Nỗi lo đầu năm học - bao giờ mới vơi?

08:28, 21/08/2011

Cùng với không khí náo nức đón chào năm học mới, vẫn còn đó, những nỗi lo không biết đến bao giờ mới được giải toả

Còn ít ngày nữa mới đến 5/9 - ngày khai giảng chính thức năm học mới 2011-2012 và là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, nhưng ngay từ 15/8, nhiều địa phương trong cả nước, các em học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông đã đồng loạt tựu trường.

 

Để chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương, ngành giáo dục và các nhà trường đã ráo riết triển khai việc nâng cấp, xây dựng trường lớp, đồng thời có kế hoạch bổ sung và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

 

Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng thêm hơn 1.000 phòng học, ngành cũng đã tuyển dụng gần 5.000 giáo viên ở tất cả các cấp học. Năm học này, thành phố Hà Nội có hơn 2.500 cơ sở giáo dục và hơn 1.500.000 học sinh từ mầm non đến THPT. Nhiều phòng học, trường học được nâng cấp, xây mới, để đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Riêng trong năm học 2010-2011, nguồn kinh phí đầu tư cho GD&ĐT đã đạt 3.200 tỷ đồng, trong đó 2.900 tỷ là ngân sách của thành phố, còn lại là cộng đồng đóng góp… Vậy nhưng, đến nay, 12 trong số 25 khu đô thị và phường mới thành lập của Hà Nội vẫn đang trong tình trạng “trắng” giáo dục mầm non và nhiều khu “trắng” cả giáo dục phổ thông.

 

Bước vào năm học 2011-2012, ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều chưa thể giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên và sự quá tải về sĩ số học sinh/trên lớp, điển hình là ở hai ngành học: mầm non và tiểu học. Nhiều lớp có sĩ số học sinh lên tới 60-65 em. Thậm chí, không ít trường mầm non ở Hà Nội, sĩ số học sinh lên tới 70 cháu/lớp. Thế nên, năm học mới, dù mới bắt đầu, nhưng không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng: không biết với mật độ học sinh trong một lớp đông gấp rưỡi, gấp đôi so với quy định như vậy, thì giáo viên sẽ dạy như thế nào và học sinh sẽ học thế nào? Nỗi vất vả của giáo viên, thì ít nhiều có thể hình dung ra, nhưng môi trường học tập, chất lượng học tập, cùng những nguy cơ lây lan dịch bệnh trong môi trường học đường chật chội như vậy, thì không thể lường hết hậu quả…

 

Không chỉ có vậy, nỗi lo năm học mới còn là các khoản thu đầu năm học, với nhiều khoản có tên và không tên. Cho dù, ngành giáo dục có quy chế “ba công khai”, trong đó có việc công khai các khoản thu - chi trong nhà trường, giúp các gia đình biết được đâu là khoản thu chính thức mang tính bắt buộc, đâu là khoản thu tự nguyện, thoả thuận, giữa nhà trường với phụ huynh học sinh…, nhưng là chuyện ứng xử, tế nhị, có cha mẹ nào dám từ chối đóng góp, khi mà con mình vừa chân ướt chân ráo tựu trường?!…

 

Còn nữa, nỗi lo con em tiếp tục phải học hành quá tải, nhồi nhét, không chỉ trong giờ học chính khoá, mà còn là các cua học thêm liên miên, khiến các em không còn tuổi thơ. Cho dù các lớp học thêm mở ra hầu hết mang tính “tự nguyện”, nhưng với cách dạy, cách kiểm tra, thi cử như hiện nay, có mấy ai dám từ chối các lớp học của cô?! …

 

Một năm học mới đã đến. Mong cho mọi trẻ em, dù trong hoàn cảnh nào cũng được đi học và học được. Mong cho con cái thành đạt, nên người. Mong cho thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp bước truyền thống tốt đẹp của cha ông. Những ước muốn giản dị ấy, có thành hiện thực hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chung tay của các cấp, các ngành và từng gia đình. Nhưng trên hết, mỗi nhà trường phải trở thành địa chỉ tin cậy, môi trường thân thiện với các em học sinh và mỗi nhà giáo với lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp, phải thực sự là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” trong mắt học trò. Chỉ có như vậy, nỗi lo đầu năm học, mới vơi dần./.