Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục

18:30, 30/08/2011

Nhân dịp năm học mới, PV Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2011-2012 và những vấn đề mà đông đảo các bậc phụ huynh học sinh quan tâm.

PV: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành GD & ĐT triển khai trong năm học mới 2011-2012 ?.

 

Đ/c Bùi Đức Cường: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT năm học 2011 - 2012 toàn Ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây.

 

Nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt các năm học vẫn là vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục (GD). Toàn Ngành GD quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; triển khai chương trình hành động đổi mới căn bản và toàn diện GD & ĐT nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH, hội nhập quốc tế của đất nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tăng cường GD toàn diện, chú trọng GD tư tưởng, chính trị, văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành cho HS.

 

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD. Tăng cường phân cấp quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các ngành và cấp thực hiện Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về GD. Tiếp tục thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện Thông tư 09/2009/TT-BGD&ĐT về Quy chế công khai đối với các cơ sở GD, thực hiện cải cách hành chính. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tránh hình thức.

 

Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là tiếp tục chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Tăng cường công tác xây dựng thực hiện quy hoạch đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD; tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học; chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học và giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên.

 

Nhiệm vụ thứ tư là phát triển mạng lưới trường lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2011 - 2015, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất trường học trong đó chủ động xây dựng phòng học bộ môn, phòng thiết bị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia.

 

PV: Một trong những vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm nhất là những khoản thu đầu năm học mới? Vậy Ngành GD đã có những biện pháp như thế nào để hạn chế những khoản thu trong đó không ít khoản thu ngoài quy định được gọi là “tự nguyện” nhưng lại không hề nhỏ thưa đồng chí?.

 

Đ/c Bùi Đức Cường: Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở GD, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành một số nội dung cụ thể như sau: Thu học phí thực hiện theo các quy định hiện hành như: Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về việc Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Quyết định số 41/2011/QĐ-UBND ngày 22/8/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc quy định mức thu, chế độ miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2011 - 2015 tỉnh Thái Nguyên.

 

Đối với những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS học tập, sinh hoạt như: quần áo đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu, vở học tập mang tên trường… các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh, phụ huynh HS tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp. Đối với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ HS để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ HS trong công tác nuôi, dạy HS như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống… yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh HS về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.

 

Các trường vận động phụ huynh HS tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể cho con em mình theo đúng quy định của Luật bảo hiểm. Mức thu phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS do cuộc họp đầu năm học của cha mẹ HS quyết định, không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc hợp cha mẹ HS đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối năm kỳ, cuối năm học.

 

Không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc HS đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. Tất cả các cơ sở GD & ĐT phải thực hiện công khai các khoản thu, chi theo quy định của Thông tư số 09/2009/TT-BGD&ĐT ngày 07/5/2009 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

 

PV: Hiện nay bệnh chân tay miệng đang là nỗi lo của các bậc phụ huynh khi bước vào năm học mới. Vậy Ngành giáo dục có giải pháp gì để đẩy mạnh tuyên truyền trong các nhà trường trong việc phòng căn bệnh này?.

  

Đ/c Bùi Đức Cường: Từ đầu năm học 2011 đến nay, tình hình bệnh tật chân tay miệng trên cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, dự báo trong các tháng cuối năm 2011, tình hình mắc bệnh chân tay miệng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn toàn tỉnh đặc biệt là tại các trường mầm non, tiểu học; những nơi tập trung đông dân cư, nơi có điều kiện vệ sinh kém.

 

Trước tình hình đó, Ngành GD đã phối hợp Ngành y tế, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo các cơ sở GD, các Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh HS, những người làm công tác hậu cần ở các nhà trường kiến thức về đường lây truyền, vệ sinh cá nhân, cách ly bệnh nhân và các biện pháp phòng chống bệnh tay – chân – miệng trong các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ y tế trường học về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học. Các nhà trường phải đảm bảo tất cả trẻ em, nhân viên phục vụ, giáo viên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch và thường xuyên trước sau khi dạy học, chuẩn bị thức ăn, nấu ăn…

 

Đối với các lớp đã có trẻ mắc bệnh: làm sạch sàn nhà, cửa ra vào, tay nắm cửa, các dụng cụ, vật dụng thường xuyên tiếp xúc của trẻ, đồ chơi, nhà vệ sinh bằng nước xà phòng, sau đó lau bằng ChloraminB 2% hàng ngày. Thực hiện cách ly với các lớp trẻ khác. Theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình số trẻ còn lại trong lớp để có phương án phòng bệnh kịp thời. Các nhà trường phải có trách nhiệm phối hợp, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh giữa nhà trường và các địa phương, kịp thời không để dịch bệnh lây lan làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của HS.

 Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!