Lại chuyện lạm thu trong nhà trường

11:32, 29/09/2011

Đầu năm học mới, nỗi lo thường trực của nhiều gia đình có con đi học là phải đóng góp rất nhiều khoản tiền do nhà trường và Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh (BĐDHPHHS) đề ra. Trong số này có nhiều khoản mang tên “xã hội hóa” nhưng lại không được bàn bạc dân chủ tại các cuộc họp gây bức xúc trong phụ huynh học sinh (PHHS)…  

Gánh nặng tiền trường


Để có tiền đóng đóng góp cho con, nhiều gia đình, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi lại phải tất tả lo bán bao thóc, con gà, con lợn hoặc đi vay mượn. Không ít khoản thu khiến phụ huynh băn khoăn, song vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Anh Thiều Xuân Thọ, xã Thanh Ninh (Phú Bình) tâm sự: Tôi có 3 cháu đang đi học, trong đó có 2 cháu học phổ thông, 1 cháu học mẫu giáo. Ngoài tiền mua sắm quần áo, giày dép, sách vở, vợ chồng tôi phải lo nộp trên 3 triệu đồng cho 3 đứa. Anh đưa cho chúng tôi xem tờ giấy ghi chép 11 khoản thu của đứa con lên lớp 7, gồm: tiền nước uống, tiền vệ sinh, trông giữ xe đạp, tiền quỹ đội, quỹ lớp… Tổng số tiền phải nộp là gần 1,1 triệu đồng. Một phụ huynh khác có con học ở Trường Tiểu học Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) cũng cho chúng tôi xem tờ thông báo nộp tiền của Nhà trường với 16 khoản thu. Đối với những gia đình có con học đầu cấp (lớp 1, lớp 6), các khoản thu còn cao hơn rất nhiều, bởi phải mua bàn ghế, rèm cửa, quạt… Một số trường còn bán cả vở viết cho HS có in hình ảnh của trường, với giá đắt hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường… Với những khoản thu ngoài quy định đều được nhiều nhà trường đưa vào “rọ” xã hội hóa hoặc thỏa thuận (nhưng lại mang tính chất bắt buộc)… Đây chính là điều khiến các bậc phụ huynh bức xúc.

 

Lạm dụng "xã hội hóa"

           

Trong 11 khoản tiền phải nộp cho con, anh Thọ và nhiều phụ huynh khác ở Trường THCS Thanh Ninh không hiểu vì sao khoản thu "xã hội hóa" giáo dục lại lên tới 220 nghìn đồng. Theo bà Nguyễn Thị Khánh cũng có con học ở trường này thì cho dù trường đang phấn đấu đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia, nhưng Nhà trường cũng như Ban đại diện HPHHS không nên đề ra mức vận động đóng góp quá cao, mà chỉ nên đưa ra mức vận động cho phù hợp với điều kiện của các hộ dân ở đây.

 

Vẫn biết, trong điều kiện ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục hiện còn hạn hẹp, nên việc các trường phải huy động sự đóng góp từ phía  PHHS để đảm bảo các hoạt động dạy và học là điều dễ hiểu. Nhưng, nhiều nhà trường đã quá lạm dụng cụm từ "xã hội hóa" mà đưa ra nhiều khoản thu vô lý và có cả sự chồng chéo. Ở Trường THCS Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), để được công nhận đạt chuẩn Quốc gia trong năm học 2011-2012 này, từ 2 năm học trước, Nhà trường đã huy động sự đóng góp rất lớn từ phía gia đình học sinh. Cụ thể, năm học 2010-2011, trong tổng số tiền 255 triệu đồng mà Trường đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm thiết bị thì có tới 155 triệu đồng được huy động từ nhiều nguồn (Nhà trường tiết kiệm chi được 100 triệu đồng). Trong đó, Trường đã thống nhất với Ban địa diện HPHHS tổ chức họp đại diện Hội PHHS các lớp để huy động đóng góp và phân bổ như sau: mỗi HS lớp 6 đóng 560 nghìn đồng; mỗi HS lớp 7 đóng 420 nghìn đồng; mỗi HS lớp 8 đóng 280 nghìn đồng và mỗi HS lớp 9 đóng 140 nghìn đồng (thu ngay đầu năm học). Đến cuối năm học này, nhằm hoàn thiện các công trình phụ trợ (để ngành chức năng kiểm tra, công nhận trường đạt chuẩn),  Ban đại diện HPHHS lại tổ chức họp đại diện PHHS các lớp và quyết định làm tiếp hệ thống vườn hoa cây cảnh, lát gạch sân khấu, hệ thống thoát nước… ngay trong dịp hè. Để có đủ số tiền chi cho các công trình này (hiện nay cơ bản đã xong), đầu năm học 2011-2012,  ban đại diện HPHHS Nhà trường lại đưa ra mức đóng góp "xã hội hóa" cho các khối lớp: Khối 6 nộp 640 nghìn đồng/HS; khối 7 nộp 480 nghìn đồng/HS, khối 8 nộp 320 nghìn đồng/HS và khối 9 nộp 160 nghìn đồng/HS. Ngoài khoản tiền trên, mỗi HS còn phải đóng 100 nghìn đồng/năm học vào Quỹ Ban đại diện trường. Nhiều phụ huynh (xin được dấu tên) thắc mắc, tại sao trong khi tỉnh, thành phố đã dành ngân sách để đầu tư thì các trường vần thông qua  Ban đại diện HPHHS để vận động đóng góp “xã hội hoá” với mức quá cao!? Có loại quỹ như Quỹ Ban đại diện Nhà trường không hiểu dùng để làm gì?

 

Trao đổi thắc mắc này với bà Lê Thị Dung, Trưởng Ban đại diện HPHHS Nhà trường, được biết: Quỹ Ban đại diện Nhà trường là để mua quà tặng cho thầy, cô giáo trong dịp Tết; hỗ trợ khen thưởng học sinh, hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất… Quỹ này do Ban đại diện HPHHS quản lý. Nếu đúng như lời cô Dung thì ở đây có sự chồng chéo trong các khoản thu. Bởi số tiền thu “xã hội hóa” nêu trên đã dùng cho việc chi đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất Nhà trường? Quỹ Khuyến học đã dùng để hỗ trợ khen thưởng học sinh  (chưa kể các lớp đều có quỹ khuyến học)…

 

Một số trường thu sai quy định

 

Theo Quyết định số 47/2008/QĐ-UBND ngày 28-8-2008 của UBND tỉnh thì các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do địa phương quản lý không được thu các khoản gồm: tiền xây dựng trường lớp, tiền điện, nước, bảo vệ, vệ sinh. Song, thực tế nhiều trường lại không thực hiện đúng như vậy. Dưới danh nghĩa "thu theo thỏa thuận", trong tổng số 16 khoản thu đầu năm học mới này, Trường tiểu học Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) vẫn thu tiền điện thắp sáng, quạt mát phục vụ buổi chiều là 30.000 đồng/HS/10 tháng; tiền thuê vệ sinh trường lớp 45.000 đồng/HS/10 tháng; tiền trả vệ sinh môi trường của phường 10.000 đồng/HS/10 tháng. Tiền mua đèn pin, màn, chiếu và hỗ trợ lễ, Tết cho bảo vệ 10 nghìn đồng/HS/năm… Theo cô giáo Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Nhà trường thì: Những khoản tiền trên ngân sách không chi nên phải huy động “xã hội hóa”. Các em HS tiểu học còn nhỏ nên không thể vệ sinh trường, lớp, nhà vệ sinh công cộng nên Trường phải thuê người làm.

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, theo quy định của liên phòng Tài chính - Kế hoạch, Giáo dục & Đào tạo T.P Thái Nguyên tại văn bản số 401/CV-TCKH-GD&ĐT ngày 17-9-2009 về việc bãi bỏ một số khoản thu trong các đơn vị trường học ghi rõ "Các khoản được chi theo quy định gồm: tiền điện (điện bảo vệ, thắp sáng, quạt mát); tiền nước uống đun sôi để nguội, nước máy sinh hoạt; tiền vệ sinh quét dọn vệ sinh sân trường, nhà vệ sinh công cộng (không bao gồm vệ sinh trong lớp học). Từ năm 2010 trở đi, khoản tiền điện, nước, bảo vệ, vệ sinh sẽ được cân đối vào kế hoạch chi ngân sách hàng năm cho các đơn vị trên cơ sở tỷ lệ phần trăm (%) chi thường xuyên tiền lương. Vậy những khoản tiền được ngân sách chi mà Nhà trường vẫn tổ chức thu sẽ được sử dụng thế nào?

 

Cơ quan quản lý nói gì?

 

Đồng chí Dương Minh Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Bình cho biết: Sau khi có thông tin một số trường thu các khoản chưa đúng quy trình, Phòng đã thành lập đoàn công tác để tiến hành kiểm tra. Những trường hợp thu sai, sẽ bị xử lý nghiêm túc. Còn theo đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT T.P Thái Nguyên thì những nơi để xảy ra tình trạng lạm thu, thu không đúng quy định, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

 

Cũng về vấn đề này, đồng chí Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã có văn bản số 3131/SGD-ĐT gửi tới các đơn vị trực thuộc, các nhà trường về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục nhưng thời gian gần đây, Sở vẫn nhận được một số đơn thư, ý kiến phản ánh tình trạng lạm thu ở một số trường. Sở đã thành lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra về 7 nội dung năm học mới, trong đó có các khoản thu đầu năm tại một số trường của T.P Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, huyện Võ Nhai, huyện Phú Bình và 6 trường THPT. Qua kiểm tra cho thấy, một số trường thực hiện không đúng quy định nhất là vấn đề thu xã hội hóa giáo dục, một số đơn vị đã được chấn chỉnh kịp thời. Sau khi có kết luận chính thức, Sở sẽ nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với những trường có sai phạm; hoàn trả cho phụ huynh học sinh những khoản đã đóng góp mà không có trong quy định. Chúng tôi cũng mong muốn, các bậc PHHS cần sáng suốt lựa chọn những người có đủ năng lực và lòng nhiệt tình, trách nhiệm để bầu những người vào Ban đại diện HPHHS…

 

Thiết nghĩ, để không còn tình trạng lạm thu vào mỗi năm học mới của các nhà trường, đề nghị ngành GD-ĐT, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời những cơ sở giáo dục thu sai quy định. Đặc biệt, cần nêu cao vai trò của Ban đại diện HPHHS ở mỗi trường, lớp; Ban đại diện này phải thực sự là những người do PHHS bầu ra và làm việc công tâm. Việc chống lạm thu ở các nhà trường sẽ được chấn chỉnh, đi vào nền nếp nếu từ phía các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và các bậc PHHS cùng chung tay thực hiện.