được các cô giáo hướng dẫn chơi với những bài đồng dao đơn giản, dễ thuộc, dễ nhớ như: chi chi chành chành, kéo cưa lừa xẻ, nu na nu nống...; những cháu lớn hơn thì sẽ chơi các trò chơi như: mèo đuổi chuột, kéo co, bịt mắt bắt dê...

 

Được biết, ngay từ đầu năm học, Trường đã phát động cán bộ giáo viên sưu tầm, lựa chọn TCDG; đi sâu khai thác, phân nhóm trò chơi theo các lĩnh vực phát triển của trẻ. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên vận dụng đưa TCDG vào hoạt động học tập, vui chơi phù hợp với từng nội dung giáo dục. Với phương châm “học mà chơi - chơi mà học”, TCDG đã được các cô giáo Trường Mầm non Chùa Hang tổ chức cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ, trong hoạt động ngoài trời, phần phát triển vận động thì giáo viên có thể lựa chọn các TCDG thuộc nhóm phát triển thể chất như: kéo co, chồng nụ chồng hoa, nhảy bao bố...; phần chơi tự do thì có các TCDG nhóm trí tuệ, thẩm mỹ như: ô ăn quan; bịt mắt đánh trống...

 

Hiện nay, Trường Mầm non Chùa Hang có 250 cháu, được chia thành 6 lớp theo các độ tuổi từ 2 tuổi đến 6 tuổi. Để các cháu phát huy tốt về thể lực và trí tuệ, các giáo viên trong Trường đã sưu tập được khoảng 100 bài đồng dao đi kèm những TCDG và khuyến khích các bậc cha mẹ học sinh cùng tham gia. Ở mỗi lớp, các cô giáo đều có kế hoạch xây dựng “Góc chơi dân gian” với nhiều mô hình trò chơi được mô tả bằng những hình ảnh sinh động để các bé dễ hiểu và có thể chơi ở mọi lúc, mọi nơi như: chơi chuyền, rồng rắn lên mây... Bên cạnh đó, Nhà trường còn thiết kế khu “Vườn cổ tích” ngoài trời để tạo môi trường thân thiện và sự gần gũi cho các cháu, đồng thời giúp các cháu hình thành nhân cách thông qua các câu chuyện cổ tích do cô giáo sưu tầm và sáng tác. Hội thi “Bé vui hội Xuân” được Nhà trường tổ chức hàng năm với những TCDG mang phong tục tập quán của địa phương mình cũng là một sân chơi đầy hấp dẫn cho các cháu và được các bậc cha mẹ ủng hộ rất tích cực. Cô giáo Nguyễn Thị Lịch, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Đối với giáo dục mầm non, ngoài sự cần thiết có một môi trường xanh-sạch-đẹp, còn phải xây dựng bầu không khí vui tươi, thân thiện cho trẻ thông qua các trò chơi, đặc biệt là TCDG. Qua đó, trẻ sẽ được hình thành, phát triển các phẩm chất về thể lực, trí tuệ và tình cảm, đạo đức.

 

Phần lớn các TCDG đều góp phần giúp trẻ rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống khác nhau trong cuộc sống và tạo thói quen làm việc theo nhóm. Chẳng hạn, nhóm các trò chơi vận động tập thể như: kéo co, bịt mắt bắt dê, nhảy bao bố... có thể giúp các em tăng cường sức khỏe, thể chất, phát huy tính đoàn kết; trong khi đó những trò chơi ít vận động hơn như ô ăn quan, cờ gánh... lại giúp các em phát triển trí tuệ, rèn luyện khả năng phán đoán, quan sát và tính toán. Bên cạnh đó, các em cũng có thể thỏa sức phát huy trí tưởng tượng của mình thông qua những sản phẩm do các em tạo nên với trò chơi tô tượng, nặn đất sét...

 

Đặc điểm chung của TCDG được triển khai trong trường học là đơn giản, dễ chơi, dễ hòa nhập nên khi chơi, trẻ sẽ thấy thoải mái, tự tin bởi không bị đòi hỏi những kỹ năng phức tạp; các hành động minh họa lại rất linh hoạt, số lượng trẻ tham gia trong mỗi trò chơi không hạn chế. TCDG thường được gắn với các bài đồng dao, vì vậy trẻ được rèn luyện kỹ năng đọc, thể hiện cảm xúc và giúp trẻ sống hòa đồng hơn. Những trò chơi, cách chơi đem lại hiệu quả cao như vậy cần được khôi phục và phát huy trong các nhà trường. Vấn đề đặt ra là các trường học cần phải nghiên cứu, tìm tòi biện pháp nhằm khơi gợi sự hứng thú cho các em khi đến với những TCDG. Nhiệm vụ của các thầy, cô giáo không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, vận dụng tốt TCDG vào trường học mà còn phải biết cách tổ chức, truyền đạt lại những ý nghĩa của các trò chơi giúp các em hiểu biết hơn và tích cực hưởng ứng. Nếu hoạt động học tập và vui chơi được thiết kế hợp lý sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn. Điều đó có ý nghĩa lớn trong việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hiện nay.