Sau khi Sở Giáo dục & Đào tạo công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm học 2010-2011, nhiều cơ sở giáo dục dạy hệ bổ túc văn hóa (BTVH) “hân hoan” vì tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp rất cao, có trường đạt tới 100%. Song cũng có những trường (chủ yếu nằm ở khối các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp) có hệ dạy nghề học BTVH thì tỷ lệ tốt nghiệp gần như không có sự chuyển biến nào, thậm chí có trường tỷ lệ này còn thấp hơn những năm trước.
Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên năm học trước tỷ lê học sinh tốt nghiệp hệ BTVH 11,26%, năm nay tỷ lệ này tăng lên là 29,80%. Hai trường tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm học trước đó là Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim, năm học trước tỷ lệ tốt nghiệp đạt 28,5% thì năm học này giảm xuống còn 19,75%; Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) năm học trước tỷ lệ tốt nghiệp đạt 8,16% thì năm học này giảm xuống còn 6,74% (89 thí sinh dự thi chỉ có 6 thí sinh đỗ tốt nghiệp). Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại một số trường cao đẳng có hệ đào tạo nghề. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 20 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thì có gần 10 trường tổ chức dạy nghề. Học sinh học nghề chỉ cần có bằng tốt nghiệp THCS là có thể đăng ký vào học. Học sinh vừa học BTVH 3 năm THPT vừa học nghề. Trường thì tổ chức học văn hóa song song với học nghề, có trường lại bố trí năm đầu tiên học văn hóa, 2 năm tiếp theo vừa học văn hoá vừa học nghề. Về đội ngũ giáo viên dạy hệ BTVH của các trường cũng rất khác nhau, trường thì có biên chế giáo viên (Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim…), trường thì phải hợp đồng với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên thuê giáo viên về dạy. Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật là một trong những trường phải thuê giáo viên dạy BTVH cho học sinh học nghề. Lý giải nguyên nhân chất lượng học BTVH và số học sinh tốt nghiệp hệ đào tạo này của Trường đạt thấp, ông Trương Đại Đức, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng: “Nguyên nhân chính là do việc dạy và học đều qua quýt. Đặc biệt là ý thức học tập của học sinh rất kém. Những năm học trước chúng tôi hợp đồng với Trường THPT Ngô Quyền để cử giáo viên dạy văn hóa cho đối tượng học nghề. Giá thuê dạy là 25.000 đồng/tiết. Về quản lý chuyên môn chúng tôi hoàn toàn giao phó cho bên B. Trường cử giáo viên phụ trách các lớp học này nhưng cũng chỉ kiểm tra sổ đầu bài xem giáo viên có dạy đủ số tiết hay không, còn không có chuyên môn để kiểm tra giáo án bài giảng. Việc học BTVH của các em chủ yếu vào buổi tối. Theo phản ánh của Phòng Đào tạo Nhà trường thì qua kiểm tra sổ đầu bài hầu như các buổi học đều không đủ sĩ số học sinh. Đối tượng học nghề phần lớn là học lực yếu, do không thi đỗ vào các trường THPT nên mới xin vào đây vừa học văn hóa vừa học nghề nên nhiều em chán học, hay bỏ học, thậm chí đang học nửa chừng thì bỏ hẳn. Chỉ tính riêng niên khóa 2009-2012, đầu vào là 100 học sinh học nghề, đến thời điểm này chỉ còn khoảng 50 em theo học”…
Làm việc với đồng chí Nguyễn Ngọc Vinh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên T.P Thái Nguyên, chúng tôi được biết: Năm học vừa qua, Trung tâm hợp đồng với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật dạy 1 lớp 10 BTVH với 87 HS. Kết thúc năm học thì có tới 20 học sinh bỏ học, 10 em đúp. Được biết số học sinh đúp này đều do nghỉ học quá số buổi quy định và vi phạm quy chế của Trung tâm. Qua đây có thể khẳng định ý thức học tập của các em này là rất kém. Cũng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Vinh, để nâng cao chất lượng học tập của hệ BTVH, bên cạnh ý thức của học sinh thì mỗi nhà giáo cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, tấm lòng đối với nghề nghiệp. Chúng tôi chỉ có thể đảm bảo chất lượng giảng dạy khi mà các trường hợp đồng thuê giáo viên của Trung tâm dạy tại Trung tâm. Được biết Trung tâm Giáo dục Thường xuyên T.P Thái Nguyên rất quan tâm đến kỷ cương trong việc học tập: Nếu học sinh đến muộn thì không được vào lớp. Trong quá trình học, khi không có lý do đặc biệt thì học sinh không được ra khỏi lớp... Với cách làm trên, 2 năm gần đây tỷ lệ học sinh của Trung tâm tốt nghiệp BTVH đều đạt từ 70% đến 90%.
Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim Thái Nguyên thuận lợi hơn là có giáo viên cơ hữu trong biên chế dạy hệ BTVH. Tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp hệ BTVH của Trường tuy có cao hơn một số trường khác song vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung của hệ đào tạo này trong toàn tỉnh. Theo đồng chí Trần Đức Hải, Phó Hiệu trưởng Nhà trường: “Đa số học sinh hệ này có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, một số thiếu sự quan tâm của gia đình, một số ý thức tu dưỡng trong học tập kém. Vì thế, mặc dù Nhà trường đã có nhiều giải pháp trong tổ chức dạy học nhưng chất lượng cũng chỉ được có vậy. Và tỷ lệ tốt nghiệp như trên là phản ánh đúng thực chất chất lượng hệ BTVH". Còn theo cô giáo Lê Thị Nguyên Dung, Trưởng khoa Khoa học Cơ bản: "Nhà trường thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy học của Sở GD & ĐT ban hành. Năm cuối cấp (lớp 12), Nhà trường tăng cường số tiết dạy để đến tháng 3 hoàn thành chương trình lớp 12 và chuyển sang ôn tập thi tốt nghiệp cho các em. Nhưng do các em rỗng kiến thức từ bậc tiểu học, THCS nên sau 3 năm học ở đây cũng không thể bù đắp lại lượng kiến thức còn hổng".
Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng dạy học BTVH ở các trường có hệ đào tạo nghề thì bản thân các trường cần phải thiết chặt hơn nữa công tác quản lý giảng dạy đối với giáo viên (nhất là giáo viên hợp đồng dạy theo tiết); quan tâm giáo dục nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật học tập của học sinh, để các em hiểu rõ rằng không thể coi nhẹ việc học văn hóa so với học nghề. Bên cạnh đó, trong công tác kiểm tra, đánh giá cần tổ chức chặt chẽ, đảm bảo sự khách quan, công bằng giữa các thí sinh. Chất lượng học BTVH của các trường nghề thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của từng nhà trường. Vì vậy, đề nghị các trường có hệ đào tạo nghề học BTVH cần thẳng thắn nhìn nhận lại và có những giải pháp phù hợp trong tổ chức đào tạo loại hình này. Chừng nào các trường còn “buông” hệ đào tạo này thì chừng đó chất lượng dạy và học BTVH vẫn “đì đẹt” như hiện nay.
Bài và ảnh: Thuý Hằng