Sáng 19-10, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 tại 5 điểm cầu là Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thái Nguyên.
Tại điểm cầu Thái Nguyên (tổ chức tại Đại học Thái Nguyên) có lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, Sở GD&ĐT các tỉnh: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên; lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm, Khoa Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên) và các trường cao đẳng sư phạm của các tỉnh tham dự. Dự và chỉ đạo Hội nghị ở điểm cầu Hà Nội có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, để phát huy tiềm năng của chính sách mở cửa và quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng chặt chẽ, mở rộng giữa nước ta và các nước trên thế giới, ngày 30-9-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020". Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục; triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đến năm 2020, đại đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập… Đề án được phân thành 3 giai đoạn: 2008-2010; 2011-2015 và 2015-2020. Theo đánh giá thì giai đoạn 1 triển khai Đề án muộn so với kế hoạch nên một số công việc hiện chưa theo kịp tiến độ và được chuyển sang giai đoạn 2.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng: Đây là một đề án lớn, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều địa phương, bộ, ngành và gần 80 nghìn giáo viên, hơn 200 triệu lượt học sinh, sinh viên hưởng thụ các kết quả tác động của Đề án. Trong khi đó, ở nhiều địa phương quá trình tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn do chưa có chỉ tiêu biên chế, chế độ tiền lương còn nhiều bất cập. Giáo viên tốt nghiệp đại học chuyên ngữ, trình độ năng lực đạt bậc 5 muốn tham gia dạy tiểu học nhưng quy định về trình độ và mức lương chưa thu hút nên gây ra tình trạng thừa giáo viên giỏi, trình độ cao nhưng lại thiếu giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học….Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở GD&ĐT, các trường đại học lớn trong cả nước cũng đã nêu những kinh nghiệm trong công tác dạy ngoại ngữ, đào tạo giáo viên ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy….
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Các địa phương cần ưu tiên tập trung bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ và giỏi về nghiệp vụ sư phạm. Các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các khoa, trường sư phạm ngoại ngữ cần chủ động hợp tác với các sở GD&ĐT để đào tạo theo nhu cầu của địa phương và thực hiện cam kết minh bạch về chất lượng đầu ra. Các địa phương và cơ sở giáo dục chỉ đầu tư mua sắm những thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ khi đã có đủ giáo viên đạt chuẩn và cân nhắc, thận trọng khi lựa chọn công nghệ, thiết bị thích hợp, tránh lãng phí…