Những lưu ý quan trọng tại kỳ thi ĐH 2011

08:11, 03/07/2011

Sáng nay (3.7), dự kiến cả nước có khoảng 650.000 thí sinh (TS) trong số hơn 1 triệu hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của đợt 1 tới làm thủ tục tại các điểm thi ĐH, chuẩn bị cho cuộc đọ sức đầu tiên diễn ra vào ngày mai 4-7, với khối A và V.

 

Một số điểm mới

 

Kỳ thi năm nay, tổng số hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH là hơn 1,47 triệu. Tính cả hồ sơ thi CĐ, khối A chiếm hơn 55%, khối B chiếm hơn 19%, khối C là 6,4%, khối D chiếm 15,5%. Các khối năng khiếu khác chiếm 3,5%. Năm nay có 50 trường ĐH không tổ chức thi mà tổ chức xét tuyển trên cơ sở kết quả thi của TS "thi nhờ" tại trường khác. Đầu mùa thi, trước thông tin có trường ĐH định không tiếp nhận TS "thi nhờ" do phải gánh thêm chi phí, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng khẳng định việc các trường phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các TS có nguyện vọng 1 học tại các trường không tổ chức thi được dự thi (thi nhờ).

 

 

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, năm 2011 kỳ thi tuyển sinh về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp "ba chung" như mọi năm song có một số điểm mới. Trong đó có thêm quy định về đối tượng dự thi là người khuyết tật và người nước ngoài. Với TS là người khuyết tật không thể phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày, hiệu trưởng các trường có quyền căn cứ vào kết quả học tập THPT, tình trạng sức khỏe của TS và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học. Tương tự, TS người nước ngoài cũng được hiệu trưởng quyết định cho vào học dựa trên việc xem xét kết quả học tập, kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của nhà trường.

 

Trong ngày làm thủ tục, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường kịp thời điều chỉnh, bổ sung những sai sót trong hồ sơ ĐKDT của TS, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho TS dự thi. Đặc biệt, các trường cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi tung tin thất thiệt, dùng công nghệ cao đưa đề thi từ trong phòng thi ra ngoài và bài giải từ ngoài vào trong phòng thi. Năm nay cũng là lần đầu tiên, trong công điện gửi các cơ sở đào tạo, Bộ nhắc nhở: cán bộ chấm thi không được tiết lộ về nội dung làm bài của TS trong quá trình chấm thi.

 

Nhằm tăng cường kỷ cương trong tuyển sinh, năm nay Bộ GD-ĐT bổ sung hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc mức kỷ luật cao hơn đối với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan khi vi phạm một trong các lỗi: gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho TS không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường; thông báo và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS không đúng thời gian quy định; hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; tính điểm sàn với môn thi đã nhân hệ số.

 

Những cảnh báo không thừa

 

Về phần các TS, một trong những băn khoăn thường trực là đề thi liệu có nằm trong vốn kiến thức đã học của họ hay không. Còn các chuyên gia tuyển sinh nhấn mạnh, với một kỳ thi mang tính cạnh tranh cao, tính phân loại của đề có ý nghĩa rất quan trọng. Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định: Đề thi năm nay sẽ theo hướng phân loại được trình độ học lực của TS song không quá khó, quá phức tạp, không nằm trong phần kiến thức đã được giảm tải, phần đọc thêm. Đề thi chủ yếu kiểm tra những kiến thức cơ bản và bám sát chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, tăng cường đánh giá khả năng thông hiểu, vận dụng kiến thức, tránh học tủ, học vẹt.

 

Có những sai sót hay vi phạm phổ biến năm nào TS cũng được nhắc nhở song vẫn có nhiều TS mắc phải. Trong đó, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý, nếu TS đến chậm 15 phút sau khi bóc đề thì không được dự thi. TS vắng mặt một buổi không được thi tiếp các buổi sau. TS chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính điện tử không có thẻ nhớ và không soạn được văn bản, giấy thấm chưa dùng, giấy nháp (phải có chữ ký của giám thị). Bất kỳ tài liệu, vật dụng nào khác TS mang vào khu vực thi và phòng thi dù sử dụng hay chưa, đều bị đình chỉ thi.

 

Theo Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, những trường hợp bị lập biên bản do mang điện thoại vào phòng thi, khu vực thi, trong những mùa tuyển sinh gần đây đã chiếm đa số, nhiều hơn số vi phạm do mang tài liệu vào phòng thi. Năm 2010, việc mang theo điện thoại chiếm tới 80% trong số những vi phạm của TS. Điều đáng tiếc là năm ngoái gần như không có trường hợp nào bị bắt khi đang thực hiện hành vi gian lận. Hầu hết TS bị lập biên bản khi điện thoại đã được tắt nguồn. Đa số các em mang điện thoại do chưa nắm rõ quy chế, cho rằng mình không vi phạm nếu điện thoại bị tắt nguồn, không sử dụng; hoặc các em mang vào vì sợ mất, không có chỗ để. Bộ đã lưu ý các trường tạo điều kiện để TS có chỗ gửi đồ trước khi vào phòng thi. Ngoài ra, đại diện hội đồng tuyển sinh của các trường đều khẳng định rằng các giám thị cũng đặc biệt nhấn mạnh điều này với TS trong ngày làm thủ tục dự thi.