Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với vai trò là lãnh đạo cô giá Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Bằng (Đại Từ) đã lãnh đạo tập thể Nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh và xây dựng hình ảnh nhà trường thân thiện...
Nhìn ngôi trường khang trang, sạch đẹp với những lớp học thoáng mát, khuôn viên rộng rãi, những cô, cậu học sinh hồn nhiên, chơi đùa, ít ai nghĩ Trường Tiểu học La Bằng (Đại Từ) đã có lúc rơi vào tình trạng là cơ sở giáo dục thiếu uy tín; cơ sở vật chất chưa được quan tâm đầu tư; nội bộ Nhà trường mất đoàn kết, nhiều cán bộ, giáo viên bị kỷ luật; chất lượng dạy học không đáp ứng yêu cầu đã khiến cho nhiều phụ huynh học sinh tìm mọi cách để xin chuyển trường cho con em họ. Đó là những khó khăn mà cô giáo Nguyễn Thị Lý đã phải đối mặt khi đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng từ năm học 2007-2008. Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Cô Lý đã lãnh đạo tập thể Nhà trường quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học, lấy lại niềm tin của các bậc phụ huynh và xây dựng hình ảnh nhà trường thân thiện...
Trò chuyện với chúng tôi cô Nguyễn Thị Lý cho biết: Lúc đó, trong tôi luôn ghi nhớ câu nói của Bác: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Để làm tròn nhiệm vụ được giao, tôi xác định vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động của Nhà trường; là hạt nhân hàn gắn tinh thần đoàn kết trong cán bộ, đảng viên; đi đầu gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa nơi công sở; tôn trọng và lắng nghe ý kiến của học sinh, giáo viên, phụ huynh và nhân dân nơi công tác...
Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu cô. Việc đầu tiên cô Lý đã làm là xây dựng môi trường học đường. Hàng ngày, buổi sáng khi đi đến Trường, cô Lý không quên mang theo một cặp lồng cơm canh để trưa ở lại san đất, trồng cây, vệ sinh trường lớp. Đôi bàn tay nhỏ nhắn của cô từ lâu chỉ quen cầm phấn, bút… chai sần vì cầm cuốc, xẻng, xà beng. Nhìn thấy cô Hiệu trưởng mới vất vả, tận tụy, gần 20 cán bộ, giáo viên của Trường đều cam phục, và bản thân mỗi người tự cũng nhận thấy cần phải thay đổi. Lúc đầu thì một người, rồi hai người, dần dần tất cả giáo viên, học sinh trong Trường cùng với cô Hiệu trưởng chung tay xây dựng cảnh quan ngôi trường xanh, sạch, đẹp. Không đứng ngoài cuộc, tập thể Đảng uỷ-HĐND-UBND, các đoàn thể của xã La Bằng cũng huy động nhân lực giúp cô trò Trường Tiểu học san đất, trồng cây, xây bồn hoa, tường rào...
Bên cạnh đó, để ổn định tâm lý “khủng hoảng” của đội ngũ giáo viên, cô Lý đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm chấn chỉnh, đả thông tư tưởng, rồi động viên, chia sẻ, giúp họ lấy lại niềm tin. Nhớ lại thời điểm đó, cô Lý tâm sự: Thật ra lúc đó tôi cũng lo lắng lắm. May mắn, đó cũng là dịp cả nước bắt đầu triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vậy là tôi áp dụng vào hoàn cảnh thực tế. Bác dạy khi ứng xử với những người mắc khuyết điểm, chúng ta phải đóng góp một cách tế nhị, đầy thiện chí, mang tính xây dựng hơn là chì chiết, bôi nhọ để người có khuyết điểm nhìn ra điểm sai của mình và sửa sai một cách tự nguyện, nhiệt tình, Có như vậy sẽ tránh được mâu thuẫn nội bộ và đưa tập thể ngày càng lớn mạnh. Học theo Bác, tôi lần lượt đến từng nhà giáo viên, tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó đưa ra những lời khuyên, những lời động viên, chia sẻ, giúp họ ổn định tư tưởng và tạo động lực phấn đấu vì sự nghiệp “trồng người”.
Song song với đó, cô Lý đã cùng Ban Giám hiệu Nhà trường bàn bạc và đề ra các giải pháp, biện pháp thực hiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Việc đầu tiên là kiểm tra, đánh giá, phân xếp loại giáo viên, những giáo viên yếu về chuyên môn, nghiệp vụ được cử đi tham dự các lớp đào tạo nâng cao trình độ của tỉnh, huyện. Các tổ chuyên môn tổ chức và thực hiện các chuyên đề phù hợp với từng lớp học. Hàng tuần, tháng tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác giảng dạy thông qua các hoạt động dự giờ, kiểm tra giáo án, trao đổi nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn. Trong sinh hoạt chuyên môn (2 lần/tháng) và họp Hội đồng nhà trường (1 lần/tháng), cô Hiệu trưởng cũng dành ra 20-30 phút nói về Cuộc vận động, trong đó chú trọng vào các bài học mà người giáo viên có thể làm theo như tiết kiệm thời gian để nâng cao hiệu quả từng tiết học, giờ học; bài học về sự đoàn kết; đạo đức của người giáo viên... Từ một trường yếu kém, sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động, đến nay, Trường Tiểu học La Bằng đã thực sự thay da đổi thịt. Tháng 12-2008, Nhà trường đạt chuẩn mức độ 1, tiếp tục đến tháng 5-2009, Trường là đơn vị đầu tiên của huyện và là đơn vị thứ 2 của tỉnh đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Nếu như năm học 2007-2008, Trường Tiểu học La Bằng không có học sinh giỏi cấp tỉnh thì đến năm học 2009-2010, Trường đã có 1 học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt năm học 2010-2011, nhà trường có 9 học sinh giỏi cấp tỉnh và 1 học sinh giỏi cấp Quốc gia. Đây thực sự là những “quả ngọt” mà các thầy cô giáo Trường Tiểu học La Bằng đã vất vả gây dựng trong suốt 4 năm qua.
Nói về những thành công của mình trên con đường sự nghiệp, chị Lý cho rằng bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, chị còn được sự ủng hộ nhiệt tình về tinh thần từ phía gia đình. Bố mẹ đẻ của chị lúc thiếu thời đều là hai chiến sỹ quyết tử Thủ đô, 7 anh chị em của chị đều trong quân ngũ. Vậy nên dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, trong chị cũng luôn nhớ lời dặn của bố “các con phải giữ vững chí khí của người cộng sản”. Thổ lộ thêm về gia đình riêng, chị Lý cho biết, chồng chị cũng là bộ đội, thương vợ và hiểu những khó khăn vất vả của chị, anh luôn động viên, gánh vác và chia sẻ với vợ những khó khăn trong cuộc sống. Khi thấy vợ nản lòng, anh từng bảo với chị rằng: “Nếu lạc vào rừng em đừng sợ! Em cứ đi và sẽ tìm được lối ra”. Thành quả lớn nhất hiện nay mà vợ chồng chị có được chính là 2 đứa con đã ăn học thành tài. Chia vui với chúng tôi, chị Lý khoe, cháu lớn của anh chị giờ đã là Cử nhân tiếng Anh và hiện đang theo học tiếp một trường cao đẳng liên kết Tin học với Ấn Độ nhờ giành được suất học bổng của trường này. Cháu thứ 2 vừa thi đỗ vào Khoa Quản trị kinh doanh thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội với số điểm 27,5.
Trước khi chia tay với chúng tôi, chị Lý tâm sự: Với tôi, học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời suốt đời vì dân, vì nước của Bác là niềm vinh dự, tự hào, đặc biệt là với những người làm nghề giáo - “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Bởi vậy, trong thời gian tới, bản thân tôi nhận thấy phải thực sự cầu thị, ra sức học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được phân công, thực hành tiết kiệm, sử dụng giờ làm việc hiệu quả. Đồng thời động viên cán bộ, đảng viên và gia đình gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh; thực hiện tự phê bình và phê bình, phát huy quyền làm chủ, xây dựng nhà Trường đoàn kết...