Việc giảm tải là cần thiết nhưng làm như thế nào cho hợp lý, khoa học thì lại phải nghiên cứu kỹ trước khi triển khai chính thức.
Với mục đích khắc phục những bất cập và giảm bớt sự nặng nề trong chương trình học phổ thông cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn dự thảo hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy các môn học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, xin ý kiến đóng góp đến ngày 25/8 và sẽ áp dụng ngay từ năm học 2011-2012. Chủ trương này đã nhanh chóng được dư luận đón nhận, cho rằng việc giảm tải kiến thức trong sách giáo khoa cho học sinh phổ thông là cần thiết. Tuy nhiên, làm như thế nào cho hợp lý, khoa học thì lại phải nghiên cứu kỹ trước khi triển khai chính thức.
Đã có một thời gian dài, người ta nhắc nhiều đến “gánh nặng” trên vai học sinh, nhất là học sinh tiểu học khi hàng ngày phải mang đến lớp một khối lượng sách vở quá lớn. Ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục đều cho rằng: chương trình sách giáo khoa phổ thông hiện nay quá nặng, tạo ra áp lực lớn về học tập và thi cử cho học sinh. Vì thế, một chủ trương giảm tải, điều chỉnh chương trình sách giáo khoa là điều mong mỏi của cả người làm công tác giáo dục, bản thân học sinh và phụ huynh.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào Tạo cho biết: Chủ trương của Bộ về giảm tải chương trình, nội dung sách giáo khoa trong năm học 2011-2012 chính là để khắc phục tình trạng học quá nhiều của học sinh phổ thông hiện nay. Nội dung dự kiến giảm tải bao gồm: Giảm những kiến thức trùng lặp trong chương trình sách giáo khoa ở nhiều môn khác nhau; giảm nội dung trùng lặp giữa các cấp học; giảm lượng bài tập đòi hỏi áp dụng kiến thức nâng cao; điều chỉnh nội dung giảng dạy cho phù hợp với từng vùng, miền; sắp xếp lại kiến thức cho logic và liền mạch hơn.
Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục-Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Điều chỉnh như thế là cần thiết để đảm bảo kiến thức vừa sức với học sinh ở từng bậc học cụ thể. Song, cách thức điều chỉnh thế nào là việc cần bàn, trao đổi kỹ và có kế hoạch hướng dẫn cụ thể, nếu không khi triển khai sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.
Còn Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, người chủ biên 3 bộ sách giáo khoa hình học nâng cao lớp 10,11,12 lại băn khoăn khi cho rằng thời điểm đưa ra dự thảo, lấy ý kiến góp ý là quá muộn. Dự thảo được công bố và xin ý kiến rộng rãi của cán bộ, giáo viên, các nhà khoa học chỉ trong vòng 1 tuần từ 17- 25/8 là quá ngắn ngủi. Trong khi ngày 15/8, các trường ở Hà nội đã bước vào năm học mới. Hơn nữa, những tiêu chí Bộ đề ra để cắt giảm chương trình tuy trải đều từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng cắt giảm vẫn nhỏ, lẻ. Giáo sư Văn Như Cương đặt vấn đề: Tại sao việc cắt giảm lại không được tính toán rõ là bao nhiêu phần trăm? Trong khi học sinh học chương trình chuẩn được giảm tải, còn học sinh học chương trình nâng cao lại không được giảm: “Tôi đề nghị chương trình hiện nay nếu cắt đi được 30% thậm chí 1/3 đi nữa thì mới mong giảm tải được. Một vấn đề giảm tải lớn nhất, tiêu chí lớn nhất không thấy Bộ nhắc đến là cái gì không cần thiết cho kiến thức phổ thông thì không phải học…”.
Giáo sư Văn Như Cương phân tích: Mỗi tuần học sinh THPT phải học 12 môn trong 6 buổi, chưa kể các hoạt động tập thể, ngoài trời. Đây mới chính là điểm cần xem xét giảm tải. Giảm tải quan trọng là giảm khối lượng kiến thức nặng với học sinh trong một thời gian cho phép. Chẳng hạn, chương trình môn toán bậc THPT, cùng một khối lượng kiến thức tương đương, nhưng ở các nước khác, học sinh học 8 tiết 1 tuần, còn ở nước ta chỉ học trong 4 tiết. Phải tiếp thu một lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn chính là áp lực, là gánh nặng đối với học sinh. Giáo sư Văn Như Cương cho rằng: Bộ nên tính toán đến những tiêu chí cụ thể, thực sự là giảm tải chương trình, chứ không nên giảm theo kiểu vụn vặt như trong dự thảo đề ra.
Không thể phủ nhận rằng: Trong cái mừng lại có cái lo. Phụ huynh, giáo viên và học sinh mừng vì chương trình sẽ nhẹ bớt, nhưng lo vì năm học mới đã bắt đầu, dự thảo chỉ được góp ý vội vàng trong 1 tuần rồi đưa vào triển khai. Thiết nghĩ, một chủ trương điều chỉnh chương trình lớn nhất từ trước đến nay cần phải được nghiên cứu kỹ hơn, có thời gian nhiều hơn để xin ý kiến rộng rãi, tránh gây xáo trộn, băn khoăn cho những người đang làm công tác giảng dạy ở các nhà trường cũng như những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà.