Sáng nay, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm sàn đại học. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, có 3 phương án được đưa ra, mức sàn sẽ khó thấp hơn năm ngoái, khoảng 13-14 điểm.
- Phương án điểm sàn năm nay được đưa ra như thế nào, thưa ông?
- Điểm sàn sẽ được thống nhất thông qua cuộc họp của hội đồng điểm sàn. Cũng như các năm trước, có ba phương án được đưa ra dựa trên những nghiên cứu, phân tích kết quả của từng trường, mức độ tuyển đủ, thiếu, để cân đối. Bên cạnh đó, hội đồng cũng sẽ tính hiệu suất di chuyển của thí sinh theo vùng miền, các địa phương. Cuối cùng các thành viên sẽ bỏ phiếu chọn một phương án.
- Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập đã có kiến nghị hạ điểm sàn để có nguồn tuyển. Trong quá trình họp, hội đồng điểm sàn lưu ý đến kiến nghị này như thế nào?
- Vấn đề của các trường ngoài công lập là băn khoăn nhiều đến nguồn tuyển. Việc này trong quá trình nghiên cứu, phân tích Bộ đã tính đến. Cũng như các năm trước, năm nay hội đồng điểm sàn sẽ thống nhất mức điểm làm sao đảm bảo số dư nguồn tuyển đủ lớn.
Việc dịch chuyển vùng miền Bộ cũng đã tính hết. Quan trọng là các trường cần phải nâng cao chất lượng, quảng bá hình ảnh tạo sức hút đối với thí sinh. Thực tế có những trường không có uy tín nên dù ở mức điểm sàn thấp các em vẫn không đăng ký.
Tôi cho rằng việc hạ điểm chuẩn hay đưa ra hai mức điểm chuẩn riêng cho khối công lập và ngoài công lập khó mà thực hiện được vì luật giáo dục quy định bằng cấp giữa trường đại học công lập và dân lập có giá trị như nhau. Bộ cũng không thể chiều theo ý các trường hạ điểm chuẩn vì mục đích đảm bảo chất lượng đào tạo. Với điều kiện hiện nay muốn vào đại học phải có sự sàng lọc, lựa chọn.
- Việc các trường không tuyển đủ chỉ tiêu một phần do trách nhiệm của Bộ khi cho phép thành lập các trường đại học ngoài công lập một cách ồ ạt. Ý kiến của ông như thế nào?
- Việc mở trường đại học ngoài công lập đều nằm trong mạng lưới qui hoạch đảm bảo chỉ tiêu sinh viên trên đầu dân mà Chính phủ đã phê duyệt theo quyết định số 121. Theo đó các em có nhu cầu học tập đều có thể học và đến năm 2020 đảm bảo 450 sinh viên trên 10.000 dân. Các trường mở ra chính là đảm bảo yêu cầu đó.
Mặt khác, khi số lượng học sinh phổ thông ngày càng nhiều, các trường phải mở ra để các em có chỗ học. Trong những năm tới, Bộ cũng chủ trương giảm bớt áp lực thi cử như hiện nay. Đa số các em sẽ vào thẳng đại học sau khi tốt nghiệp, thi đại học chỉ còn ở một số trường tầm cao, nghiên cứu.
Đó là khi chúng ta có mạng lưới các trường đại học đủ lớn, và việc siết chặt đầu ra sẽ được quan tâm để đảm bảo chất lượng. Còn hiện nay, các trường mở ra nhưng ban đầu chưa được thử thách, chưa được thử nghiệm nên thí sinh còn băn khoăn.
- Bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Đào Trọng Thi có chia sẻ là "3 chung đã hoàn thành sứ mạng", ông nghĩ thế nào về điều này?
- Hiện nay Bộ cũng đang nghiên cứu phương án tuyển sinh cho những năm tới. Khâu tuyển sinh sẽ được thay đổi để làm nó nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đạt hiệu quả thiết thực. Việc giao quyền tự chủ cho các trường có uy tín, trình độ quản lí tốt là một trong những phương án chúng tôi tính toán, tuy nhiên không phải giao đại trà vì trình độ quản lí các trường có khác nhau.
Một phương án nữa là cho các em thi nhiều môn tự chọn, các trường sẽ dựa vào các môn mà xét tuyển thí sinh. Ví dụ như có trường lấy kết quả 3 môn Toán, Lý, Hóa, có trường lấy Toán, Hóa, Sinh. Khi đó, thí sinh chỉ cần thi 4 môn có thể xét được hai ngành thay vì phải thi 6 môn như hiện nay.
Các phương án này vẫn đang được nghiên cứu, bàn bạc, chưa có quyết định cuối cùng. Quá trình này sẽ được làm dần dần và có thông báo cho học sinh để các em chuẩn bị.