Về huyện Phổ Yên, khi đến xã Trung Thành làm việc, tôi được gặp trên đường nhiều bạn trẻ mang đồng phục của người lao động. Hỏi thăm, chúng tôi mới biết các em là học sinh, sinh viên (HSSV) đang theo học tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp (Bộ Công thương).
Biết chúng tôi muốn có thắc mắc vì sao HSSV khi đi học lại mặc bảo hộ lao động, thạc sĩ Đặng Văn Cừ, Hiệu phó Nhà trường giải thích: Quan điểm của Nhà trường là đào tạo cho xã hội những người thợ giỏi nghề, giỏi việc, nên phần lớn thời gian học tập HSSV được thực hành trực tiếp trên các loại thiết bị, linh kiện máy móc; hoặc trực tiếp làm việc như những kỹ sư, công nhân thực thụ ngoài xã hội. Bằng cách đào tạo như vậy, ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, HSSV của Trường đã có thể tìm được việc làm bằng nghề mình được học.
Từ quan điểm đào tạo lý thuyết đi đôi với thực hành, trong những năm gần đây Nhà trường đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các phòng thí nghiệm, phòng thực hành và xây dựng mô hình thực hành cho HSSV. Chỉ riêng năm 2010 vừa qua, Nhà trường đầu tư 1,2 tỉ đồng xây dựng phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng cho HSSV chuyên ngành xây dựng thực tập; đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng trạm biến áp mẫu 35/22/0,4kw cho HSSV chuyên ngành hệ thống điện thực hành; đầu tư 1,4 tỷ đồng mua máy khoan sử dụng hệ điều khiển tự động cho chuyên ngành cơ khí thực tập. Thầy Lê Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao công nghệ của Nhà trường cho chúng tôi biết thêm: Ngoài những thiết bị, phòng thực hành mới được Nhà trường đầu tư trong năm 2010, trước đó Nhà trường đã có một hệ thống phòng thực hành, gồm những trang, thiết bị có công nghệ hiện đại, như 4 phòng tin học thực hành gồm 160 máy; 1 phòng học chuyên dùng cho chuyên ngành xây dựng; 6 phòng thí nghiệm điện… Trong thời gian đào tạo, HSSV năm cuối được đến các nhà máy, công trường lớn để thực hành, chủ yếu là các công ty xây lắp điện (Tổng Công ty Điện lực Việt Nam).
Trong lúc đến thăm một số phòng thực hành dành cho HSSV thực tập, thầy Nguyễn Anh Quý cho chúng tôi biết thêm: Hầu hết HSSV của Nhà trường sau tốt nghiệp, được các công ty của Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân nhận vào làm việc, đều nhanh chóng tiếp cận được công việc đơn vị giao mà không phải đào tạo lại. Đặc biệt hằng năm, Nhà trường trực tiếp ký nhận thêm các hợp đồng xây dựng, sửa chữa với các đơn vị, doanh nghiệp trong ngoài tỉnh để tăng thêm nguồn thu, để từ đó có thêm kinh phí đầu tư trở lại cho việc xây dựng cơ sở vật chất; đồng thời hằng năm Nhà trường đưa HSSV đến thực hành tại các công trình xây dựng, xây lắp điện do Nhà trường ký kết. Trong quá trình tổ chức cho HSSV thực tập, Nhà trường cũng đã trích từ nguồn thu này để bồi dưỡng từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/ngày/ 1 HSSV…
Qua câu chuyện với các thầy cô giáo trong Ban Giám hiệu, chúng tôi còn được biết thêm: Nhà trường luôn đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội. Trung bình hằng năm Nhà trường thực hiện tuyển sinh hơn 2.000 HSSV trên phạm vi cả nước, trong đó có 1.200 HSSV hệ chính quy. Hiện Nhà trường có tổng quy mô đào tạo hơn 6.000 HSSV, chủ yếu là các ngành nghề đào tạo Công nghệ kỹ thuật điện; hệ thống điện; công nghệ kỹ thuật xây dựng… Kết quả hằng năm Nhà trường có 96% HSSV tốt nghiệp, trong đó hệ cao đẳng có từ 11% HSSV đạt khá, giỏi trở lên; hệ trung cấp có từ 47% HSSV đạt khá, giỏi trở lên. Kết quả học tập, rèn luyện hằng năm của HSSV trong trường, hầu hết HSSV đều có hạnh kiểm đạo đức tốt và khá, không có HSSV vi phạm pháp luật.