Đặc cách đại học và những góc khuất

07:38, 08/07/2011

Năm 2011, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự chủ trong vấn đề xét tuyển đối với thí sinh là người khuyết tật. Tuy nhiên với việc ban hành một quy định chung nên dẫn đến mỗi trường có hình thức áp dụng khác nhau và từ góc độ nhân văn đó cho thấy những hình ảnh tương phản rõ nét.

 

Quy chế tuyển sinh hiện này nêu rõ, thí sinh là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày: Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông (THPT) của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học. Tuy nhiên khái niệm “không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày” được các trường đánh giá ở những quan điểm rất riêng.

 

Chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp nhận 4 thí sinh khiếm thị vào trường. Rõ ràng, đây là những thí sinh đặc biệt khó khăn trong việc làm bài thi. Tuy nhiên lại có những trường khác ưu ái cho những thí sinh bị sinh khuyết tật có mức độ nhẹ nhàng hơn như chỉ bị liệt hai chân…

 

Có nhiều người sẽ đánh giá, số thí sinh khuyết tật trong cả nước chẳng đáng là bao. Chính vì thế, việc ưu tiên đặc cách các em là điều nên làm bởi tính nhân văn. Nhưng xét về khía cạnh những thi sinh cùng chung “số phận”, sẽ chứng kiến được nhiều hình ảnh đối ngược nhau.

 

Trong khi những thí sinh khuyết tật bị liệt hai chân được các trường khá có tiếng tiếp nhận thì tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh khiếm thị Nguyễn Văn Tiến (học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Thanh Oai, Hà Nội) thi vào chuyên ngành cử nhân Toán vẫn phải làm bài bình thường như những thí sinh khác.

 

Theo quan điểm của TS. Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì mặc dù Tiến là thí sinh khiếm thị nhưng em vẫn có thể viết được. Bình thường, nhà trường có thể chuẩn bị cho em làm trên thiết bị dành cho người khiếm thị (viết chữ nổi).

 

Thậm chí, thông tin các trường “rầm rộ” tiếp nhận học sinh khuyết tật đã khiến một phụ huynh có con bị liệt hai chân dự thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) mạnh dạn đề xuất với Hội đồng thi để được đặc cách.

 

Chia sẻ với về vấn đề này, lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết: “Hướng dẫn của Bộ rất chung chung. Vì thế các trường đôi khi lại áp dụng thái quá. Tuyển sinh cần có sự công bằng, chỉ những trường hợp thực sự đặc biệt thì mới nên ưu tiên đặc cách. Còn những trường hợp thí sinh vẫn có thể tham gia làm bài thi một cách thuận tiện thì thiết nghĩ cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn”.

 

Đồng quan điểm, ông Tô Ngọc Hưng - Giám đốc Học viện Ngân Hàng tâm sự: “Việc nhận các em vào không có gì là khó vì đây cũng là vấn đề nhân văn. Tuy nhiên, cần có định hướng cho các em vào một ngành học nào đó để sau này tốt nghiệp có thể công hiến được. Nếu cứ “chiều” theo ý các em sau đó để rồi tốt nghiệp xã hội không chấp nhận thì có lẽ còn xót xa hơn”.

 

Khi đi thực tế ở các hội đồng thi, không ít ý kiến đều cho rằng, cần định hướng các thí sinh khuyết tật vào các ngành giáo dục đặc biệt, ngoại ngữ, hay tin học. Còn vào các ngành khác thì bản thân những người bình thường còn khó khăn để xin việc huống hồ là những sinh viên khuyết tật.

 

Chia sẻ xung quanh về xu hướng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga bộc bạch: “Bộ cũng khó nói các ngành nào thì người khuyết tất không làm được. Chiính vì thế, hiệu trưởng các trường cần phải cân nhắc để quyết định hoặc khuyên thí sinh nên theo học ngành nào. Chúng ta phải hiểu rằng, không phải cứ khuyết tật là được đặc cách vào mà còn căn cứ vào mức độ khuyết tật, kết quả học tập phổ thông… Với các điều kiện đó, nhà trường sẽ xem xét tiếp nhận. Có thể với kết quả đó em có thể được vào thẳng trường A, nhưng đối với trường B thì phải thi để đáp ứng mức độ nào đó. Cách thực hiện rất là đa dạng và do các trường quyết định”.

 

Câu chuyện về đặc cách vào trường cho những thí sinh là người khuyết tật chắc hẳn chưa thể đánh giá được qua một đợt tuyển sinh. Nhưng sự mất công bằng ngay giữa những người khuyết tật với nhau đòi hỏi những người làm công tuyển sinh cần lưu tâm hơn tự tính nhân văn và nhận đạo này.